Văn Lâm: Trên đường đổi mới

Thứ hai, 25/08/2014 15:02

(ĐCSVN) - Nằm ở giữa vùng châu thổ sông Hồng, huyện Văn Lâm, là vùng đất có lịch sử lâu đời và là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Hưng Yên. Trong lịch sử phát triển của đất nước, Văn Lâm đã chứng kiến nhiều lần đổi thay về tên đất, tên làng và địa giới hành chính. Nơi đây vốn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có Nguyên Phi Ỷ Lan hai lần nhiếp chính thay chồng, con trị vì đất nước. Nơi có 29 tiến sĩ được ghi tên trên các danh bia tại văn miếu Quốc Tử Giám và văn miếu Xích Đằng. Trong đó có trạng nguyên Dương Phúc Tư người xã Lạc Đạo. Đây cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ba huyện Văn Lâm, Gia Lâm, Thuận Thành, là chi bộ Văn Gia Thuận tại thôn Tân Nhuế, xã Lạc Đạo. Nơi đây còn là một địa danh có cây Cầu Đá đi vào Chùa Nôm, xã Đại Đồng cùng với nhiều di tích được công nhận di tích cấp quốc gia.

Ngày 01/09/1999, ngày mới tái lập huyện, Văn Lâm có diện tích đất tự nhiên có gần 7.450 ha, diện tích đất canh tác trên 4.000 ha, dân số trên 93.000 người. Huyện có 10 xã và 01 thị trấn. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với những chiến công hiển hách, vang dội của địa danh được mang tên “Đường 5 bất khuất, đường sắt kiên cường”, huyện Văn Lâm cùng với 07 xã, thị trấn và 03 cá nhân vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 76 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Trên 1.600 liệt sỹ, 611 thương binh, 395 bệnh binh, gần 1 vạn lượt người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân huy chương các loại.

Trong công cuộc xây dựng đất nước, huyện Văn Lâm là một trong những đơn vị lá cờ đầu trong lao động sản xuất của tỉnh, vinh dự được đón Bác Hồ về thăm xã Đình Dù – là xã có thành tích khá nhất trong công tác chống hạn của tỉnh Hưng Yên vào ngày 03/07/1958.

Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, để phù hợp với tình hình mới, thời kỳ cả nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội, ngày 11/03/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58 hợp nhất hai huyện Văn Lâm và Mỹ Hào thành huyện Văn Mỹ. Ngày 24/02/1979, Hội đồng Chính phủ Quyết định số 70 hợp nhất hai huyện Văn Mỹ và một số xã của huyện Văn Yên thành huyện Mỹ Văn. Thể theo ý nguyện của nhân dân và phù hợp với thời kỳ CNH - HĐH đất nước, ngày 24/07/1999, Chính phủ ra nghị định số 60 chia tách huyện Mỹ Văn thành 03 huyện là: Mỹ Hào, Yên Mỹ và Văn Lâm.


Ngày 01/09/1999, huyện Văn Lâm được tái lập trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Với thuận lợi căn bản là nơi tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, giao thông thuận tiện, có đường 5A và đường sắt hàng hải chạy qua, là nơi giao thoa giữa ba nền văn hóa: Kinh Kỳ, Kinh Bắc và Phố Hiến. Song bên cạnh đó huyện cũng phải đối mặt với biết bao thiếu thốn và thách thức của ngày mới tái lập. Kinh tế ở điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế còn nghèo nàn. Tuy nhiên, phát huy những tiềm năng lợi thế và khắc phục mọi khó khăn, Văn Lâm đã từng bước xây dựng nền kinh tế ổn định và phát triển. Dưới ánh sáng Nghị quyết qua các kỳ đại hội của Đảng bộ huyện, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Văn Lâm đã đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Văn Lâm đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định và vững chắc. Trong 15 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng gần 24 %. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, từ 22,3% lên gần 80%. Tỷ trọng về nông nghiệp giảm từ 52% xuống còn 6,65%. Thu ngân sách năm 1999 đạt 4,1 tỷ đồng, đến năm 2013 đạt gần 790 tỷ đồng, tăng gấp 191 lần. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt trên 12 triệu đồng, tăng gần 6 lần so với năm 1999. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2013 đạt 39.372 tỷ đồng, tăng hơn 90 lần so với năm 1999. Về nông nghiệp, huyện xây dựng phát triển thành hai vùng kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các cánh đồng chuyên canh như cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao ở thôn Sần Khúc, xã Việt Hưng, cánh đồng hoa chất lượng cao ở thị trấn Như Quỳnh, cây cảnh, dược liệu ở Tân Quang. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện Văn Lâm trong những năm gần đây, đó là thực hiện tốt việc tiếp tục dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Xã Việt Hưng là đơn vị được chọn làm điểm đã triển khi tổ chức thành công.


