Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2021-2025 hướng đến mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Theo đó, Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ thành ủy xác định: BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT. Nhờ đó, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, phát triển của thành phố. Hằng năm, số thu BHXH, BHYT, BHTN đều đạt và vượt kế hoạch; số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đến hết năm 2020 ước đạt trên 96,5%; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT kịp thời, đúng quy định; tỷ lệ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đạt 100%; cân đối chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT không để vượt mức dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được Chính phủ giao hàng năm. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN vẫn diễn biến phức tạp; việc xử lý nợ đọng kéo dài, tái nợ khó dứt điểm. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT còn bất cập...
Những hạn chế nêu trên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như: Đến nay vẫn chưa có quy định xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích; cơ chế khởi kiện hầu như không thực hiện được; các quy định về cơ chế, chế độ, chính sách về BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, nhận thức của người lao động và nhân dân còn hạn chế; công tác xác định đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN gặp nhiều khó khăn do thiếu tính đồng bộ trong quá trình quản lý các đơn vị sử dụng lao động về cấp phép, hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ của Nhà nước; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...; Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân chủ quan, như: Tổ chức thực hiện chưa thực sự quyết liệt và đồng bộ; việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thiếu bền vững; sự phối kết hợp giữa các ngành còn thiếu đồng bộ, công tác tuyên truyền còn hạn chế...
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát: Thực hiện có hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT và tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân; mở rộng quyền lợi, nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết đầy đủ, kịp thời, chính xác chế độ BHXH, BHYT cho người tham gia, Nghị quyết cũng xác định mục tiêu cụ thể của từng năm trong giai đoạn 2021-2025; đồng thời, đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.