(ĐCSVN)- Thực hiện chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, 5 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể Văn Lâm, Hưng Yên đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội giúp hơn 15.700 hộ nghèo, 837 đối tượng chính sách được vay hơn 1.109 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, góp phần thiết thực trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Ảnh minh họa, Nguồn: Cao Văn Khởi
Nhận thức rõ việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo, giải quyết việc làm xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Văn Lâm đã ra chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện tín dụng CSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, UBND huyện đã ủy thác nguồn vốn là hơn 1,5 tỷ đồng, Hội LHPN xã Chỉ Đạo là 100 triệu đồng, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương hơn 218,6 tỷ đồng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, gia đình chính sách. Để đồng vốn đến đúng địa chỉ, phát huy tác dụng tốt, UBND huyện đã ban hành kế hoạch chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện gồm 21 đồng chí, trong đó 11 thành viên là chủ tịch UBND cấp xã. Ban đại diện đã hoạt động hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, giúp chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và nhân dân hiểu, thực hiện đúng chính sách tín dụng. Đồng chí Trịnh Văn Hiến, chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo cho biết: “Để triển khai nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội hiệu quả, không để xảy ra mâu thuẫn giữa các hộ trong nông thôn, chúng tôi đã triển khai nghiêm túc công tác điều tra, rà soát, phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, trên cơ sở đócác đoàn thể của xã phối hợp với Ngân hàng CSXH cho các hộ vay một cách kịp thời, đúng đối tượng”. Để đồng vốn phát huy tốt tác dụng, các ban, ngành, đoàn thể huyện Văn Lâm đã phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhằm giúp các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh mô hình của mình đạt hiệu quả cao nhất hoặc dạy nghề tạo việc làm cho hội viên. Đồng chí Đào Thị May, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, các cấp Hội phối hợp tổ chức 32 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 4.141 cán bộ, hội viên với các nội dung: tập huấn sử dụng phân bón, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa, kỹ thuật trồng và chăm sóc cam Vinh ... 100% phụ nữ vay vốn hộ nghèo, cận nghèo được hướng dẫn, tập huấn, phổ biến kiến thức về KHKT. Hội Phụ nữ đã phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp-GDTX tổ chức 8 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 329 học viên, ngay buổi bế giảng đã có các doanh nghiệp đến tiếp nhận nhiều chị về làm việc tại các xưởng may tại địa phương”.
Ảnh: Cao Văn Khởi
Cùng với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên cũng đã triển khai cho các hội viên, đoàn viên của mình vay vốn. Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện có 15.766 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ ngân hàng CSXH. Nguồn vốn ngân hàng đã góp phần xây dựng hơn 19.0076 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, 108 ngôi nhà cho hộ nghèo, đã giúp 1.565 hộ phát triển sản xuất vượt qua ngưỡng nghèo. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Hồng, chị Trần Thị Nghiệp Thị trấn Như Quỳnh vay 80 triệu để trồng 8 sào bưởi, táo. Anh Hồng cho biết: “Được vay 80 triệu đã tạo cho tôi khá thuận lợi để mua giống bưởi diễn, táo về trồng. Sau khi được tập huấn cùng với kinh nghiệm trồng cây màu của tôi trong những năm qua nên 2 loại cây này tôi chăm sóc đều cho quả khá to và ngon, gia đình tôi chỉ việc ra ngay chợ Như Quỳnh đã tiêu thụ hết, doanh thu mỗi năm được 250 triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình đã khá lên, đủ tiền nuôi các cháu ăn học Đại học”. Còn chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Đình Dù, xã Đình Dù vay 20 triệu đồng để làm công trình nước sạch, chị phấn khởi nói: “Nhờ đồng vốn ngân hàng CSXH cho vay dài hạn, gia đình tôi làm được công trình nước sạch này rất yên tâm chủ động về nguồn nước sử dụng trong gia đình, vài năm tới mới phải trả nợ, do đó dành tiền làm được việc khác”.
Có thể nói nguồn phương thức ủy thác cho vay của ngân hàng CSXH thông qua các tổ chức hội, đoàn thể đã phát huy hiệu quả tốt, đã tạo được nguồn vốn nhanh nhất, gần nhất cho các hộ nghèo, tránh việc vay nặng lãi hiện nay đồng thời qua việc giám sát của các hội đoàn thể đã khuyến khích các hộ vay sử dụng đúng mục đích và thi đua phát huy hiệu quả đồng vốn được vay, trả gốc và lãi đúng kỳ hạn. Đến nay Ngân hàng CSXH Văn Lâm không có nợ quá hạn. Tính đến tháng 7 năm 2019, 4 tổ chức chính trị xã hội đã thực hiện 9 chương trình tín dụng với 251 tổ tiết kiệm vay vốn, dư nợ hơn 224,2 tỷ đồng. Trong đó, Hội LHPN đang quản lý 111 tổ tiết kiệm vay vốn, số dư nợ hơn 116,3 tỷ đồng, hội Nông dân quản lý 81 tổ, số dư nợ hơn 73,4 tỷ đồng…. Đồng chí Lê Thị Phương Loan, Chủ tịch Hội Nông dân cho hay: “Trong những năm qua, ngân hàng CSXH Văn Lâm đã phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể triển khai cho các hộ nghèo vay tại các điểm giao dịch ở trụ sở 11 UBND xã, thị trấn với thủ tục nhanh gọn, rất thuận lợi cho các hộ nghèo. Nguồn vốn các hộ được vay ngày càng nhiều đã góp phần thiết thực cho sự phát triển kinh tế của mỗi hộ nói riêng và sự phát triển chung trong toàn huyện, tạo đà cho 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Văn Lâm đang về đích huyện nông thôn mới”
Phát huy kết quả đó, để nguồn vốn ngân hàng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả, đồng chí Chu Ngọc Chiến, Giám đốc Ngân hàng CSXH Văn Lâm cho biết: “Để tiếp tục thực hiện chỉ thị 40 –CT/TW và sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ngân hàng CSXH Văn Lâm sẽ tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại trong quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của ngân hàng CSXH trên địa bàn, tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho ngân hàng CSXH thực hiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị xã hội và các xã, thị trấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, duy trì nề nếp hoạt động tại các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn, triển khai có hiệu quả nguồn vốn chính sách tín dụng…đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, đối tượng chính sách khác trên địa bàn, phấn đấu là Ngân hàng CSXH trong tốp đầu của tỉnh Hưng Yên”.
Với lợi thế là huyện ven đô, người dân Văn Lâm khá năng động trong cơ chế thị trường, phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nguồn vốn ngân hàng CSXH chắc chắn sẽ góp phần hiệu quả trong việc giúp các hộ giảm nghèo, làm giàu chính đáng, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu hiện nay/./