Theo đó, Hà Giang đặt mục tiêu thi đua đến hết năm 2022, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên đang công tác trong các cơ quan nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động người thân trong gia đình thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đến hết năm 2025, có từ 75% các hộ gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; sự cần thiết và tích cực tham gia bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của gia đình, dòng họ.
|
Hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí . Ảnh: PT |
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, hỏi, việc tang, lễ hội đảm bảo tính kế thừa có chọn lọc và phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, thực hành tiết kiệm, chống thương mại hóa, vụ lợi; không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng; không gây ô nhiễm môi trường. Triển khai các chính sách an sinh xã hội gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, phát huy các tiềm năng, giá trị di sản văn hóa, hình thành một số không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác cải tạo, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức phong trào thi đua tập trung vào 4 nội dung chính: Thi đua tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng chính quyền trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, loại bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần, gây lãng phí, lan truyền dịch bệnh, tổn hại đến sức khỏe của con người. Chủ động, thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số để kịp thời có các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, nhất là những vấn đề nhạy cảm, vận động đồng bào không tin, không nghe những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, di cư tự do, mê tín dị đoan, theo đạo lạ, tà đạo…
Thi đua đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, từng bước xỏa bỏ các phong tục, tập quán, tín ngưỡng lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần, gây lãng phí, lan truyền dịch bệnh, tổn hại đến sức khỏe con người thông qua vai trò của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, trưởng dòng họ, hội viên Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín ở thôn, bản và đội ngũ cán bộ đang công tác tại cơ sở trong việc đưa chủ trương, chính sách đến với nhân dân, tạo niềm tin và động viên nhân dân thực hiện…
Thi đua đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững;…
|
Giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, loại bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu . Ảnh: PT |
Thi đua xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì các hoạt động lễ hội, thể thao truyền thống các dân tộc, tổ chức phát động cam kết bài trừ các hủ tục, phong tục lạc hậu; xây dựng các mô hình điển hình của các dòng họ, địa phương trong thực hiện bài trừ hủ tục lạc hậu, định kỳ đánh giá, sơ kết, nhân ra diện rộng; xử lý nghiêm vi phạm của các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động bài trừ các hủ tục, phong tục lạc hậu để trục lợi, cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu để gia đình, người thân vi phạm các quy định của pháp luật về bài trừ các hủ tục lạc hậu; bố trí lồng ghép các nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở…
Qua đó, nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào Thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và từng bước cải tạo, dần xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh./.