Một nông dân làm chủ 30 mẫu ruộng cấy lúa, mỗi năm thu hoạch trên 110 tấn thóc. Các công đoạn sản xuất từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy đều được thực hiện bằng phương tiện cơ giới. Cây lúa đã giúp cho anh nông dân Nguyễn Nam Thái, thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên (Mỹ Hào) đổi đời từ hai bàn tay trắng trở thành tỷ phú.
|
Anh Nguyễn Nam Thái vận hành máy thu hoạch lúa. (Nguồn: baohungyen.vn) |
Quyết chí bám ruộng
Sau nhiều lần nghe người dân, cán bộ nông nghiệp các địa phương nhắc đến cái tên "Thái lúa", cuối cùng tôi cũng được cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mỹ Hào dẫn đến gặp anh Nguyễn Nam Thái, thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên (Mỹ Hào). Đi mỏi chân thăm những ruộng lúa chín rộ đầy bông, nặng trĩu hạt, trải dài trên cánh đồng rộng 30 mẫu đang chờ được thu hoạch và nghe anh Thái kể về chặng đường lập thân lập nghiệp của mình, tôi mới hiểu lý do tại sao người ta lại đặt cho anh biệt danh này.
Sinh năm 1970, trong gia đình làm nông nghiệp, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình, anh Thái tiếp tục tham gia lao động sản xuất. Thế nhưng, với 2,3 sào ruộng cấy lúa, cùng với những công việc làm thêm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Bàn đi, tính lại anh nghiệm ra một điều rằng thôn Ngọc Lập quê anh có hàng trăm hộ cũng chỉ có diện tích đất nông nghiệp ít như mình, mọi người đều tập trung đi làm thêm các ngành nghề phụ, đồng ruộng ít được quan tâm như trước, nếu quyết chí đầu tư vào đồng ruộng chắc chắn có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Nghĩ là làm, anh bàn với gia đình mạnh dạn vay tiền thuê ruộng của các hộ trong thôn gieo cấy 1 mẫu ruộng. Sau 2 - 3 năm thấy có hiệu quả từ cây lúa, vợ chồng anh Thái đã quyết định thuê ruộng công điền của xã, ruộng của các hộ trong thôn mở rộng diện tích lên 5 mẫu. Ban đầu, khó khăn chồng chất khó khăn, ruộng trũng lại không bằng phẳng chỗ cao, chỗ thấp, để việc gieo cấy đạt hiệu quả thì cần phải đầu tư công sức cải tạo lại ruộng, có vốn để mua sắm dụng cụ, máy sản xuất… Trong khi bản thân mới lập gia đình với hai bàn tay trắng, nhiều lúc nhìn đồng ruộng mấp mô, nơi cao khô cạn nước, nơi trũng nước ngập trắng cảm thấy thực sự bế tắc. Không lùi bước trước khó khăn, sau một thời gian ròng rã cơm nắm, cơm gói, sống ngoài đồng ruộng, dồn hết vốn liếng tự có kết hợp vay mượn thêm của bạn bè, người thân, tập trung công sức san ruộng, cải tạo mương máng, cuối cùng anh đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để gieo cấy 5 mẫu lúa.
Với 5 mẫu ruộng cấy lúa, thời gian đầu việc gieo cấy của anh Thái vẫn chủ yếu sử dụng cấy bằng mạ dược, mạ nền cứng nên ngày công, lượng giống phải sử dụng nhiều làm tăng chi phí. Năm 2005 - 2006, ở các tỉnh miền Bắc đang phát triển phương pháp sử dụng công cụ sạ hàng để gieo cấy lúa, anh Thái đã tự đi tìm hiểu và mua 1 máy sạ hàng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Từ đó, toàn bộ diện tích 5 mẫu cấy lúa đều được áp dụng phương pháp gieo sạ hàng. Hiệu quả từ gieo cấy 5 mẫu lúa đã giúp gia đình anh tích cóp được một nguồn vốn, từ đó anh Thái tiếp tục vận động các hộ trong thôn, trong xã thuê thêm ruộng, mở rộng diện tích của gia đình lên 20 mẫu. Không dừng lại ở đó, năm 2012 anh tiếp tục đến xã Hưng Long thuê thêm 10 mẫu của các hộ để mở rộng diện tích sản xuất của gia đình. Hiện nay, anh đang làm chủ của 30 mẫu ruộng, trong đó có 20 mẫu tại xã Phùng Chí Kiên và 10 mẫu tại xã Hưng Long. Khi được hỏi về động cơ nào khiến anh quyết tâm bám đồng ruộng, gắn bó với cây lúa? Anh Thái cho rằng: “Diện tích gieo cấy của gia đình ít, hiệu quả không cao, trong khi đó nhiều hộ dân trong thôn, xã và các địa phương khác gieo cấy nhưng ít quan tâm, sau khi cấy tập trung đi làm dịch vụ, công nhân trong các doanh nghiệp, do vậy năng suất lúa thấp. Từ đó, tôi nhận thấy tiềm năng đồng ruộng của quê mình có nhiều nhưng chưa được khai thác hết, còn lãng phí trong sử dụng, nếu khai thác tốt có thể làm giàu”.
