(ĐCSVN) - Liên Bộ Y tế - Tài chính sắp ban hành Thông tư điều chỉnh giá hàng ngàn dịch vụ y tế, trong đó tính thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và cả tiền lương của nhân viên y tế.
Theo dự thảo Thông tư quy định giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ, BV hạng đặc biệt và hạng I, chi phí tiền lương là 140.000 đồng/giường bệnh, trong đó cơ cấu lương bác sĩ 33.000 đồng; điều dưỡng, y tá 86.000 đồng và các chi phí quản lý, gián tiếp 20.000 đồng. Mức giá khám bệnh sau khi đã được kết cấu chi phí trực tiếp và tiền lương: BV hạng đặc biệt và hạng I là 40.000 đồng/lượt, hạng II: 39.000 đồng, hạng III: 34.000 đồng và hạng IV: 31.000 đồng. Thay cho mức thu tối đa tiền khám bệnh của các hạng BV này lần lượt là 20.000, 15.000, 10.000 và 7.000 đồng.
|
Phí khám bệnh và viện phí đang đứng trước khả năng tăng gấp 2 - 5 lần trong thời gian tới. Ảnh: Kha Thoa |
Theo dự thảo, việc đưa lương vào các dịch vụ y tế chuyên khoa kéo theo dịch vụ này sẽ tăng khoảng 700.000 - 1 triệu đồng/ca phẫu thuật loại đặc biệt (tùy chuyên khoa) và 400.000 - 600.000 đồng/ca phẫu thuật loại I.
Đối với các chuyên ngành như phụ sản, bỏng, răng hàm mặt…, phụ cấp phẫu thuật đặc biệt cũng dự kiến cao nhất là hơn 1.400.000 đồng/ca cho kíp 6-7 người.
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Giá dịch vụ y tế hiện nay mới tính một phần chi phí trực tiếp (3/7 yếu tố trực tiếp) do đó mỗi đơn vị thuộc bộ, ngành và mỗi địa phương có một bảng giá khác nhau nên giá thanh toán của BHYT đối với các bệnh viện (BV) cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật...) khác nhau gây bất bình đẳng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT...
|
Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ ảnh hưởng ít hơn khi viện phí tăng. Ảnh: Kha Thoa |
Như vậy, giá dịch vụ y tế nếu tính đúng tính đủ như phân tích của BS Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) - có thể sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Ví dụ, chi phí chạy thận nhân tạo sẽ tăng từ 460.000 đồng/lần hiện nay lên 0,9 - 1 triệu đồng/lần. Hay giá khám bệnh sẽ tăng gấp 5 lần, từ 20.000 đồng lên đến 100.000 đồng. Giá chụp CT có thể cũng sẽ tăng từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng.
Theo BS Nguyễn Ngọc Hiền, việc tự chủ tài chính đối với BV công sẽ giúp các BV có thể triển khai xã hội hóa việc đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, nhờ đó người dân được khám chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao. Tự chủ tài chính cũng giúp cán bộ, nhân viên y tế nâng cao thu nhập nên thái độ phục vụ sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), số lượng bệnh viện tự chủ tài chính còn thấp, hiện mới có 9/1.188 bệnh viện công lập được giao quyền tự chủ, tự đảm bảo chi phí hoạt động.
Theo lộ trình, trong năm 2015 tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cộng thêm yếu tố tiền lương cho nhân viên y tế; đến năm 2018, viện phí sẽ tính thêm chi phí quản lý và năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.
“Tất nhiên khi chuyển sang thu theo cơ chế giá dịch vụ, giá viện phí sẽ tăng cao từ việc tính đủ chi phí song cũng phải thấy được mặt tích cực của sự chuyển đổi này là sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, Bệnh viện phải phục vụ người bệnh tốt mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ” - ông Liên nói./.