Trong năm qua, được sự giúp đỡ của Ban chỉ đạo đề án giống lúa tỉnh Hưng Yên, huyện Kim Động đã đưa giống lúa Nhật Bản vào sản xuất.
Sau hai vụ thu hoạch cho thấy, các giống lúa này có năng suất, chất lượng cao hơn các giống lúa đại trà, điều đặc biệt là sau khi thu hoạch đã được đơn vị thu mua ngay khi thóc còn tươi, điều này tạo sự phấn khởi, yên tâm cho người nông dân khi gieo cấy và mở rộng diện tích trong những vụ sản xuất tới.
|
Nông dân Kim Động cấy lúa xuân. Ảnh: báo Hưng Yên |
Thực hiện chương trình đưa giống lúa mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, vụ đông xuân năm 2011, huyện Kim Động đã đưa vào gieo cấy thử nghiệm 4 ha giống lúa Nhật Bản với giống JO 1. Giống lúa này được huyện đưa về gieo cấy ở xã Vĩnh Xá. Đây là giống lúa do Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam chọn lọc từ các giống lúa của Nhật Bản, là giống cảm ôn có đặc tính nông học tốt. Qua gieo trồng thử nghiệm cho thấy, thời gian sinh trưởng của giống JO 1 là 130 ngày với ưu điểm: chịu rét tốt, cứng cây, khả năng chống đổ tốt, tỷ lệ hạt chắc cao, khả năng chống chọi sâu bệnh cao, đạt trung bình 5,3 bông/khóm, năng suất trung bình đạt trên 3 tạ/sào. Giống lúa này có chất lượng gạo thơm ngon, dẻo, sau khi thu hoạch đã có đơn vị về thu mua thóc tươi ngay, tránh hao hụt trong khi phơi và tiết kiệm công lao động cho người nông dân. Giá bán cao, đạt từ 8.000 – 8.500 đồng/kg thóc tươi.
Từ những kết quả sản xuất thực tế giống lúa JO 1 của Nhật Bản trong vụ đông xuân, sang vụ mùa, huyện Kim Động tiếp tục đưa giống lúa này vào gieo cấy với giống Japônica được mở rộng diện tích lên 10 ha ở xã Vĩnh Xá. Giống lúa Japônica có đặc tính là thấp cây đến trung bình, chắc rễ, hạt tròn, chất lượng gạo thơm ngon. Ưu điểm của giống lúa này là chắc bông, chống đổ tốt, có khả năng chống chịu nhiều loại sâu bệnh cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 85 – 90 ngày, rất thuận lợi cho bà con nông dân thu hoạch sớm để trồng cây vụ đông, năng suất đạt cao từ 2,5 đến 2,7 tạ/sào và được đơn vị thu mua ngay khi thóc còn tươi với giá bán từ 8.300 – 8.500 đồng/kg.
Như vậy với kết quả của hai vụ gieo cấy thử nghiệm giống lúa Nhật Bản trên địa bàn huyện Kim Động cho thấy, giống lúa này đã thích ứng được với điều kiện thổ nhưỡng, khả năng sinh trưởng tốt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Anh Vũ Văn Phóng, phó Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Xá cho biết: Do là địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông cao thì với những đặc tính và ưu điểm của giống lúa Nhật Bản, bà con nông dân rất phấn khởi khi được đưa giống lúa này về gieo cấy tại địa phương. Điều phấn khởi hơn chính là năng suất giống lúa này cao hơn các giống lúa trồng đại trà khác và sau khi thu hoạch đã được đơn vị thu mua thóc tươi ngay, vừa đỡ mất công phơi lại không lo bị tồn đọng sản phẩm. Theo ước tính của các hộ gieo cấy, với giá bán trên thì mỗi sào lúa Nhật Bản cho thu hoạch cao hơn các giống lúa sản xuất đại trà khác khoảng 300 nghìn đồng/sào. Chị Ngô Thị Toan, Phó trưởng phòng nông nghiệp huyện Kim Động chia sẻ: những ưu điểm của giống lúa Nhật Bản đã thấy rõ qua hai vụ sản xuất trong năm 2011 và bước đầu đưa vào gieo cấy đã được bà con nông dân chấp nhận. Tuy nhiên từ kết quả sản xuất chúng tôi thấy mỗi giống lúa đều có những ưu điểm và những hạn chế riêng. Với giống lúa JO 1 thì thời gian sinh trưởng dài nên chỉ phù hợp gieo cấy trong vụ đông xuân, còn vụ mùa thì giống lúa này chỉ thích hợp ở những địa phương không trồng cây vụ đông. Còn giống lúa Japônica thì thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp gieo trồng trong vụ mùa, bà con có thể thu hoạch sớm để trồng cây vụ đông. Tuy nhiên lúa vụ mùa trổ bông sớm nên rất dễ bị chuột phá hoại. Đặc điểm của giống lúa Japônica là rất dai ít bị dụng hạt, bà con nông dân phải đưa vào vò hai đến ba lần mới tách hết hạt, vì thế sẽ mất nhiều thời gian trong khâu tuốt lúa.
Từ những kinh nghiệm đúc rút được qua hai vụ sản xuất giống lúa Nhật Bản ở Kim Động, với những đặc tính vượt trội của giống lúa này nên khi đưa vào gieo cấy nhiều bà con nông dân hưởng ứng rất cao. Vụ đông xuân năm 2012, huyện tiếp tục đưa giống lúa Nhật Bản vào gieo cấy với diện tích được tăng lên khoảng 30 ha. Ngoài việc tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy ở Vĩnh Xá lên 20 ha, huyện còn triển khai gieo cấy ở các xã Chính Nghĩa, Nhân La, với giống lúa ĐS1. Giống lúa ĐS1 có đặc điểm là chịu rét cao nên rất phù hợp với thời tiết rét đậm kéo dài muộn như năm nay. Việc đưa các giống lúa Nhật Bản vào sản xuất hiện nay hoàn toàn do đơn vị thu mua đặt hàng và bà con nông dân được đơn vị thu mua tạm ứng giống. Công ty An Đình có trụ sở tại Hà Nội hiện đang là đơn vị thu mua giống lúa Nhật Bản ở Kim Động để chế biến, xuất khẩu.
Từ thực tế của việc trồng giống lúa Nhật Bản ở Kim Động cho thấy, việc đưa vào gieo trồng những giống lúa chất lượng, năng suất cao, tốn ít công chăm sóc… là những yếu tố thuận lợi giúp bà con nông dân thêm gắn bó với đồng ruộng, đồng thời đáp ứng nhu cầu về chất lượng gạo ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây là một hướng đi mới nhằm mở rộng lúa hàng hóa gắn với thị trường xuất khẩu, tạo thuận lợi bao tiêu sản phẩm cho nông dân.