Xây dựng đường GTNT ứng dụng công nghệ vật liệu mới: Mô hình cần được nhân rộng

Thứ tư, 03/03/2010 09:33

(ĐCSVN) - Những năm qua, đường giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh Hưng Yên có sự phát triển nhanh cả về khối lượng và chất lượng, quy mô ngày càng được nâng lên đã góp phần tạo điều kiện và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, đường GTNT hiện nay chủ yếu có móng đường cấp phối, mặt đường bê tông xi măng, đá thải hoặc láng nhựa nóng, có giá thành cao, trong khi đó số lượng đường GTNT chưa được nâng cấp còn rất lớn. Toàn tỉnh còn hơn 3.000 km đường GTNT cần được đầu tư nâng cấp, trải vật liệu cứng song kinh phí đầu tư cho GTNT còn hạn chế. Tìm giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ “cứng hóa” mặt đường GTNT như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra cũng như nội dung định hướng quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh đến năm 2020 là điều trăn trở và nỗ lực tìm giải pháp công nghệ mới của ngành giao thông - vận tải. 5 năm qua, Sở Giao thông - Vận tải đã áp dụng một số vật liệu mới sử dụng cho làm đường GTNT như: ứng dụng vật liệu SA44-LS40 gia cố với vôi và đất tại xã Thiện Phiến (Tiên Lữ); gia cố xi măng tại xã Tân Hưng (Tiên Lữ); gạch bê tông, gạch đất nung xếp nghiêng tại xã Tam Đa (Phù Cừ)… Kỹ sư Đỗ Văn Nụ, Trưởng phòng quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hưng Yên) khẳng định: “Những vật liệu đã ứng dụng nói trên đều có những hiệu quả nhất định song chưa bảo đảm đủ các yếu tố nhằm nhân rộng và áp dụng đại trà trên diện rộng”.

Giải pháp công nghệ mới
Sử dụng nguồn vật liệu đất, cát tại chỗ gia cố vật liệu HRB (Hydraulic Road Binder) - chất kết dính thủy hóa vô cơ - làm móng chịu lực, mặt đường phủ vữa nhựa nhũ tương nhựa đường gốc axit. Một dạng kết cấu mới nhất cho đường GTNT Việt Nam, lần đầu tiên được ứng dụng tại tỉnh ta trên địa bàn thôn Phạm Xá, xã Minh Tiến (Phù Cừ) và đường thôn Hạnh Lâm, xã Mai Động (Kim Động). Chất HRB có thành phần chính là tro bay và các chất đặc tính puzolan, xi măng và các chất hoạt hóa biến đổi puzolan. Kỹ sư Đỗ Văn Nụ cho biết: “Chất HRB được sử dụng trộn đều với đất và cát theo tỷ lệ (%) nhất định, tạo thành một hỗn hợp có tính đông kết, tăng cường độ theo thời gian. Hỗn hợp này thích hợp trong sử dụng làm lớp móng mặt đường giao thông thay thế lớp móng đường cấp phối đá dăm truyền thống”. Thi công đường thôn Hạnh Lâm (xã Mai Động), tỷ lệ phối hợp 8,5% chất HRB với hỗn hợp vật liệu gồm 40% cát và 60% đất bãi ven sông Hồng. Việc phối trộn hỗn hợp này đơn giản, sử dụng máy phay nông nghiệp kết hợp thủ công phay nhỏ đất tại chỗ, phay đều đất và cát, sau đó trộn bột HRB và phay đều. Phủ lên trên lớp móng đất gia cố này là vữa nhựa nhũ tương nhựa đường trộn đều với đá dăm được lu lèn chặt.

Ông Phạm Công Tiến, Giám đốc Xí nghiệp xây dựng Phương Mai (Tiên Lữ) biểu lộ sự phấn khởi: “Hơn 10 năm tham gia xây dựng công trình giao thông, bây giờ tôi mới thấy có công nghệ gia cố lớp móng đất và mặt đường vữa nhựa nhũ tương nhựa đường thuận lợi đến như vậy. Vì vữa nhựa nhũ tương nhựa đường là nhựa nguội, không phải đun đốt nóng nên công nhân của xí nghiệp đỡ vất vả hơn nhiều so với thi công các vật liệu khác, không bị khói bụi, nóng bức mùa hè, giảm nguy cơ tai nạn nghề nghiệp”. Qua quá trình chỉ đạo thi công, ông Tiến khẳng định nông dân có thể tự làm đường cho chính mình bởi công nghệ thi công đơn giản, nguyên liệu đất, cát sẵn có tại chỗ, có thể sử dụng cuốc, xẻng, bồ cào, máy phay nông nghiệp… là dụng cụ sản xuất nông nghiệp để làm đường… Vấn đề mua nguyên, vật liệu từ bên ngoài rất hạn chế so với sử dụng các vật liệu khác trong làm đường nên chi phí rẻ hơn rất nhiều. Tỷ lệ trộn đất, cát với chất HRB, tỷ lệ trộn đá với nhũ tương nhựa đường được hướng dẫn cụ thể trên bao bì, thùng chứa vật liệu nên dễ hiểu, dễ làm, nếu được hướng dẫn qua một lần người dân có thể làm rất tốt.

Tạo đà thúc đẩy phong trào “cứng hóa” đường GTNT

Bên cạnh ưu thế về kỹ thuật, đó là cường độ đàn hồi mặt đường, cao gấp hơn 2 lần so với mặt đường cấp phối đá dăm loại I truyền thống; công nghệ thi công đơn giản; sản phẩm nhũ tương nhựa đường thân thiện với môi trường, an toàn cho người làm đường; tuổi thọ làm việc dài thì hiệu quả về kinh tế cũng ưu thế hơn hẳn. Theo tính toán của chủ đầu tư, quý IV.2009, thi công xây lắp với đất, cát tại chỗ trộn với chất HRB tỷ lệ 8,5%, lớp đất gia cố dày 22cm, mặt đường trải vữa nhựa Colas dày 2cm có tổng giá thành 136 - 142 nghìn đồng/m2; giảm 19 - 23% so với giá thành thi công mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa (dày 25cm), giảm 28 - 30% so với giá thành mặt đường bê tông xi măng. Không những thế, kết cấu mặt đường vữa nhựa tạo ra lớp bảo vệ móng đường có khả năng hình thành tính liền khối tốt, chống thấm nước cao hơn nhiều so với mặt đường láng nhũ tương nhựa đường, thi công được mặt đường GTNT đẹp, êm thuận. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ vật liệu mới này còn khắc phục được tình trạng khan hiếm vật liệu làm đường, dễ xã hội hóa công tác thi công, bảo đảm vệ sinh môi trường, đáp ứng được chủ trương “cứng hóa” đường GTNT…

Do hiệu quả kỹ thuật và kinh tế cao hơn hẳn so với thi công các vật liệu truyền thống nên sau khi thử nghiệm thành công đối với 2 đoạn đường thuộc thôn Phạm Xá và thôn Hạnh Lâm, thông qua tham quan, học hỏi kinh nghiệm, một số địa phương đã lựa chọn các vật liệu này để làm đường xã, đường thôn, trong đó có xã Hiệp Cường (Kim Động). Từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm, vừa qua xã đã lựa chọn vật liệu HRB và nhũ tương nhựa đường để trải 1,8 km đường nối từ Hiệp Cường sang xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên). Sau thi công 14 ngày, độ cứng của mặt đường đã cho phép xe tải nhẹ đi được; sau 28 ngày bảo đảm cho xe tải dưới 6 tấn đi lại bình thường. Ông Phạm Đức Lạng, Chủ tịch UBND xã Hiệp Cường bộc bạch: “Kết quả bước đầu ứng dụng các vật liệu mới vào làm đường thấy rất phù hợp với tình hình của địa phương, tới đây chúng tôi tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân các thôn, xóm tiếp tục đưa các vật liệu này vào “cứng hóa” các tuyến đường thôn, xóm, đường sản xuất”.

Nông dân có thể tự làm đường cho chính mình với chi phí thấp. Đó là sự thành công bước đầu khi Sở Giao thông - Vận tải vừa hoàn thành triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong xây dựng đường GTNT tỉnh Hưng Yên” dưới sự quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ. Ông Ngô Hùng Mạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: “ứng dụng hai vật liệu này vào thi công đường có nhiều ưu điểm để triển khai ra diện rộng, ra hiện trường lớn hơn. Song độ ẩm đất, cát khi trộn chỉ cho phép từ 11 đến 13% nên khi xử lý lớp móng bằng chất HRB cần đặc biệt chú ý điều kiện thời tiết. Những địa phương ven sông, ven đê muốn ứng dụng các vật liệu này vào thi công đường cần tranh thủ sớm, trước mùa mưa để tận dụng được nguồn đất, cát sẵn có thuận lợi hơn, giá thành khi đó càng thấp”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra đối với phát triển GTNT là phấn đấu đến năm 2010 trải vật liệu cứng 100% các tuyến đường xã, đường thôn và 50% đường ra đồng. Việc đưa vào ứng dụng thành công hai loại vật liệu mới HRB và vữa nhựa nhũ tương nhựa đường sẽ tạo thêm cơ hội cho các địa phương lựa chọn các loại vật liệu đưa vào thi công “cứng hóa” đường GTNT hiệu quả hơn. Thiết nghĩ, trước hết năm nay mỗi huyện, thành phố dành nguồn ngân sách đầu tư thi công “mẫu” ít nhất 1 tuyến đường có ứng dụng vật liệu mới, đồng thời tính toán để mỗi xã, thị trấn ứng dụng các vật liệu này 1 - 2 km. Những địa phương có nguồn thu từ đất dành một phần kinh phí cho làm đường GTNT, từ đó tạo đà đẩy nhanh tốc độ “cứng hóa” đường GTNT, góp phần đạt được mục tiêu đề ra.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực