“Những năm gần đây, nhà trường nhận các cháu vào học thấy số lượng các cháu trai luôn lớn hơn khá nhiều so với các cháu gái”, cô Phạm Thị Yên, Hiệu trưởng Trường mầm non thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cho biết. Trường hiện có tổng số 965 học sinh, trong đó số bé trai nhiều hơn số bé gái gần 100 bé.
Năm 2010, thị trấn Như Quỳnh có tổng số 254 bé được sinh ra thì chỉ có 92 bé gái, trong khi số bé trai lên đến 162. Con số này cho thấy tình trạng chênh lệch giới tính ở đây đang ở mức đáng báo động. Thống kê của Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Văn Lâm cho thấy, 7 tháng đầu năm 2011, mặc dù tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh ở thị trấn Như Quỳnh giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với toàn huyện. Thôn có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất là Minh Khai, trong tổng số 29 trẻ được sinh ra thì chỉ có 9 bé gái, thôn Ngọc Quỳnh và thôn Hành Lạc cùng có 14 trẻ được sinh ra thì có tới 11 bé trai. Thôn Minh Khai, nổi tiếng với việc giàu lên từ tái chế đồ nhựa. Trong làng, đồ nhựa phế liệu chất cao hai bên đường, nhà cao tầng mọc lên san sát. Kinh tế khấm khá, đa số các gia đình trong thôn có “của ăn của để”, nhiều gia đình không ngần ngại sinh con thứ 3, thậm chí thứ 4, thứ 5. Một số gia đình còn nặng tư tưởng “trọng nam”, bố mẹ bắt các con phải đẻ bằng được cháu “đích tôn”. Chưa kể nhiều gia đình mặc dù đã có một con trai nhưng vẫn cố gắng sinh thêm được cậu con trai nữa, phòng “rủi ro”. Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Minh Khai, thật thà: “Vợ chồng tôi cũng muốn có 2 cậu con trai cho chắc…”. Chị Nguyễn Thị Nga, cộng tác viên dân số thôn Minh Khai cho biết, áp lực phải sinh bằng được con trai, nhất là với những gia đình mà người chồng là con một thì người vợ càng dễ bị “ép” sinh thêm con trai. Các kỹ thuật chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi ngày càng phổ biến, các dịch vụ nạo hút thai ngày càng nhiều và rất khó kiểm soát, không ít cặp vợ chồng đã quyết định bỏ thai khi xác định đó là con gái...
Thị trấn Như Quỳnh chỉ là một trong những địa phương trên địa bàn huyện Văn Lâm có tình trạng chênh lệnh giới tính cao. Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là vấn đề đáng lo ngại nhất trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của huyện. Năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh tại Văn Lâm là 133,9nam/100nữ. Đây cũng là một trong những địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao trong tỉnh. 6 tháng đầu năm 2011, tỷ số này tuy có giảm nhưng vẫn ở mức rất cao 128 nam/100 nữ. Một số địa phương có sự chênh lệch đến “chóng mặt” như: xã Chỉ Đạo: 163 nam/100 nữ... Dù tỉ lệ chênh lệch này chỉ là thống kê ở cấp xã, huyện song đã góp phần không nhỏ vào tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh chung toàn tỉnh, khiến Hưng Yên là địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính cao nhất trong cả nước.
Hậu quả của mất cân bằng giới tính gây nên tình trạng phân biệt đối xử với con gái, bạo lực gia đình, mâu thuẫn phát sinh. Về lâu dài, sẽ thừa nam, thiếu nữ, đồng nghĩa với việc nhiều nam giới sẽ không có cơ hội kết hôn vì thiếu cô dâu. Trước thực trạng trên, việc tập trung nguồn lực, tích cực triển khai những biện pháp để giảm bớt tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề cần ưu tiên. Với mục tiêu từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, năm 2011, Văn Lâm là 1 trong 5 huyện tham gia triển khai Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Thực hiện đề án này, cán bộ, CTV dân số, cán bộ y tế và cán bộ các ngành, đoàn thể hữu quan của huyện được tập huấn về vấn đề mất cân bằng giới tính. Các buổi nói chuyện chuyên đề được tổ chức tại cộng đồng nhằm tăng cường cung cấp thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cho các đối tượng. Nam, nữ thanh niên đăng ký kết hôn tại UBND các xã, thị trấn sẽ được cung cấp thông tin về mất cân bằng giới tính. Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, các cơ sở kinh doanh sách báo… được tăng cường. Năm 2011, UBND huyện Văn Lâm hỗ trợ thêm 130 triệu đồng cho công tác dân số. Mỗi xã được đầu tư thêm 2-3 triệu đồng phục vụ các hoạt động can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Để đề án đạt mục tiêu đề ra, cần sự chung tay vào cuộc của các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể và quan trọng nhất là nhận thức, trách nhiệm của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vì con nào cũng là con, miễn sao những đứa con ngoan ngoãn, khoẻ mạnh. Song song với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về giới, hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện cho rằng: “Đề án được triển khai sẽ góp phần giảm tỷ số giới tính khi sinh, đồng thời giảm những bất hạnh cho nam giới và người thân của họ; tăng cường hạnh phúc và sự phát triển bền vững gia đình…”.