Trở thành tỷ phú từ cây lúa
Từ một hộ thuộc diện khó khăn, nhờ cây lúa, đến nay gia đình anh Thái không những thoát nghèo mà còn phất lên trở thành tỷ phú. Theo nhận xét của nhiều cán bộ nông nghiệp và nông dân trong tỉnh, cách làm và phất lên thành tỷ phú như anh Thái là một “hiện tượng”, người nông dân “kiểu mẫu” trong giai đoạn hiện nay. Với 30 mẫu ruộng, trung bình mỗi năm gia đình anh Thái thu hoạch được trên 110 tấn thóc. Điển hình như vụ xuân năm nay thu hoạch đạt khoảng 55 tấn thóc, trong đó lúa nếp thơm Hưng Yên được khoảng 4 tấn, còn lại là lúa BT7. Mặc dù tối ngày bận rộn với 30 mẫu lúa, song anh Thái vẫn tranh thủ sử dụng máy gặt của mình đi gặt thuê cho các hộ trong xã và các địa phương lân cận. Vụ xuân năm nay anh gặt thuê cho các hộ được 40 mẫu lúa, với giá 200 nghìn đồng/sào, tổng thu từ gặt lúa thuê anh có thu nhập 80 triệu đồng. Cùng với đó, anh còn đảm nhận làm đất gieo cấy cho các hộ trong thôn với diện tích khoảng 30 mẫu. Đồng thời, mua sắm xe vận tải làm dịch vụ chở vật liệu cho các hộ có nhu cầu và tận dụng để vận chuyển lúa sau khi thu hoạch từ đồng ruộng về nhà. Không kể các nguồn thu từ công việc làm thêm như thu hoạch lúa, làm đất, vận chuyển vật liệu cho các hộ… chỉ với thu nhập từ 30 mẫu cấy lúa, anh Thái có thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi từ 350 - 400 triệu đồng/năm.
Kể về cách làm của mình, anh Thái cho biết: Với 30 mẫu ruộng, vụ xuân áp dụng gieo sạ 100% diện tích, vụ mùa gieo sạ 50% diện tích, còn lại cấy bằng mạ dược. Vì 15 mẫu còn lại thuộc chân ruộng trũng không áp dụng được phương pháp sạ hàng, buộc phải sử dụng cấy bằng mạ dược nhằm chống úng. Trong những năm trước, toàn bộ diện tích được gieo cấy bằng giống lúa BT7, từ vụ xuân năm 2013 gieo cấy 2 mẫu giống lúa nếp thơm Hưng Yên, còn lại vẫn được gieo cấy bằng giống lúa BT7. Dự định trong vụ mùa năm nay, gieo cấy 15 mẫu nếp thơm Hưng Yên và 15 mẫu lúa BT7. Với sản lượng thu hoạch mỗi vụ từ 55 - 60 tấn thóc, sau khi thu hoạch, tôi tiến hành sấy khô và được các thương lái trên địa bàn huyện Yên Mỹ, Văn Giang đến mua ngay, không phải xây dựng kho bảo quản. Thuê ruộng chi phí 100 nghìn đồng/sào/vụ, tương đương 1 mẫu ruộng phải trả tiền thuê 1 triệu đồng/vụ, với 30 mẫu ruộng 1 năm gia đình tôi phải trả tiền thuê ruộng cho các hộ khoảng 60 triệu đồng. Ngoài ra, trung bình một vụ gia đình tôi chi phí thuê nhân công khoảng 100 triệu đồng. Tùy vào thời điểm của cây lúa, khi gieo cấy thường thuê 3 - 4 người gieo sạ, ngày công 300 nghìn đồng/ngày, 10 - 15 người cấy với giá 250 nghìn đồng/ngày. Đến thời điểm thu hoạch thường phải thuê 5 lao động làm liên tục trong thời gian 15 ngày thực hiện các công việc như thu hoạch, vận chuyển, sấy thóc, chi phí 300 nghìn đồng/ngày công.
Có nguồn thu nhập khá từ cấy lúa, hiện nay anh Thái đầu tư mua sắm máy móc phục vụ các công đoạn trong sản xuất như làm đất, gieo cấy, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy và được đánh giá là mô hình sản xuất lúa theo quy trình đồng bộ, khép kín. Hiện tại, gia đình anh đang sở hữu 4 chiếc máy sạ hàng, 5 chiếc máy phun thuốc trừ sâu bằng điện, máy làm đất hiệu Kubota của Nhật Bản với giá 200 triệu đồng; máy gặt trị giá 275 triệu đồng. Ngoài ra, anh lặn lội vào tỉnh Cà Mau tìm hiểu và mua một máy sấy thóc với giá 50 triệu đồng.
Người nông dân tiêu biểu toàn quốc
Với mô hình, cách làm của mình, anh Thái đã được nhiều người đặt cho những biệt danh như “Thái lúa”, “Tỷ phú lúa”. Trong những năm qua, anh đã được lựa chọn là nông dân tiêu biểu của tỉnh tham dự và được tặng thưởng nhiều bằng khen tại các hội nghị biểu dương nông dân tiêu biểu của miền Bắc, toàn quốc do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức. Năm 2008, anh được đi dự hội nghị biểu dương nông dân tiêu biểu toàn miền Bắc về sử dụng công cụ sạ hàng trong gieo cấy lúa. Tại hội nghị này, anh được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng bằng khen và giải ba toàn miền Bắc. Năm 2011, anh được đại diện cho nông dân của tỉnh và là một trong 48 nông dân tiêu biểu của toàn quốc đi dự liên hoan Festival lúa gạo tại tỉnh Sóc Trăng do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức.
Qua mô hình của anh Thái cho thấy, đây là mô hình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện cơ giới hóa toàn bộ các khâu từ sản xuất đến thu hoạch… Cách nghĩ, cách làm, mô hình của anh Thái xứng đáng là mô hình điểm để các địa phương, nông dân trong tỉnh và các địa phương khác nghiên cứu, học tập, nhân ra diện rộng./.