Xã Đồng Tiến: “Cánh đồng mẫu lớn”- niềm tin lớn cho người cấy lúa

Thứ hai, 08/07/2013 15:17

Từ nhiều năm nay, một số hộ dân ở xã Đồng Tiến (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã tự thỏa thuận thuê ruộng để tăng diện tích canh tác lúa, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn. Bước đầu mô hình này đã cho thấy hiệu quả về nhiều mặt. Đó là tăng thu nhập cho người dân nhờ tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, lợi nhuận thu được cao hơn so với trước đây.

 

Anh Hoàng Công Sỹ vận hành máy làm đất
 trên "cánh đồng mẫu lớn" của gia đình.
 (Nguồn: baohungyen.vn)
 

Xã Đồng Tiến có 224ha đất cấy lúa. Năm 2003 xã đã tiến hành dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi hơn trong canh tác cho các hộ dân. Trước đây trung bình mỗi hộ dân có từ 5- 6 thửa ruộng nay đã giảm còn 2,3 thửa ruộng/ hộ. Vụ xuân vừa qua, xã có 60% diện tích ruộng cấy giống lúa Bắc thơm số 7, 20% diện tích cấy lúa chất lượng cao lai 2, 3 dòng, diện tích còn lại cấy các giống lúa QR1, Khang dân…, năng suất lúa của xã đạt trung bình 2,3- 2,4 tạ/ vụ. Mỗi năm cây lúa đóng góp khoảng 23 tỷ đồng vào tổng thu nhập của toàn xã.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trong xã có tư tưởng chán ruộng do hiệu quả gieo cấy lúa thấp để đi làm nghề phụ hoặc công nhân trong các doanh nghiệp. Trong tổng số 1309 hộ có đất nông nghiệp của xã chỉ có khoảng 400 hộ cấy lúa, còn lại là làm nghề phụ khác. Chính bởi vậy, một số hộ dân gắn bó với cây lúa đã thuê lại ruộng của các hộ bỏ ruộng để tăng diện tích canh tác. Hiện nay toàn xã có trên 20 hộ dân cấy từ 3 mẫu lúa trở lên, trong đó có trên 10 hộ cấy từ 5 mẫu trở lên và đặc biệt có 2 hộ cấy từ 15- 23 mẫu lúa. Việc người dân tự thỏa thuận để có thể canh tác lúa trên một diện tích lớn đã “vô tình” hình thành những cánh đồng mẫu lớn.

Trước đây, gia đình anh Hoàng Công Sỹ ở thôn Kim Tháp cấy lúa trên 3 sào ruộng của gia đình nhưng quanh năm “đầu tắt mặt tối”, kinh tế vẫn chưa có gì chuyển biến do diện tích canh tác không nhiều. Cuộc sống bắt đầu thay đổi từ năm 2007 khi vợ chồng anh nhận thuê 22,7 mẫu ruộng của người dân trong xã. Toàn bộ diện tích này tập trung trên 3 cánh đồng, mỗi cánh đồng rộng từ 7- 10 mẫu. Ruộng rộng, anh không chỉ thuận lợi đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, mà còn thực hiện cơ giới hóa trong khâu gieo cấy bằng việc sử dụng công cụ gieo sạ hàng và thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Anh nói: “Ruộng lớn, chỉ cần lãi 2- 3 vụ là đủ mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, giảm hẳn chi phí đầu vào. Nhưng quan trọng hơn, phương tiện cơ giới đã giải quyết được tình trạng thiếu lao động mùa vụ, giảm chi phí thuê mướn nhân công. Vụ xuân gia đình tôi gieo sạ 100%, vụ mùa gieo vãi 30%, và thu hoạch 100% bằng máy gặt đập liên hợp. Vụ xuân vừa qua, với diện tích 23 mẫu ruộng tôi chỉ gieo cấy 2 loại giống lúa chất lượng cao, trong đó có 20 mẫu là giống lúa Bắc thơm số 7 và 3 mẫu giống lúa RVT. Chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật mỗi vụ khoảng 30 triệu đồng và 50 triệu đồng phân bón. Cả hai vụ tôi thu được gần 100 tấn thóc (năng suất đạt trên 2 tạ/ sào), với giá bán bình quân 8.000 đồng/ kg, mang lại nguồn thu gần 800 triệu đồng”.

Gia đình chị Phạm Thị Mơ ở thôn An Lạc có 3,4 sào ruộng cấy lúa, 7 năm trước chị mạnh dạn thuê thêm gần 15 mẫu ruộng của người dân trong thôn, nâng tổng diện tích canh tác lúa lên trên 15 mẫu. Toàn bộ ruộng của gia đình chị nằm trên 3 cánh đồng, mỗi cánh đồng từ 5- 10 mẫu. Chị nói: “Với 15 mẫu cấy lúa, gia đình tôi canh tác giống lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7 khoảng 60% diện tích, còn lại trồng các giống lúa hàng hóa như QR1 và các giống lúa mới khác. Tuy cấy lúa với diện tích lớn nhưng tôi đã có máy móc hỗ trợ. Chi phí thuê ruộng 100.000 đồng/ sào/năm, tương đương 15 mẫu ruộng gia đình tôi phải trả 15 triệu đồng/năm cho các hộ dân. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được khoảng 80 tấn thóc, với giá bán trung bình 8.000 đồng/kg cho thu nhập khoảng 640 triệu đồng. Canh tác trên một cánh đồng lớn đã giúp tôi giảm đáng kể mọi chi phí cho sản xuất như lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và công lao động”.

Mặc dù mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Tiến mới chỉ là tự phát trong một số hộ dân nhưng bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt. Do canh tác trên một cánh đồng lớn nên nông dân tiết kiệm được nhiều diện tích và thuận lợi hơn trong việc chăm sóc, vận chuyển bởi phá bỏ những bờ thửa trước đây. Điểm khác biệt của mô hình này so với mô hình sản xuất lúa truyền thống là bên cạnh áp dụng các kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng, gieo vãi còn ứng dụng lồng ghép cơ giới hóa (máy làm đất, máy gặt đập liên hợp) trong khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản và gắn với bao tiêu sản phẩm. Mô hình không những giúp người dân giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà còn làm giảm đáng kể lượng lúa thất thoát trong khâu thu hoạch. Việc cấy cùng một giống lúa trên một diện tích ruộng rộng lớn nâng cao được chất lượng sản phẩm bởi lúa không bị lai tạp với các giống lúa khác. Cùng với hiệu quả kinh tế, cánh đồng mẫu lớn còn được đánh giá là một mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả xã hội và môi trường cao do giảm được công lao động, giải phóng được sức lao động, giảm áp lực lao động mỗi khi vào vụ sản xuất và thu hoạch lúa, đồng thời do được áp dụng kỹ thuật bón phân hợp lý, giảm lượng phân đạm nên hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Không những vậy, việc một hộ dân canh tác lúa trên một cánh đồng lớn còn giúp cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thuận lợi trong việc điều hành, điều tiết tưới tiêu cho đồng ruộng. Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn mang lại hiệu quả thiết thực là vậy, tuy nhiên do khâu tổ chức sản xuất chưa thực sự gắn kết được người dân và các doanh nghiệp thu mua, chế biến thóc, gạo nên người dân xã Đồng Tiến vẫn đang phải tự tìm kiếm đầu ra cho nông sản của mình.

Ông Hoàng Xuân Hiệu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mặc dù mới chỉ là tự phát trong một số hộ nông dân nhưng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” này đã cho thấy hiệu quả thiết thực đối với người trồng lúa, mô hình đang dần khẳng định đây là một hướng đi đúng cho việc phát triển sản xuất lúa hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích nông dân duy trì phát triển mô hình này trên cây lúa, tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng… để người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Có thể nói, mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo hướng tập trung đang dần được khẳng định hiệu quả mang lại về mặt kinh tế và xã hội ở Đồng Tiến. Mô hình này đang từng bước giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong khi một số địa phương trên địa bàn tỉnh tồn tại tình trạng người dân không mặn mà với cây lúa, có tư tưởng chán ruộng thì hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Tiến đã chứng minh đây là một hướng đi đúng đắn giải quyết được bài toán nâng cao giá trị kinh tế cho cây lúa. Từ thực tế mô hình cánh đồng mẫu lớn tự phát ở Đồng Tiến cho thấy mô hình cánh đồng mẫu lớn nếu được quy hoạch hợp lý thành vùng sản xuất hàng hóa, kết hợp với việc tiếp tục dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013- 2015 theo như Chỉ thị số 21 – CT/TU của BTV Tỉnh ủy sẽ khắc phục được tình trạng manh mún, phân tán về ruộng đất góp phần giúp nông dân yên tâm canh tác và gắn bó với đồng ruộng hơn do có điều kiện giảm chi phí, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực