Nửa nhiệm kỳ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Thứ năm, 16/11/2023 08:35
(ĐCSVN) - Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, qua nửa nhiệm kỳ, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, từ đầu nhiệm kỳ đến nay là giai đoạn khó khăn chưa từng có trong tiền lệ đối với các doanh nghiệp của Thái Bình với những ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề sau dịch COVID-19, mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng của các nền kinh tế trên thế giới và khu vực, chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột quân sự, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các doanh nghiệp trong tỉnh còn đứng trước những khó khăn về nguồn lực, sức ép cạnh tranh, công nghệ...

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, ngành Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; ổn định và phục hồi sản xuất sau dịch. Trong đó, đã tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đưa các dự án công nghiệp lớn vào sản xuất; tổ chức thành công nhiều hoạt động xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Cụ thể, đã tổ chức xúc tiến thương mại tại các nước Bắc Âu; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình với 11 tỉnh, thành phố tham dự trực tiếp, 37 điểm cầu trực tuyến trong nước và quốc tế; tham mưu tổ chức hội nghị phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình năm 2023; kết nối, cung cấp thông tin về sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh và làm cầu nối giữa các nhà bán buôn, siêu thị, hệ thống phân phối, các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh đến tay người tiêu dùng...

Sở Công Thương tỉnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Ảnh: PV)

Cùng với đó, Sở Công Thương cũng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thiết kế và vận hành website; tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền về các FTA Việt Nam đã ký kết; thảo luận và giải đáp một số vướng mắc của doanh nghiệp; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến xuất khẩu, nhất là xúc tiến tại các thị trường ký kết FTA với Việt Nam để giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu; phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin về cơ chế, chính sách điều hành xuất nhập khẩu hàng hóa, biện pháp kỹ thuật đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, biện pháp phòng vệ thương mại...

Chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, doanh nghiệp đã tham gia cùng đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới, qua đó có cơ hội quảng bá thương hiệu gạo Thái Bình, đồng thời ký hợp đồng hợp tác với một số doanh nghiệp lớn trên thế giới. Cụ thể, ThaiBinh Seed đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Satake (Nhật Bản) là tập đoàn toàn cầu chuyên sản xuất và phân phối các loại máy móc, thiết bị nông nghiệp và đưa ra các giải pháp xử lý lương thực, thực phẩm. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp khảo sát, thiết kế xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo, xác định vùng nguyên liệu sản xuất cho nhà máy, tạo tiền đề để nông nghiệp Thái Bình phát triển.

Đổi mới công nghệ, cải thiện năng lực quản lý để phục hồi và phát triển

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Sở Công Thương cũng đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực quản lý... nhằm nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 2021 - 2023, Sở đã tư vấn, hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất cho 34 đơn vị; hỗ trợ đào tạo quản trị kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho 160 cán bộ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực công thương, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, các thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc lĩnh vực công thương về cơ bản đã cắt giảm tối thiểu 40% thời gian giải quyết so với quy định; số hóa 100% hồ sơ đầu vào và kết quả đầu ra của các thủ tục hành chính phát sinh; 100% hồ sơ tiếp nhận được giải quyết trước và đúng hạn, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Thiên Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư An Ninh Thái Bình, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường xuất khẩu đối với hàng dệt may bị thu hẹp nhưng khi đầu tư nhà máy sợi tại cụm công nghiệp (CCN) An Ninh (Tiền Hải), công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của các sở, ngành và của huyện Tiền Hải nên đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt thiết bị. Sau quá trình thử nghiệm, hiện nay, nhà máy sợi đã đi vào sản xuất, dự kiến trong năm 2023 sẽ xuất khẩu được 3.000 tấn sợi, tạo việc làm cho 200 lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

“Chúng tôi rất kỳ vọng với cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm đến Thái Bình đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển”- ông Nguyễn Thiên Huy nói.

 Cụm công nghiệp Đông La Thái Bình (Ảnh: PV)

Trong khi đó, theo ông Bùi Hoàng Khánh, Phó Giám đốc liên danh Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Phú Hưng và Công ty Cổ phần Lam Sơn Thái Bình, là nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Đông La, nhờ cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, CCN của tỉnh giúp quá trình giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục hành chính, kết nối thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào CCN rất thuận lợi, đến nay, CCN Đông La đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với diện tích 28ha, thu hút được 21 nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động với thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với diện tích 22ha, kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Có thể thấy, từ các giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả trong thu hút đầu tư đã giúp số lượng doanh nghiệp của Thái Bình tăng nhanh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực