|
NSND Ứng Duy Thịnh chỉ đạo các công việc chuẩn bị cho chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức vào tối ngày mai 27/11 |
(ĐCSVN) - Ngày mai 27.11, tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 180 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 15 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Cùng với lễ kỉ niệm được tổ chức trang trọng và một số hoạt động khác, chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức vào tối ngày 27.11.2011 tại quảng trường Nguyễn Văn Linh (thành phố Hưng Yên) cũng được đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh đặc biệt quan tâm. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung của chương trình nghệ thuật, phóng viên Báo Hưng Yên đã có cuộc trò chuyện với tổng đạo diễn, NSND Ứng Duy Thịnh.
Phóng viên: Thưa Tổng đạo diễn, NSND Ứng Duy Thịnh, xin ông cho biết những cảm nhận của ông về mảnh đất cũng như con người Hưng Yên?
NSND Ứng Duy Thịnh: Không phải là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hưng Yên, nhưng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua sách báo tôi cũng đã ít nhiều được biết về mảnh đất, con người Hưng Yên. Tôi cảm nhận đây là một vùng đất rất yên bình, giàu truyền thống văn hóa. Đây còn là nơi quy tụ nhiều bản sắc văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng. Đặc biệt Hưng Yên là một thành phố trẻ hiện đại mang trong mình sức sống mãnh liệt, đồng thời vẫn giữ được thần thái, phong cách, nét đẹp của một đô thị cổ. Là địa phương không lớn về diện tích, không quá đông dân cư, không có núi, không có biển nhưng Hưng Yên là một mảnh đất rất hiếu học.
Ngay khi biết được tỉnh có kế hoạch tổ chức lễ kỉ niệm, và nhận lời làm tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về mảnh đất, con người nơi đây. Qua đó tôi thấy yêu mảnh đất nơi đây hơn. Tôi đã phải rất nhiều lần gặp gỡ và trao đổi với các đồng chí trong ban tổ chức để có thể hiểu hết được mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của chương trình. Đây không những là một sự kiện chính trị lớn mà còn là một ngày hội lớn của toàn quân, toàn dân Hưng Yên. Do đó nội dung trọng tâm của chương trình nghệ thuật phải làm sao để tạo được một không khí hoành tráng, vui tươi, tự hào, kiêu hãnh, là một cơ hội để toàn quân và dân Hưng Yên thể hiện tình cảm, ý chí, khát vọng vươn lên của mình, làm sao để thể hiện đầy đủ vẻ đẹp của Hưng Yên trong quá khứ và hiện tại.
Phóng viên: Ông có thể cho biết cụ thể về nội dung của chương trình nghệ thuật chào mừng?
NSND Ứng Duy Thịnh: Được biết trong ngày 27.11 có hai hoạt động lớn, đó là lễ kỉ niệm được tổ chức trang trọng vào buổi sáng, buổi tối là chương trình biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa chào mừng. Nếu như chương trình buổi sáng là biểu dương lực lượng, thể hiện sự lớn mạnh và khát vọng vươn lên của tỉnh thì chương trình buổi tối sẽ là một đêm nghệ thuật đặc sắc nêu bật được hồn cốt, phẩm chất, nét đẹp của đất và người Hưng Yên. “Hưng Yên – Một vùng văn hiến” là chương trình nghệ thuật mang tính chất bán sử thi, sử dụng phương pháp, cách thể hiện của một sử thi nghệ thuật cùng với chương trình ca múa nhạc mang tinh thần của một Festival văn hóa, đậm đà dấu ấn lịch sử. Chương trình nghệ thuật tập trung chú ý vào các khía cạnh về văn hóa và đời sống của cư dân Hưng Yên, Phố Hiến xưa – Hưng Yên nay, các nhân vật lịch sử tiêu biểu; đồng thời nêu bật mối liên hệ bền chặt giữa quá khứ oai hùng, giàu bản sắc văn hóa của đồng bằng Bắc bộ với hiện tại một Hưng Yên đang trên đà phát triển. Chương trình này gồm rất nhiều ca khúc, các tiết mục nghệ thuật có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở Trung ương và địa phương được dàn dựng rất công phu.
