Thi đua yêu nước góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang

Thứ tư, 14/10/2020 22:52
(ĐCSVN) - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước”, năm năm qua (2015-2020), phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng.
 Người dân xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) làm đường Nông thôn mới. (Ảnh: Phi Anh/Báo Hà Giang)

Sôi nổi nhiều phong trào thi đua

Tại huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) - nơi được coi là "đầu tàu" thi đua yêu nước của tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Lý, Phó trưởng Ban Tổ chức-Nội vụ huyện cho biết: Để triển khai phong trào thi đua hiệu quả, sáng tạo, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua nói chung; các nội dung ký kết thi đua giữa tỉnh với huyện, giữa huyện với xã, thị trấn. Quan trọng nhất là đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân để các phong trào đi vào đời sống.

Để các phong trào thi đua đi vào thực chất, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống, huyện Quản Bạ đã triển khai nhiều phong trào như “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”; “Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”; “Cải tạo vườn đồi tạp sang trồng cây có giá trị kinh tế”; “Dồn điền, đổi thửa” quy hoạch vùng chuyên canh trồng lúa chất lượng cao, trồng ngô, đậu tương hàng hóa, rau đậu các loại; “Mỗi huyện một xã, mỗi xã có một thôn điển hình trong phát triển kinh tế”. Cùng với đó, có biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua theo mô hình, rõ địa chỉ, có sức lan tỏa, từ đó giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 33,52%; toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 9-10 tiêu chí, có 2 xã đạt 15 tiêu chí. Nhờ sự nỗ lực, huyện Quản Bạ đã dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước trong 2 năm liền và được nhận Cờ thi đua của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ.

Là một trong những gương điển hình thi đua sản xuất nông, lâm nghiệp của xã Bản Rịa (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang), chị Hoàng Thị Quê chia sẻ: “Phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng khắp, lan tỏa đến từng nhà, làm cho mỗi người có trách nhiệm hơn đối với gia đình, quê hương và đất nước. Ý thức được điều đó, tôi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn”. Thông qua nguồn vốn tiết kiệm tín dụng của phụ nữ trong thôn, chị Quê đầu tư mua lợn nái đen sinh sản về nuôi, vừa nuôi lợn thương phẩm, vừa cung cấp con giống cho các hộ dân. Bên cạnh nghề chăn nuôi chính, nhà chị còn trồng rừng và bán hàng tạp hóa, tổng thu nhập đạt gần trăm triệu đồng mỗi năm.

Hay như ở huyện Hoàng Su Phì, một trong những phong trào thi đua đem lại hiệu quả thiết thực là “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, bằng cách làm sáng tạo, phù hợp cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của các cấp ủy, chính quyền, phong trào đã tạo được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì) Phượng Chàn Nu cho biết: Phong trào “Chung sức xây dựng NTM” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Đến nay, nhân dân đã hiến trên 17.000 m2 đất, đóng góp trên 5.000 ngày công mở mới, đổ bê tông các tuyến đường, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trường học… Tính đến hết tháng 6/2020, xã đã đạt 15/19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn có sự đổi thay đáng mừng. Thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 18%. Từ nay đến cuối năm, xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để cán đích NTM vào cuối năm 2020.

 Trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân điển hình tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang lần thứ VI (Ảnh: Báo Hà Giang)

Thi đua tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện Chương trình phát động thi đua thường xuyên hàng năm, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Điển hình như, trong lĩnh vực công nghiệp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế cùng với việc tổ chức sản xuất, khôi phục và tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, kết hợp với triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, tạo ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Phong trào thi đua trong lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ - Du lịch gắn liền với việc tổ chức nhiều sự kiện nhằm mở rộng thị trường, quảng bá và xúc tiến tiêu thu các sản phẩm chủ lực tiêu biểu của tỉnh. Trong lĩnh vực Tài chính - tín dụng, phong trào thi đua "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" được triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, công tác điều hành thu, chi ngân sách hợp lý đảm bảo thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 51,2% so với năm 2015.

Đáng chú ý trong lĩnh vực nông nghiệp, phong trào thi đua "Hà Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016 - 2020 được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm với những cách làm sáng tạo. Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo do người đứng đầu cấp ủy làm Trưởng ban; gắn xây dựng nông thôn mới (NTM) với xây dựng làng văn hóa du lịch và thực hiện chương trình quy tụ, sắp xếp, ổn định dân cư... Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tối đa nội lực trong nhân dân dựa trên nguyên tắc "Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi, dân quản lý và phát huy", đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua tiêu biểu như phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM"; phong trào "Hiến đất"; "Ngày thứ Bảy tình nguyện hướng về NTM"; "Mỗi tuần một việc"; "Ngày Chủ nhật xanh";...

Tỉnh cũng đã tổ chức phát động phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, trong đó xác định rõ làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm. Kết quả, tính đến tháng 6/2020 đã làm mới trên 1.938 km đường bê tông các loại; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân thông qua thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 21,3 triệu đồng/người/năm;... Đến hết năm 2019 toàn tỉnh Hà Giang có 38 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 11 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí. Hoàn thành vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là 08 xã (38/30 xã) về đích trước 2 năm.

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Hà Giang phát động phong trào thi đua "Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh", thi đua xây dựng người cán bộ công chức "Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu" gắn với đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Cấp ủy các cấp đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có tính sáng tạo, cách làm linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế; đưa việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng trở thành việc làm thường xuyên, nề nếp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, các phong trào thi đua đã thực sự tạo được sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh; qua đó phát huy tốt truyền thống thi đua yêu nước, lòng tự hào dân tộc với sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi theo tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt và những cách làm hay, sáng tạo, các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả được triển khai nhân rộng tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn.

Thực hiện các phong trào thi đua, giai đoạn 2015-2020 toàn tỉnh đã có 18 cá nhân được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng; 52 cá nhân, 19 tập thể được nhận Huân chương Lao động các hạng; 23 tập thể được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 105 cá nhân, 34 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hàng nghìn cá nhân, tập thể được khen thưởng của Trung ương và của tỉnh. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang những năm qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 6,85%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 30 triệu đồng (tăng 57,4% so với năm 2015); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng qua các năm, đến năm 2020 tăng 51,2% so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp từ 33,6% còn 30,3%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,4% lên 25,8%; Thương mại - dịch vụ tăng từ 43,95% lên 44%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% năm 2015 còn 22,53% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 4,22%, vượt mục tiêu Nghị quyết. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại được tăng cường; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy, công tác xây dựng hệ thống chính trị được đảm bảo.

Phát huy những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020, trong giai đoạn tới, Hà Giang đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước với chủ đề "Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, xây dựng tỉnh Hà Giang phát triển". Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, tạo sự đồng thuận, thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2020-2025, xây dựng tỉnh Hà Giang phát triển nhanh và bền vững./.

Phương Nghi (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực