(ĐCSVN)- Mặc dù có kế hoạch tu sửa hàng năm, song cho đến nay nhiều trường, lớp khối nhà trẻ, mầm non trên địa bàn huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đang trong tình trạng xuống cấp hư hỏng nặng, hoặc quá niên hạn sử dụng ảnh hưởng lớn công tác dạy và học của cô và trẻ.
Không có tường bao quanh, không sân chơi, không nhà vệ sinh, không nước sạch là thực trạng đang diễn ra tại khu mầm non, mẫu giáo của thôn Ấp Đòng, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi.
Gần 30 cháu trong độ tuổi từ 3 – 5 tuổi đang học trong một không gian trật hẹp, ẩm mốc, tường xây bị bong tróc từng mảng lớn,.. hệ thống kèo cột bị mối mọt, có thể sẽ sập xuống bất cứ lúc nào. Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu có trường hợp đáng tiếc xảy ra.Trao đổi với hiệu trưởng trường mầm non xã Bãi Sậy, chúng tôi được biết đây cũng phải là khu dành riêng cho các cháu.
Chúng tôi tới một điểm lớp nhà trẻ, mầm non khác tại thôn Nhân Đòng, tại đây có khoảng 46 cháu với 2 lớp học mẫu giáo. Mặc dù thời gian qua, chính quyền địa phương có trích từ nguồn ngân sách của xã tiến hành sửa chữa, song với các hạng mục được xây dựng từ những năm 1987 việc tu sửa trên vẫn chưa đảm bảo được độ an toàn cho cô và trẻ học tại đây. Được biết tại xã Bãi Sậy hiện nay có 7 điểm trường nhà trẻ, mầm non thì phần lớn trong số đó nằm trong thực trạng trên.
Cũng trong hiện trạng phải học nhờ, cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, tại khu lớp mẫu giáo tại thôn An Khải, xã Bắc Sơn, 75 cháu với 3 lớp học hư hỏng nặng. Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ hệ thống mái ngói cũ kỹ, xuống cấp nặng, những ngày mưa tình trạng bị dột nước không thể tránh khỏi. Đây vốn là nhà kho của hợp tác xã, nay là một phần trong hệ thống di tích đình An Khải do thiếu trường, lớp, gần 6,7 năm qua các cháu phải học nhờ tại đây trong điều kiện không được đảm bảo.
Hiện nay, toàn huyện Ân Thi có gần 6100 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non đang học tại 120 phòng học cấp 4, trong đó chiếm 80% phòng học đã quá niên hạn sử dụng. 8 phòng học trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, tập trung tại các xã Bãi Sậy, Xuân Trúc, Đa Lộc và Quảng Lãng. 7 phòng học phải học nhờ nhà văn hóa thôn. Các con số thống kê trên đã phần nào phản ảnh những khó khăn về cơ sở trường, lớp học của cô và trẻ. Rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời để cô trò có môi trường dạy, học cũng như vui chơi được an toàn, đảm bảo./.