Âm nhạc của chương trình được viết theo hình thức giao hưởng + hợp xướng, vocal mang tính chất sử thi, có sử dụng một số ca khúc viết về Hưng Yên. Sân khấu được thiết kế với 3 màn hình LED kết hợp với nhau tạo thành vòng cung phía sau sân khấu dùng để phát hình biểu trưng, logo Hưng Yên, phía dưới màn hình thiết kế một cây cầu (mô phỏng dáng cầu Yên Lệnh), biểu tượng của sự tiếp nối từ quá khứ đến hôm nay và ngày mai, quá trình hội nhập, phát triển. Ngoài ra còn sân khấu phụ cho phần biểu diễn của diễn viên địa phương ở phía trước sân khấu. Đêm nghệ thuật này sẽ có sự tham gia của hơn 1.200 người là các nghệ sĩ của các Nhà hát Trung ương, Nhà hát tuồng, Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát chèo Hưng Yên, sinh viên các Trường cao đẳng sư phạm, Cao đẳng Y tế Hưng Yên…
Phóng viên: Được biết ông từng là Phó tổng đạo diễn, Tổng đạo diễn của nhiều chương trình nghệ thuật lớn như Sea Games 22, chương trình đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Về miền quan họ… Vậy khi làm Tổng đạo diễn của chương trình nghệ thuật này, xin ông cho biết điểm khác biệt của chương trình nghệ thuật này với những chương trình nghệ thuật khác?
NSND Ứng Duy Thịnh: Điểm khác biệt của chương trình nghệ thuật này với các chương trình nghệ thuật khác được thể hiện ngay trong chính nội dung, đó là tất cả các ca khúc, các điệu múa đều gắn liền với mảnh đất, con người Hưng Yên. Cái khác thứ hai là về cấu trúc, các chương trình khác thì hoặc hoàn toàn là sử thi, hoặc hoàn toàn là chương trình ca múa nhạc nhưng chương trình nghệ thuật của Hưng Yên lại có hai phần, phần một mang tính sử thi nói về các sự kiện xảy ra theo hành trình lịch sử, phần thứ hai là phần nghệ thuật tổng hợp với những ca khúc, những tiết mục ngày nay nói về mảnh đất, tâm hồn của người Hưng Yên. Nội dung chương trình nghệ thuật đã phản ánh hồn cốt, những giá trị truyền thống của Hưng Yên chứ không phải của bất kỳ một địa phương nào khác. Kịch bản thể hiện làm sao để người xem, nếu là người Hưng Yên họ có thể tìm thấy mình ở trong đó, nếu là người ở địa phương khác thì thêm hiểu biết, thêm yêu mến mảnh đất, con người Hưng Yên.
Phóng viên: Trong quá trình thực hiện kịch bản thì ông và các đồng nghiệp có gặp những khó khăn gì và công tác chuẩn bị đến thời điểm này ra sao?
NSND Ứng Duy Thịnh: Hiện chương trình có hai lực lượng chính là lực lượng chuyên nghiệp đến từ các đoàn nghệ thuật quốc gia và các diễn viên quần chúng. Chương trình sẽ có những tiết mục mà cả hai lực lượng này cùng thể hiện trên sân khấu và đó là cái khó của đạo diễn là làm thế nào dàn dựng để hai lực lượng ấy có thể hòa quyện được với nhau. Hiện nay các lực lượng tham gia biểu diễn đang được tập luyện ở nhiều nơi, như Trường đại học Sân khấu Điện ảnh, Trường cao đẳng múa Việt Nam rồi ở tỉnh Hưng Yên… Ở mỗi điểm tập luyện đều có người phụ trách hướng dẫn, nhưng khi biểu diễn cần sự phối hợp tất cả các bộ phận với nhau, điều này là rất khó khăn. Chúng tôi không thể yêu cầu những diễn viên quần chúng diễn một cách chuyên nghiệp nhưng cũng không thể bắt khán giả xem một chương trình lộn xộn. Có thể nói những khó khăn nhỏ chúng tôi đã cơ bản khắc phục, đến thời điểm này chương trình nghệ thuật đã được chuẩn bị chu đáo, đặc biệt chúng tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các thành viên trong ban tổ chức và toàn thể nhân dân... Tôi tin rằng, thái độ nghiêm túc tập luyện của tất cả mọi người trong thời gian qua sẽ phát huy được hiệu quả, đem đến cho công chúng một chương trình nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!