Do làm tốt công tác dân vận khéo và tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân cùng chung tay đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi ở các xã, thị trấn và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, bình quân chung trên địa bàn Văn lâm đạt 12,5 tiêu chí. Trong đó xã Tân Quang là đơn vị làm điểm đã hoàn thành 18/19 tiêu chí, ba xã Trưng Trắc, Lạc Hồng và Đình Dù đạt 14 tiêu chí.


Với mục tiêu tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, coi đây là khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của huyện ,chính vì vậy huyện mở cửa tạo điều kiện tiếp nhận nhiều dự án đầu tư trên địa bàn, xây dựng hình thành ba khu công nghiệp lớn, là khu công nghiệp Phố Nối A, Như Quỳnh A, khu công nghiệp Tân Quang và 05 cụm công nghiệp bao gồm: Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai, cụm công nghiệp Đình Dù, Lạc Đạo, Chỉ Đạo và Minh Hải. Năm 1999, huyện chỉ có 10 dự án xin vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhưng đến nay đã có trên 254 dự án đầu tư vào. Trong đó có 219 dự án đã đi vào hoạt động, thu hút trên 30 nghìn lao động vào làm việc. Năm 1999, chỉ có một số làng nghề phát triển với quy mô nhỏ nhưng đến nay huyện Văn Lâm đã phát triển được 18 làng nghề, trong đó có 06 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí cấp tỉnh. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến nay ước đạt hơn 36.604 tỷ đồng, gấp hơn 300 lần so với năm 1999.

Về xây dựng cơ bản, lúc tái lập huyện, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, 50% trục giao thông chính của huyện còn trải đá cổn. Các cơ quan của huyện phải đi nhờ địa điểm làm việc thì đến nay huyện đã tập trung nguồn lực để quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng. Trụ sở làm việc các cơ quan của huyện và các xã, thị trấn được xây dựng khang trang, bề thế. Hệ thống giao thông các tuyến đường trục của huyện và xã được nâng cấp. Hầu hết đường liên thôn được hướng hóa. Sau 15 năm tái lập, toàn huyện đã đầu tư được gần 25 km đường nhựa, gần 60 km đường bêtông với tổng số tiền đầu tư xây dựng trên 800 tỷ đồng. Hệ thống các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư cải tạo nâng cấp như trạm bơm Lương Tài, trạm bơm Việt Hưng…Năm 1999, tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt gần 58%, đến nay là đạt gần 95%. Các công trình phúc lợi như nhà văn hóa, sân thể thao, các khu vui chơi giải trí được hoàn thành và ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các di tích lịch sử, các công trình đền ơn đáp nghĩa như nghĩa trang liệt sỹ của huyện, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở các xã, thị trấn được đầu tư xây dựng.

Về thương mại và dịch vụ, khi tái lập huyện, hệ thống thương mại còn nhỏ lẻ, lạc hậu, mang tính tự phát. Đến nay, các chợ truyền thống như chợ Nôm, chợ Như Quỳnh, chợ Đường Cái, chợ Đậu. Hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ bưu chính viễn thông, vận chuyển hàng hóa đã phát triển phong phú và đa dạng. Tổng giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ năm 2013 đạt 1.459 tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với năm 1999.

Về văn hóa xã hội, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đẩy mạnh. Đến nay, toàn huyện có 63/85 làng được công nhận làng văn hóa, tăng 39 làng so với năm 1999. Phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng tăng. Đặc biệt phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở các thôn xóm diễn ra khá sôi nổi, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia.

Di tích lịch sử được nhân dân cùng tự nguyện đóng góp hàng nghìn tỷ đồng để tôn tạo, trùng tu, nhằm góp phần bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa gắn với hoạt động du lịch. Hoạt động lễ hội được quản lý chặt chẽ. Công tác thông tin tuyên truyền ngày càng được chú trọng. 100% các xã, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh đến từng thôn xóm. Đài truyền thanh huyện từng bước được nâng cấp, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng với công nghệ mới, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao.


Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, Văn Lâm đã thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu bằng việc nhanh chóng phát triển vững chắc mạng lưới giáo dục mần non, tiểu học, THCS, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề. Nếu như năm 1999 Văn Lâm chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia thì đến nay đã có 28 trường, chiếm trên 80% số trường trong huyện đạt chuẩn. Số học sinh trúng tuyển vào các trường đại học ngày càng cao.

Năm 1999, chưa có xã nào đạt chuẩn về y tế thì đến nay, 11/11 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hệ thống khám chữa bệnh được tăng cường. Trung tâm y tế huyện được đầu tư nâng cấp các phương tiên, trang thiết bị, máy móc hiện đại, đã góp phần quan trọng vào công tác khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.


Công tác chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, chăm lo. Đến năm 2004, huyện Văn Lâm đã xóa xong nhà tranh vách đất. Phong trào giúp đỡ, ủng hộ cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn được dấy lên mạnh mẽ, thắp sáng lên những tấm lòng nhân ái. Huyện đang triển khai hỗ trợ cho hơn 200 hộ gia đình có công với cách mạng, xây mới và sửa chữa nhà ở, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được quan tâm thực hiện và đã trở thành nét đẹp, truyền thống văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc của người dân Văn Lâm.

Với đặc thù là địa phương tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và là nơi có nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua nhưng Văn Lâm là địa phương được đánh giá là làm tốt công tác giữ gìn ANCT – TTATXH. Thực hiện Nghị quyết TW VIII khóa 11của Đảng về chiến lược bảo vệ tổ quốc và nhất là trong giai đoạn hiện nay, Văn Lâm luôn chăm lo, củng cố, xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân, lực lượng dự bị động viên đáp ứng theo yêu cầu, coi trọng công tác huấn luyện, duy trì trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập trị an theo phương án A2, A4. Hàng năm, hoàn thành tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đủ về số lượng và chất lượng.

Với phương châm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong những năm qua, Đảng bộ huyện luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Năm 1999 có 29 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với hơn 3.700 Đảng viên sinh hoạt tại 166 chi bộ. Qua hơn 3 kỳ đại hội, đến nay, Đảng bộ huyện có trên 40 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy với gần 5.000 Đảng viên. Huyện chú trọng tăng cường công tác vận động quần chúng của Đảng, triển khai có hiệu quả phong trào xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Trọng tâm là nghị quyết TW IV khóa 11 về một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Hoạt động của HĐND, UBND có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở, luôn đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện. Chất lượng các kỳ họp HĐND huyện và HĐND xã, thị trấn ngày càng được nâng cao. Thực hiện chỉ thị số 06 ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cấp ủy từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Triển khai có hiệu quả chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nói về những kết qua mà huyện Văn Lâm đã đạt được trong thời gian Ông Trịnh Văn Diễn -Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm cho biết thêm: “Trong 15 năm qua, UBMTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã chủ động tích cực đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động thực hiện phương châm hướng về cơ sở. Trong đó tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Nhờ vận hành tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Chính quyền quản lý, điều hành, nhân dân làm chủ, tích cực xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đồng thời khắc phục yếu kém trong mỗi cán bộ Đảng viên và các tổ chức chính trị, xã hội nhờ đó mà Văn Lâm đã thực hiện hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ mà huyện, Đảng bộ đã đề ra. Với những kết quả đạt được ngày 01/09/2014, Đảng bộ và nhân dân Văn Lâm vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Trước đó, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.


Sự nghiệp CNH - HĐH cùng với hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra thời cơ, vận hội mới, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Tin tưởng rằng với truyền thống quê hương Văn Lâm văn hiến anh hùng, phát huy nội lực, sự đồng lòng góp sức của các tầng lớp nhân dân trong huyện sẽ phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra. Phấn đấu xây dựng huyện Văn Lâm trở thành đô thị công nghiệp vì mục tiêu: “Dân giàu, huyện mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Sau 15 năm đổi mới và phát triển, giờ đây Văn Lâm như một bức tranh quê được khoác trên mình một chiếc áo mùa xuân đầy màu sắc với những công trình nhà máy, xí nghiệp, trường học vươn lên, những ngôi nhà cao tầng còn tươi mới màu sơn. Điều đó dễ dàng cảm nhận được cuộc sống mới đang thay đổi từng ngày trên mảnh đất quê hương vốn có truyền thống cách mạng và được Bác Hồ về thăm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực