Đối tượng nào sẽ tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung?

Thứ hai, 05/10/2015 17:01

(ĐCSVN) – Bảo hiểm hưu trí bổ sung là một chính sách mới nên cần có lộ trình và bước đi thích hợp, trước mắt chỉ áp dụng đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung phải thông qua người sử dụng lao động.

 Ảnh minh họa: ĐT

Đây là đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm hưu trí bổ sung đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lấy ý kiến.

Đối tượng nào sẽ tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung? 

Dự thảo Nghị định bao gồm 5 Chương và 27 Điều. Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì: Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Như vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là những người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang là những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên không áp dụng chính sách này; việc thực hiện chính sách đối với người lao động (nếu có) sẽ được quy định riêng. Mặt khác, cần cân nhắc việc có hay không quy định đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc được tự tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung trong trường hợp người sử dụng lao động không tham gia vào loại hình này.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, do đây là một chính sách mới nên cần có lộ trình và bước đi thích hợp, trước mắt chỉ áp dụng đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đang tham gia BHXH bắt buộc và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung phải thông qua người sử dụng lao động (người sử dụng lao động đóng một phần hoặc toàn bộ) để thể hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như sự gắn kết trong quan hệ lao động, khuyến khích người lao động làm việc lâu dài cho người sử dụng lao động. 

Điều kiện hưởng hưu trí bổ sung

Về điều kiện hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, do đây là chính sách hưu trí nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc nên việc chi trả sẽ được thực hiện hàng tháng với thời điểm hưởng và quá trình thụ hưởng sẽ cùng với hưởng lương hưu của BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, do mức hưởng phụ thuộc vào số tiền tích lũy được trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của từng người lao động, vì vậy, người lao động được hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng khi hưởng lương hưu hàng tháng từ chính sách BHXH bắt buộc (hoặc khi đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH bắt buộc mà không đủ điều kiện về thời gian đóng để được hưởng lương hưu hàng tháng) và số tiền tích lũy được trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động đạt một giá trị tối thiểu theo quy định.

Giá trị tối thiểu của số tiền tích lũy được trong tài khoản cá nhân của người lao động sẽ phụ thuộc vào thời gian hưởng. Với thời gian hưởng được tính toán theo kỳ vọng sống bình quân của người lao động khoảng 20 năm thì để bảo đảm mức hưởng lương hưu bổ sung thấp nhất bằng 1/2 mức lương cơ sở, giá trị tối thiểu tài khoản tiết kiệm cá nhân cần đủ để chi trả lương hưu bổ sung trong 20 năm là 120 lần mức lương cơ sở.

Do vậy, Dự thảo Nghị định đang thể hiện người lao động hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng khi hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định của pháp luật về BHXH và giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân tại thời điểm nghỉ hưu đạt từ đủ 120 lần mức lương cơ sở trở lên.

Về mức hưởng hàng tháng, dự thảo đề xuất hai phương án. Phương án 1: Mức hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng của năm đầu tiên được tính bằng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 240. Mức hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng của những năm tiếp theo bằng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động chia cho số tháng được hưởng lương hưu bổ sung còn lại. Phương án 2: Mức hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng được tính bằng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 240. Mức hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng.

Trong trường hợp người lao động không đủ điều kiện để hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng theo quy định trên hoặc thuộc một trong các trường hợp theo quy định của Luật BHXH về BHXH một lần thì được hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung một lần. Cụ thể, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Luật BHXH nhưng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn 120 lần mức lương cơ sở; bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; ra nước ngoài để định cư.

Dự thảo Nghị định đề xuất mức hưởng một lần được xác định bằng toàn bộ số tiền tồn tích trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động sau khi đã trừ các khoản phí tính đến thời điểm hưởng.

Thêm hình thức đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung

Theo quy định tại Điều 92 Luật BHXH năm 2014 thì các hình thức đầu tư quỹ BHXH bao gồm: Mua trái phiếu Chính phủ; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cho ngân sách nhà nước vay.

Để khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung và tăng tính hấp dẫn của chính sách, dự thảo Nghị định quy định thêm một số hình thức đầu tư khác có khả năng sinh lời cao hơn, cụ thể: Trái phiếu Chính phủ; chứng chỉ quỹ mở trái phiếu; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng; các chứng chỉ quỹ mở khác đáp ứng điều kiện do Bộ Tài chính quy định.

Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu bảo toàn và tăng trưởng quỹ cũng như hạn chế rủi ro, dự thảo Nghị định cũng quy định tỷ trọng giá trị đầu tư vào trái phiếu Chính phủ trong tổng giá trị quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung tại mọi thời điểm tối thiểu bằng 50%.

Tính đến hết tháng 06/2015, trên cả nước có khoảng 2,15 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng với mức lương hưu bình quân là 3,9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có khoảng trên 790 nghìn người nghỉ hưu trước năm 1995 hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước và gần 1,36 triệu người nghỉ hưu từ năm 1995 trở đi hưởng lương hưu từ quỹ BHXH./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực