Tín hiệu vui đối với những người trồng nhãn ở Hưng Yên

Thứ hai, 29/09/2014 11:02

(ĐCSVN)- Thu hoạch nhãn năm nay đã kết thúc, cùng với niềm vui được mùa, được giá thì một tín hiệu vui đối với những người trồng nhãn ở tỉnh Hưng Yên là: Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp phép cho nhãn, vải của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ thông qua phương pháp chiếu xạ. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 6/10, dự kiến mỗi năm, Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ khoảng 1.800 tấn nhãn, vải.. Đây là 1 hướng đi để nâng cao hiệu quả kinh tế trồng nhãn song cũng không ít thách thức cho việc thay đổi tư duy sản xuất, thâm canh nhãn.

Hiện nay, tổng diện tích trồng cây nhãn của tỉnh ta khoảng 3 nghìn héc ta, trong đó diện tích trồng nhãn tập trung 2100 ha.Sản lượng nhãn những năm gần đây trên địa bàn tỉnh tương đối cao,khoảng từ 35 đến 40 nghìn tấn. Nhưng thời gian qua, cùng với nhãn ở nhiều vùng trong cả nước, ngoài tiêu thụ nội địa, nhãn quả, long nhãn Hưng Yên chủ yếu được xuất khẩu vào Trung Quốc theo đường tiểu ngạch với giá rẻ, thị trường không ổn định. Việc Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhập khẩu vải, nhãn Việt Nam vào Mỹ đã mở ra cánh cửa mới cho nhãn vải của cả nước, trong đó có tỉnh Hưng Yên.

Tuy vậy để vào được thị trường khó tính, nhưng có lợi nhuận cao này đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo độ an toàn tuyệt đối. Quả vải và nhãn phải được trồng ở vùng đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật theo dõi, đảm bảo không có mầm bệnh. Trước khi xuất khẩu, nông sản nước ta phải được chiếu xạ chống ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải có chứng chỉ về an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng Việt Nam và chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ… mới được phép xuất khẩu vào Mỹ.Đặc biệt, các loại vải, nhãn cũng phải chịu các quy định ngặt nghèo liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Như thế, quy trình sản xuất dễ dãi như hiện nay phải hoàn toàn thay đổi.

Hiện nay, một thách thức không nhỏ với người trồng nhãn Hưng Yên là tuy có bề dày kinh nghiệm hàng trăm năm, có thổ nhưỡng tốt, thì toàn tỉnh chưa có một vùng nhãn VietGAP. Mặc dù thời gian qua, ngành chức năng đã hướng dẫn, tập huấn, nông dân đã tiếp cận với kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn, sản xuất ra những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm song để được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP thì chưa có. Nhãn quả mỗi năm toàn tỉnh sản xuất được hàng chục nghìn tấn nhưng vẫn là sản phẩm đơn lẻ của mỗi gia đình, chưa thực sự là sản phẩm tập thể. Bên cạnh đó, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho sản phẩm nhãn lồng Phố Hiến, nhãn lồng Hưng Yên chưa có cũng ít nhiều làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Việc Mỹ mở cửa cho nhãn quả của Việt Nam là cơ hội tốt đối với không chỉ người trồng nhãn ở Hưng Yên. Khi diện tích nhãn ở các vùng, miền, và ngay trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây liên tục tăng sẽ dần tạo sức ép về tiêu thụ trong những năm tới.

Để có sản phẩm đạt chất lượng đảm bảo được xuất khẩu, người trồng nhãn cần đổi mới phương thức sản xuất, trước hết là hình thành các mô hình sản xuất liên kết; áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, đặc biệt là sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để tạo sản phẩm an toàn… Đồng thời cần có liên kết của nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp để có sự gắn kết trong chỉ đạo, sản xuất và xuất khẩu. Đây là cơ hội và cũng có thể coi là bước tập dượt để nông dân trồng nhãn đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị cho sản vật nhãn lồng nức tiếng cả nước .

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực