(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 21/5, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; Chính phủ Báo cáo về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Tờ trình dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
|
Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận nhiều dự án luật. (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Đầu giờ sáng, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.
Sau hơn 10 năm thi hành, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã phát huy vai trò trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù vậy, thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Do đó, trong lần sửa đổi này sẽ tập trung vào nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; phân định thẩm quyền tư pháp với thẩm quyền hành chính; chế định chứng cứ; các biện pháp cưỡng chế tố tụng; bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc hai cấp xét xử; căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, kiểm soát hoạt động tố tụng hình sự.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016. Theo Tờ trình, công tác xây dựng luật thời gian qua có chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế... Tuy nhiên, việc lập, triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vẫn còn những hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục như: Số lượng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung còn nhiều, chất lượng một số dự án luật còn hạn chế… Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục đề cao trách nhiệm xây dựng luật, pháp lệnh; tập trung đầu tư nhân lực, vật lực và các điều kiện khác cho công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm tiến độ, chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh.
Về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ năm 2016, nhưng một bộ phận người lao động có kiến nghị được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Sau khi sửa đổi, quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 điều chỉnh chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến cuộc sống trước mắt của người lao động, mà còn chăm lo đến cuộc sống của họ khi về già. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới. Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày cũng nêu rõ những lợi ích của việc tích lũy thời gian đóng bảo hiểm. Theo đó: Khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới. Khi người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng thì quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động. Trong thời gian bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu không may người lao động từ trần thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất. Theo tính toán trong tất cả các trường hợp, người lao động tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ khi về già đều có lợi hơn rất nhiều so với việc lĩnh một lần.
Ý kiến của Ủy ban các vấn đề xã hội tại phiên họp sáng nay cho biết, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 Chính phủ trình Quốc hội đã điều chỉnh chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần với nhiều quyền lợi hơn cho người lao động, đảm bảo mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết rủi ro cho người lao động khi về già nhằm thực hiện quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, dựa trên thực tế hiện nay, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến khác.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Trên cơ sở nguyện vọng của một bộ phận người lao động chỉ làm việc ở khu vực chính thức trong một thời gian ngắn, trong điều kiện sự dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm, việc làm của người lao động chưa thật sự bền vững, đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất của Chính phủ, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng Bảo hiểm xã hội một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già.
Thảo luận về về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu nhất trí với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Tuy nhiên, về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số ý kiến đề nghị, cần quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát. Đồng thời, cần bổ sung quy định nhằm xác định rõ giá trị pháp lý của kết luận giám sát của Mặt trận; làm rõ trách nhiệm, chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện kiến nghị, kết luận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi tiến hành giám sát, cụ thể trách nhiệm và việc xử lý vi phạm.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), như phạm vi điều chỉnh, về tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…