Xã Thuần Hưng (Khoái Châu, Hưng Yên): Thu nhập cao từ trồng rau màu

Thứ tư, 29/02/2012 17:06

Nhiều năm nay, cây rau màu đã trở thành cây làm giàu của nông dân trong xã Thuần Hưng (Khoái Châu, Hưng Yên). Việc thâm canh, xen canh rau màu chất lượng cao, sản xuất theo hướng hàng hóa ngày càng đem lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Trên những cánh đồng bờ xôi ruộng mật của Thuần Hưng, có thể dễ dàng nhận thấy màu xanh ngút mắt của rau màu, những ruộng hành giống đang trổ hoa trắng và cả những khu nhà lưới bán kiên cố rộng hàng nghìn m2 thấp thoáng bóng người chăm bón.

Ông Nguyễn Tường Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Hưng cho biết, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là thế mạnh và được chính quyền, nhân dân toàn xã quan tâm, phát triển có chiều sâu.

Khai thác lợi thế từ khu vực đồng bãi phù sa màu mỡ nên nông dân trong các thôn linh hoạt trồng thâm canh, xen canh rau màu các loại, phù hợp với nhu cầu, giá cả thị trường để có thu nhập cao hơn. Toàn xã hiện có trên 30 ha chuyên thâm canh rau màu quanh năm, ngoài ra vào vụ đông, các diện tích trồng lúa cũng được phát triển tối đa để trồng cây màu vụ đông, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như cải thiện đáng kể đời sống kinh tế.

Hoạt động thâm canh rau màu trong xã nổi bật và tập trung nhiều ở thôn 5, là thôn có nhiều diện tích đồng bãi đất phù sa, phù hợp cho cây màu phát triển. Đưa chúng tôi đi thăm những ruộng rau màu xanh tốt, ông Vũ Đức Hoan, trưởng thôn 5 phấn khởi cho biết: “50% diện tích canh tác của thôn do phù hợp trồng cây màu nên đã được nông dân chuyển đổi, thâm canh rau màu từ nhiều năm nay. Nhiều loại rau màu như: hành, nghệ, cải, rau gia vị… đã trở thành “đặc sản” của địa phương, có chất lượng và năng suất vượt trội, giúp nông dân làm giàu. Tuy giá bán các loại nông sản này có thể dao động song nông dân vẫn luôn có thu nhập khá, trung bình từ 20- 25 triệu đồng/sào/năm”.

Hiện đang là thời điểm nông dân trong xã thu hoạch hành giống và trồng hành thương phẩm, đồng thời trồng các loại rau màu đang được thị trường tiêu thụ mạnh khác như: cải các loại, rau gia vị, nghệ, lạc… Bà Yến, nông dân thôn 5 cho biết: “Do ảnh hưởng của thời tiết nên cây hành năm nay năng suất sụt giảm so với năm ngoái, tuy nhiên nhu cầu thị trường cao nên giá bán cũng đắt gấp 3- 4 lần so với năm ngoái. Hành lá bán buôn 17- 18 nghìn đồng/kg trong khi đó năm ngoái giá chỉ 5- 7 nghìn đồng/kg, hạt giống 100 nghìn đồng/lạng cũng gấp hơn 3 lần so với giá năm ngoái, thu hoạch đến đâu thương lái mua hết đến đó”. Với mức giá này, mỗi lứa hành có thể bán được 7- 8 triệu đồng/sào chỉ sau gần 2 tháng canh tác. Do chất đất tơi xốp, màu mỡ nên nông dân chỉ cần làm đất kỹ, bón phân cân đối và phòng trừ sâu bệnh tốt là cây sinh trưởng mạnh, cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn các vùng khác. Nhiều loại rau trong xã được thương lái tới mua với giá cao hơn vài mức so với thị trường như: cải ngồng, cải ngọt, cà rốt…

Cũng chính nhờ quan tâm, đầu tư phát triển nông nghiệp có chiều sâu nên hàng năm những đoạn đường bê-tông ra đồng được xây dựng, nay hầu hết các tuyến chính ngoài đồng của xã đều đã được xây dựng bằng vật liệu cứng, thuận tiện cho bà con đi lại, chăm sóc, thu hoạch và buôn bán sản phẩm khi mùa vụ. Trong xã cũng hình thành được những “tiểu vùng” để canh tác, khu trồng nghệ, khu trồng lạc, khu trồng rau gia vị… nông dân tiện chăm bón, thu hoạch hơn. Người dân trong xã lại rất năng động tìm hiểu thị trường, đưa vào các giống mới, được người tiêu dùng ưa chuộng để canh tác. Chính vì sự nhạy bén này mà từ năm 2008, xã Thuần Hưng là địa phương đầu tiên được Sở KH&CN tỉnh chọn làm nơi thực hiện đề án trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, giống, vật tư sản xuất để nông dân phát triển bền vững. Nay xã đã có trên 40 hộ tham gia trồng rau an toàn, trong đó hàng chục hộ xây dựng được mô hình nhà lưới bán kiên cố để canh tác lâu dài.

Tiêu biểu phải kể đến hộ gia đình anh Kháng, đầu tư từ năm 2008 với hơn 2000m2 nhà lưới sử dụng sản xuất rau an toàn thương phẩm rất có hiệu quả. Theo anh, thực tế canh tác trong nhà lưới cho thấy hiệu quả vượt trội do giảm thiểu được sâu bệnh gây hại, tác động xấu của thời tiết và hỗ trợ nông dân trong chăm sóc, thu hoạch. Thời gian trồng các loại cây màu trong nhà lưới đều được rút ngắn hơn so với bình thường, hầu như không phải dùng thuốc trừ sâu mà lại có thể trồng nhiều loại rau chất lượng cao, rau trái vụ, bán được giá cao. Nhiều loại rau khó trồng như: cải bó xôi, súp lơ… cũng canh tác thành công quanh năm. Anh Kháng còn đầu tư hệ thống tưới tự động cho rau, vợ chồng anh chỉ việc chăm sóc và thu hái chứ không mất thêm công tưới hàng ngày nữa. Anh cho biết, thâm canh rau màu quanh năm có hiệu quả, gia đình anh có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, có nguồn thu ổn định 70- 100 triệu đồng mỗi năm, vươn lên thành hộ giàu và chăm lo cho con cái ăn học.

Trong xã, trên 10 nghìn m2 nhà lưới bán kiên cố đang được khai thác, sử dụng có hiệu quả trong thâm canh rau màu, nâng cao phẩm chất nông sản và góp phần hiện đại hóa sản xuất. Mặt khác, nhờ có thị trường tiêu thụ thuận lợi, nông dân trong xã ít khi phải vận chuyển rau đi tiêu thụ, thương lái từ các tỉnh, thành lân cận đã thành mối quen cứ theo mùa vụ lại về xã thu mua. Điều đáng ghi nhận là việc sản xuất rau màu trong xã tiến hành được quanh năm, suốt vụ, đem lại thu nhập ổn định cũng như tạo việc làm bền vững, thường xuyên cho nông dân nơi đây, góp phần quan trọng vào sản xuất nông nghiệp bền vững.

Theo sự hướng dẫn, hỗ trợ từ ngành chức năng, nông dân Thuần Hưng đang tích cực phát triển sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường với mong muốn các sản phẩm nông sản chất lượng cao của mình sẽ ngày càng được thị trường đón nhận, đánh giá cao để nông dân có hướng làm kinh tế hiệu quả và lâu dài.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực