Iran công bố tên lửa đạn đạo siêu vượt âm đầu tiên của nước này

Thứ ba, 06/06/2023 19:30
(ĐCSVN) - Iran trình làng tên lửa có thể "xuyên thủng mọi lá chắn phòng không"; Trên 100 thi thể chưa xác định được danh tính trong vụ tai nạn đường sắt tại Ấn Độ; Xét xử vụ các cựu lãnh đạo Cienco 1 “phù phép” hàng trăm tỉ đồng là những tin tức đáng chú ý trong ngày 6/6.

Iran ra mắt tên lửa có thể "xuyên thủng mọi lá chắn phòng không"

leftcenterrightdel

Iran công bố tên lửa đạn đạo siêu thanh đầu tiên. Ảnh: arabnews.com. 

Theo hãng thông tấn IRNA, ngày 6/6, Iran công bố tên lửa đạn đạo siêu vượt âm đầu tiên do nước này tự chế tạo. 

Truyền thông nhà nước Iran đăng tài các bức ảnh tên lửa mang tên Fattah tại một buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Ebrahim Rahisi và các chỉ huy cấp cao của lực lượng Vệ binh Cách mạng.

Truyền hình nhà nước đưa tin tên lửa Fattah "có thể nhắm bắn các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của kẻ địch và là một đột phá thế hệ trong lĩnh vực tên lửa". Tin cho biết tên lửa này có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ và Israel, kể cả hệ thống Vòm Sắt.
Tốc độ tối đa của Fattah đạt 15.000 km/h.

Tên lửa siêu vượt âm có thể bay với tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh ít nhất 5 lần và theo một quĩ đạo phức tạp khiến tên lửa này khó bị đánh chặn.

 Vụ tai nạn đường sắt tại Ấn Độ: Trên 100 thi thể chưa xác định được danh tính

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa tại Balasore, bang Odisha, Ấn Độ, ngày 5/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN. 

Ngày 6/6, nhà chức trách Ấn Độ kêu gọi gia đình các nạn nhân hỗ trợ xác định danh tính của trên 100 thi thể đang được giữ tại các bệnh viện và nhà xác, 4 ngày sau thảm họa đường sắt khiến 275 người thiệt mạng tại bang Odisha, miền Đông Ấn Độ.

Giám đốc Y tế bang Odisha, ông Bijay Kumar Mohapatra cho biết chính quyền đang cố gắng sử dụng các thùng đá lạnh để bảo quản thi thể nạn nhân. Ông nhấn mạnh phải chờ đến khi xác định danh tính của nạn nhân mới có thể tiến hành khám nghiệm tử khi vì quy định của bang Odisha cấm giải phẫu tử thi chưa rõ danh tính 96 tiếng sau khi tử vong.

Các màn hình TV lớn tại bệnh viện All India Institute of Medical Sciences (AIIMS), cơ sở y tế lớn nhất thành phố Bhubaneswar, đã hiển thị ảnh nạn nhân để các gia đình nạn nhân nhận diện người thân. Một quan chức cảnh sát cấp cao cho biết các gia đình có thể nhận diện người thân mất tích qua ảnh trước, sau đó xác định chính xác qua danh sách mô tả chi tiết các đặc điểm của từng thi thể.

Giới chức 7 bang Assam, Bihar, Jharkhand, West Bengal, Tamil Nadu, Karnataka và Andhra Pradesh cũng đã có mặt tại huyện Balasore để nhận dạng các nạn nhân và đưa thi thể về quê nhà.

Vụ tai nạn xảy ra tối 2/6 vừa qua, 275 người đã thiệt mạng và khoảng 1.200 người bị thương khi một tàu chở khách đâm phải một tàu chở hàng đang dừng đỗ tại ga ở huyện Balasore của bang Odisha, lao ra khỏi đường ray và đâm phải một tàu chở khách khác đang chạy ngược lại. Đây được cho là vụ tai nạn đường sắt tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua ở Ấn Độ.

 Xét xử vụ các cựu lãnh đạo Cienco 1 “phù phép”, gây thiệt hại gần 240 tỷ đồng

leftcenterrightdel

Các bị cáo trong phiên toà xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Cienco 1. Ảnh: TL. 

Ngày 6/6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) - Công ty cổ phần. Các bị cáo hầu tòa gồm: Cấn Hồng Lai (sinh năm 1955, cựu Tổng Giám đốc Cienco 1), Phạm Dũng (sinh năm 1961, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1), Lê Văn Long (sinh năm 1970, cựu Kế toán trưởng Cienco 1), Nguyễn Thị Bích Hạnh (sinh năm 1971, Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán Cienco 1 - Công ty cổ phần), Nguyễn Ngọc Tuyến (sinh năm 1980, cựu Kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C - Chi nhánh Hà Nội, nay là Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn hãng kiểm toán và định giá ASCO), Nguyễn Mạnh Tiến (sinh  năm 1971, cựu Trưởng Phòng Kế hoạch thị trường Cienco 1 - Công ty cổ phần), Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1973, Phó trưởng Phòng Kiểm toán 3, thẩm định viên Công ty kiểm toán A&C, chi nhánh Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Trước đó, vụ án này từng được đưa ra xét xử vào tháng 4/2023 nhưng phải hoãn do tại phiên tòa, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập thêm ông Nguyễn Hoàng Đức - Giám đốc, Phạm Quang Huy - Trưởng Phòng Kiểm toán 2, Công ty Kiểm toán A&C - Chi nhánh Hà Nội, do có nhiều tình tiết liên quan tới quy trình thẩm định cần làm rõ.

Theo cáo trạng, Cienco 1 ban đầu thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2013, có chủ trương cổ phần hóa, Bộ ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, do Phạm Dũng làm Trưởng ban, Cấn Hồng Lai làm Phó trưởng ban thường trực.

Tháng 6/2014, Cienco 1 được cổ phần hóa thành công. Đăng ký kinh doanh mới thể hiện vốn điều lệ doanh nghiệp này là 700 tỷ đồng, trong đó 35% là vốn Nhà nước. Đến cuối năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải thoái toàn bộ số 35% vốn này.

Trong quá trình cổ phần hóa, các bị cáo trong vụ án và một số cá nhân, đơn vị liên quan đã có nhiều sai phạm, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng tài sản Nhà nước. Cụ thể, hành vi phạm tội của các bị cáo Phạm Dũng và Cấn Hồng Lai gây thiệt hại cho Nhà nước gần 240 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của các bị cáo: Lê Văn Long, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Thị Bích Hạnh, Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Ngọc Tuyến gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 185 tỷ đồng./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực