Xét xử vắng mặt là cơ sở dẫn độ tội phạm bỏ trốn

Thứ tư, 16/08/2023 20:27
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Xét xử vắng mặt là cơ sở dẫn độ tội phạm bỏ trốn; Vụ "phá nhầm" nhà dân: Có hay không két sắt chứa 30 triệu đồng? VinFast 85 tỷ USD, cổ phiếu Vingroup “bùng nổ”; Trung Quốc - Ấn Độ nhất trí duy trì hòa bình biên giới… là một số tin trong nước và thế giới đáng chú ý hôm nay.

Kiên quyết dẫn độ tội phạm bỏ trốn để xét xử nghiêm minh

Chiều 16/8, tại buổi cung cấp thông tin về kết quả Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã thông tin vụ AIC và việc truy bắt bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Phó ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, việc xét xử tội phạm vắng mặt - điển hình trong đại án AIC, là đường hướng xử lý người bỏ trốn trong các vụ án khác. Đây là điểm mới, nổi bật trong công tác phòng chống tham nhũng, từ đây, các cơ quan tố tụng sẽ nghiên cứu, ban hành hành án lệ để xét xử người phạm tội bỏ trốn.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sáng 16/8 (Ảnh: TTXVN)

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng yêu cầu "kiên quyết dẫn độ tội phạm bỏ trốn để xét xử nghiêm minh".

Ông Đặng Văn Dũng phân tích thêm, người phạm tội bỏ trốn thường chưa bị kết án, chỉ ở giai đoạn bị truy nã, khiến việc hợp tác quốc tế truy bắt gặp khó khăn. Còn khi tội phạm đã bị tuyên án, nhất là liên quan đến tham nhũng, các cơ quan thực thi pháp luật sẽ có cơ sở, điều kiện truy bắt.

Cuối năm 2022, vụ tham nhũng tại Công ty AIC được xét xử là vụ án hy hữu khi có 8 bị cáo vắng mặt do đang trốn truy nã. Trong đó, chủ mưu Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch AIC, bị phạt 30 năm tù. Ngoài vụ án này, dù bỏ trốn, bà Nhàn tiếp tục bị khởi tố ở hai vụ án khác. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đang quyết tâm truy bắt bà này để xử lý.

Vụ "phá nhầm" nhà dân: Có hay không két sắt chứa 30 triệu đồng?

Một người dân ở Hải Phòng đã gửi đơn tố cáo, cầu cứu vì nhà của mình bị "phá nhầm", trong nhà có két sắt chứa tiền và nhiều tài sản khác đã không còn; chính quyền huyện nói trong nhà không có tài sản?

Ngày 16/8, lãnh đạo UBND huyện An Dương (thành phố Hải Phòng) cho biết, năm 2023, thành phố thực hiện dự án nút giao thông Tôn Đức Thắng - Nguyễn Văn Linh. Việc tháo dỡ công trình, vật kiến trúc trong phạm vi giải phóng mặt bằng do Công ty Nam Sông Cấm đảm nhận.

 Ngôi nhà cấp 4 của bà Trang bị sập mái, đổ một phần tường (Ảnh: Lê Tân/VNE)

Ngày 10/8, Công ty Nam Sông Cấm tiến hành tháo dỡ công trình của 4 hộ dân đã nhận bồi thường giải phóng mặt bằng. Khu vực tháo dỡ mặt bằng gồm 5 hộ dân: bà Phạm Thị Thu Trang, bà Lê Thùy Linh, bà Đoàn Thị Hoa, bà Vũ Thị Huệ, ông Đỗ Khắc Lai. Trong 5 hộ dân nói trên, có 4 hộ dân đã chấp thuận phương án nhận tiền và ký biên bản bàn giao mặt bằng. Bà Phạm Thị Thu Trang chưa đồng ý.

Quá trình tổ chức tháo dỡ 4 công trình của các hộ dân, một biển quảng cáo cỡ lớn, kết cấu phức tạp đã đổ sập vào phần mái trên diện tích đất của bà Trang gây hư hỏng. Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo huyện An Dương đã chỉ đạo công an huyện điều tra, phong tỏa hiện trường, xác minh vụ việc.

Huyện khẳng định không có tài sản két sắt chứa 30 triệu đồng và nhiều giấy tờ, tivi, tủ lạnh, bàn ghế, giường ngủ, cùng nhiều đồ đạc khác trong khi bà Phạm Thị Thu Trang lại nói có tài sản, bằng chứng video và hình ảnh đơn vị thi công đập phá chứ không phải trong quá trình tháo dỡ biển quảng cáo mà vô tình làm sập nhà của bà.

Công an huyện đang tiếp tục điều tra, phong tỏa hiện trường, đồng thời các bên bàn bạc cụ thể để giải quyết dứt điểm vụ việc.

VinFast 85 tỷ USD, cổ phiếu Vingroup “bùng nổ”

Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/8, sự hứng khởi của các nhà đầu tư sau thông tin VinFast (một công ty con của Vingroup) niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ với mức định giá lên tới 85 tỷ USD đã khiến cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng kịch trần với dư mua rất lớn.

Tính tới 10h09, cổ phiếu Vingroup tăng 4.900 đồng lên 75.600 đồng/cp với dư mua giá trần gần 5,9 triệu đơn vị. Đây là điều chưa từng có đối với cổ phiếu này.

Trước đó, kể từ đầu tháng 8, sau khi có thông tin về kế hoạch niêm yết VinFast trên sàn chứng khoán Mỹ với định giá cao, cổ phiếu Vingroup có những phiên tăng trần với khối lượng và giá trị khớp lệnh kỷ lục, Đơn cử phiên 4/8, 21,2 triệu cổ phiếu VIC được chuyển nhượng, mức cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2007.

Tính đến hết ngày 15/8 tại Việt Nam, giá trị vốn hóa của Vingroup là khoảng 11,2 tỷ USD. Vinhomes là 11,4 tỷ USD và Vincom Retail là 3 tỷ USD.

Kết thúc phiên giao dịch 15/8 trên sàn Nasdaq của Mỹ, cổ phiếu VinFast vọt lên trên ngưỡng 37 USD. Với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính quy mô vốn hóa của nhà sản xuất xe điện VinFast đạt mức 85 tỷ USD. Đây cũng là doanh nghiệp Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất tính đến hiện tại.

Theo Forbes, tính tới ngày 16/8, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản đạt 5,9 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với phiên liền trước và đứng thứ 458 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.

Trước đó, theo đánh giá của Bloomberg, tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể tăng thêm 11 tỷ USD nhờ VinFast, từ mức 5 tỷ USD lên 16 tỷ USD. Nếu tài sản của ông Vượng lên mức 16 tỷ USD, tỷ phú giàu nhất Việt Nam sẽ top 4 tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á.

Trung Quốc - Ấn Độ nhất trí duy trì hòa bình biên giới

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc trong vòng đàm phán tiếp theo đã nhất trí duy trì hòa bình ở biên giới và tiếp tục đối thoại.

Từ ngày 13 - 14/8, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán thứ 19 ở cấp chỉ huy quân đoàn. Các bên đã trao đổi, đồng ý đối thoại thông qua các kênh quân sự và ngoại giao để giải quyết sớm nhất các vấn đề còn tồn tại. Trong khoảng thời gian này, các bên nhất trí duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới Trung-Ấn.

 Ảnh minh họa, nguồn: Reuters

Kể từ năm 2020, nhiều vụ đụng độ đã xảy ra tại khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, nơi hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Đỉnh điểm là vụ đụng độ hồi tháng 6/2020, khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Những năm gần đây, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao, 19 vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn cùng các cơ chế điều phối và tham vấn ngoại giao và quân sự song phương, nhưng hai quốc gia vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về vấn đề biên giới lãnh thổ dọc dãy Himalaya vốn đã tồn tại mâu thuẫn từ hàng chục năm qua./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực