(ĐCSVN) - Ngày 10/9, UBND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức sơ kết thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường giải quyết xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm, lấn chiếm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đồng chí Doãn Thế Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh chủ trì hội nghị.
Qua rà soát, thống kê, phân loại của các địa phương, đến 31/12/2013, toàn tỉnh đã có 6.000 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi, tập trung ở các huyện Khoái Châu, Kim Động và TP Hưng Yên. Đến nay, các đơn vị và các địa phương đã giải tỏa xử lý được 1270 trường hợp đạt gần 21 % tổng số vi phạm. Các địa phương đã giải tỏa được nhiều là huyện Văn Giang, Khoái Châu, Mỹ Hào. Một số huyện giải tỏa thấp là Yên Mỹ, Kim Động, Văn Lâm. Đáng chú ý từ đầu năm 2014 đến nay đã phát sinh 24 trường hợp vi phạm mới ở các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Ân Thi , Mỹ Hào.
Tổng kết hội nghị, đồng chí Doãn Thế Cường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy, các ngành có liên quan và các địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp, đã thay đổi chuyển biến trong nhận thức và cơ bản ngăn chặn được vi phạm mới phát sinh; công tác xử lý, giải tỏa vi phạm gây ách tắc, cản trở dòng chảy trên các sông trục, kênh tưới tiêu chính đã được thực hiện nghiêm túc, kênh mương đã thông thoáng, đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu và phục vụ dân sinh; Tuy nhiên số vi phạm chưa được xử lý, giải tỏa còn rất lớn, tiến độ thực hiện xử lý, giải tỏa vi phạm của các huyện, thành phố rất chậm, chưa tập trung, thiếu quyết liệt; chưa huy động được hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc để phối hợp tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm trong công tác bảo vệ công trình thủy lợi, tự tháo dỡ các vi phạm. Tình trạng ngại khó khăn, ngại va chạm, né tránh diễn ra ở nhiều nơi. Việc phối hợp giữa các địa phương với các Công ty, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, các Công ty chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ công trình; công tác phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm không kịp thời, xử lý vi phạm chậm. Đồng chí yêu cầu các địa phương và các đơn vị KTCTTL phải nắm chắc tình hình vi phạm từ thôn đến xã, xử lý triệt để các vi phạm từ lòng kênh, bờ kênh, hành lang kênh, không để tái lấn chiếm, phát sinh. Tập trung xử lý các vi phạm về lều quán, lán trại, san lấp, ách tắc dòng chảy, phấn đấu từ nay đến hết năm 2014 hoàn thành giải tỏa các vi phạm này.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành có liên quan, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, giúp các địa phương để xử lý các vướng mắc trong quá trình phát sinh. Các địa phương phải bám sát cơ sở, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên ban chỉ đạo ở cơ sở để nắm bắt tình hình, phân loại các vi phạm, xử lý đồng bộ rứt điểm các vi phạm lấn chiếm công trình thủy lợi trên địa bàn .