Việt Nam thúc đẩy quyền và cơ hội bình đẳng giới cho người dân tộc thiểu số

Thứ tư, 25/10/2023 08:59
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại phía sau” thì thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi càng cần được quan tâm đặc biệt.

Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, quyền của phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh (BPFA) và Kết luận chung của Ủy ban Địa vị Phụ nữ.

Chính phủ Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những kết quả đạt được, đặc biệt trong lĩnh vực bình đẳng giới. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam đứng thứ 87/153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới; là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất Mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tuyên truyền về bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La 

Việt Nam đã xây dựng khung khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khá tiến bộ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, Luật Bình đẳng giới (2006), Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, 2021 - 2030 đều nhằm mục tiêu: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.

Hiện nay, tại Việt Nam, mọi hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ đều bị cấm, Nhà nước và xã hội đã tạo mọi điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Trong khi ở nhiều nước khác trên thế giới, phụ nữ vẫn đang phải đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình thì ở Việt Nam, Đảng có chủ trương, đường lối, Nhà nước có chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, coi đây là quyền con người cần được tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy, bà Tatiana Pugh Moreno - Đại sứ Venezuela tại Việt Nam chia sẻ và bày tỏ sự ngưỡng mộ.

Ở nước ta, phụ nữ DTTS chiếm 49,9% số người DTTS và chiếm 47,9% lực lượng lao động người DTTS. Do vậy, phụ nữ DTTS có vai trò rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Họ cần được tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để ngày càng khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng và có cơ hội được đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước.

Tại Khoản 5, Điều 7 Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và vùng có điều kiện kinh tế -  xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành một số chủ trương, chính sách nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025” và gần đây nhất là Đề án tổng thể “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Quá trình triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, đề án nói trên đã đạt được một số kết quả khả quan, góp phần nâng cao khả năng tham chính, khả năng tiếp cận của phụ nữ và trẻ em gái DTTS tới các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin; tiếp cận tới các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Về tham chính, trong Quốc hội khoá XV - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có 44 nữ đại biểu Quốc hội là người DTTS, chiếm 49,43% tổng số đại biểu Quốc hội là người DTTS. Trong đó đại biểu nữ trẻ nhất là chị Quàng Thị Nguyệt, sinh năm 1997, người dân tộc Khơ Mú; có cô giáo Nàng Xô Vi, người dân tộc Brâu và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của dân tộc thiểu số rất ít người là Brâu.. Ngoài ra, còn có các nữ đại biểu thuộc các thành phần dân tộc: Mông, Khmer, Chăm, Tày, Thái, La Chí…

Tỷ lệ phụ nữ người DTTS trúng cử cao vào Quốc hội đã góp phần đưa tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là phụ nữ đạt 30,26%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Việt Nam được nâng lên đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở Châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.  

Ở các xã vùng DTTS, tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ DTTS trong cơ quan Đảng chiếm 6%; trong Hội đồng nhân dân là 7,3%; trong cơ quan hành chính là 11,4% và trong các tổ chức chính trị - xã hội là 15,5%. Đáng chú ý là ở các khu vực, vùng, địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội càng thấp và tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống càng cao thì tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ DTTS càng cao. Cụ thể, tỷ lệ nữ DTTS trong tổng số cán bộ, công chức ở khu vực biên giới, nông thôn cao hơn so với tỷ lệ tương ứng ở khu vực thành thị. Tương tự, trong các vùng kinh tế-xã hội thì Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nữ DTTS trong tổng số cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính và tổ chức chính trị cao nhất cả nước, tiếp theo là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu khác trong đảm bảo, thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS, thể hiện qua các số liệu: 78,3% phụ nữ người DTTS có việc làm. Tỷ trọng lao động nữ DTTS có việc làm đã có sự dịch chuyển tích cực từ giảm tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm, thuỷ sản sang tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ. Các chính sách thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, dịch vụ của Chính phủ đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người DTTS, trong đó có phụ nữ.

15,8% hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. 6,2% chủ hộ là nữ trong các hộ DTTS được vay vốn với mức vay từ 51 triệu đồng trở lên; ở mức vay dưới 20 triệu đồng, tỷ lệ này là 35%.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, 8,9% phụ nữ người DTTS từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên. Đã có sự đảo ngược về khoảng cách giới trong tiếp cận giáo dục giữa trẻ em trai và trẻ em gái DTTS. Trước đây, trẻ em gái DTTS có tỷ lệ đi học đúng tuổi thấp hơn và tỷ lệ ngoài nhà trường cao hơn trẻ em trai DTTS. Tuy nhiên trong những năm gần đây, xu thế này dần đảo ngược theo hướng trẻ em gái DTTS có tỷ lệ đi học đúng tuổi cao hơn và tỷ lệ ngoài nhà trường thấp hơn trẻ em trai DTTS.

Khoảng 75,1% phụ nữ người DTTS biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Trong 5 hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra, tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần (trong đời và 12 tháng qua) đều thấp hơn so với tỷ lệ tương ứng của phụ nữ cả nước và phụ nữ Kinh…

Nhằm tiếp tục bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới,  nâng cao vị thế của phụ  nữ DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới, trong Nghị quyết số 88/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Quốc hội đã thống nhất quan điểm: “Lồng ghép, bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án”.

Đáng lưu ý là nội dung “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam và đảm bảo bình đẳng giới” cũng là hai nội dung mới lần đầu tiên được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và phân bổ nguồn lực để thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang phối hợp với Uỷ ban Dân tộc, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Dự án 8 trong Chương trình mục tiêu quốc gia.

Những hoạt động trọng tâm được thực hiện trong Dự án này ở cấp Trung ương gồm: Xây dựng các chương trình truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới trên kênh truyền thông quốc gia (gồm cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) và tổ chức các sự kiện truyền thông tại cấp trung ương.

Xây dựng tài liệu hướng dẫn truyền thông thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; tài liệu hướng dẫn tổ chức đối thoại chính sách ở cấp cơ sở; hướng dẫn triển khai các mô hình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái tại vùng đồng bào DTTS; Xây dựng khung giám sát và đánh giá thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tổ chức các hội nghị/hội thảo chia sẻ, vận động nhân rộng mô hình, hoạt động hiệu quả thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nhằm tiếp tục vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS.

Tập huấn xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn về lồng ghép giới cho Hội LHPN các tỉnh, thành; nâng cao năng lực, nhận thức về thực hiện bình đẳng giới cho đại biểu dân cử, nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Giám sát và phản biện xã hội đối với các chính sách hỗ trợ phụ nữ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ở các cấp Hội địa phương, triển khai các mô hình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng biên giới: mô hình Tổ truyền thông cộng đồng ứng dụng truyền thông trên nền tảng số; thí điểm Tổ Tiết kiệm vay vốn thôn bản gắn với phát triển sinh kế; Tổ Tiết kiệm vay vốn thôn bản kết nối với các dịch vụ tài chính chính thức; Địa chỉ an toàn tại cộng đồng; Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi…) và thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin cho mô hình sinh kế do phụ nữ DTTS làm chủ (tổ/nhóm/hợp tác xã)…

Tổ chức các hoạt động tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp tại địa phương, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Tổ chức hội thảo/diễn đàn chia sẻ, vận động chính sách tại địa phương quan tâm giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn bản đặc biệt khó khăn.

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Song trong thời gian tới, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững./.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực