Bài 3: Nhìn lại diện mạo mới của hạ tầng giao thông sau một năm gặt hái nhiều kỷ lục

Thứ sáu, 09/02/2024 22:32
(ĐCSVN) - Với việc khởi công 26 dự án, hoàn thành 20 dự án giao thông quan trọng chỉ trong một năm, có thể thấy, khối lượng công việc của ngành Giao thông vận tải (GTVT) là rất lớn. Dễ thấy, hành trình hiện thực hóa kế hoạch này trải đầy gian nan, khó nhọc, đòi hỏi những nguồn sức mạnh to lớn, toàn diện và bao trùm để thiết lập dấu ấn lịch sử.
 Đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 vào ngày 1/1/2023

Nguồn sức mạnh to lớn, toàn diện, bao trùm

Trong năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, gồm 18 dự án đường bộ, 2 dự án đường thủy, 3 dự án đường sắt, 2 dự án hàng hải và 1 dự án thuộc khối xây dựng.

Cũng trong năm qua, Bộ GTVT đã hoàn thành 20 dự án, gồm: 17 dự án đường bộ, 1 dự án hàng hải, 2 dự án đường thủy. Trong đó có 9 dự án thành phần cao tốc với chiều dài 475km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km.

Theo chia sẻ của Chánh Văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng, để đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành, đưa vào khai thác 3000km đường bộ cao tốc, một số cảng hàng không và các công trình giao thông trọng yếu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT họp định kỳ hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, rõ trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm đổi mới tư duy, cách làm, Bộ GTVT đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý dự án (QLDA) là Chủ đầu tư, chỉ đạo các Ban QLDA khẩn trương kiện toàn mô hình tổ chức, phân định rõ nhiệm  vụ, quyền hạn, mối quan hệ của từng tổ chức để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hàng tháng, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì họp định kỳ kết nối trực tuyến đến văn phòng điều hành hiện trường từng dự án để chỉ đạo xử lý từng vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên tăng cường kiểm tra hiện trường làm việc trực tiếp với người đứng đầu các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn cung vật liệu, bãi đổ thải...

Bộ GTVT đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” với tinh thần “Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa” để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu nhằm đẩy nhanh tiến độ đi cùng với việc bảo đảm chất lượng công trình.

“Bộ GTVT yêu cầu tuyệt đối phải đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng; trong đó, đã ban hành nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo các chủ thể tham gia, nhất là các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát bám sát hiện trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, tuyệt đối không để xảy ra sai sót về chất lượng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm”, ông Uông Việt Dũng cho hay.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ KHĐT trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, qua đó giúp tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực trong đầu tư một số dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã chuẩn bị kịp thời, đầy đủ các báo cáo, kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo những giải pháp liên ngành để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đặc biệt, trước những khó khăn về nguồn cung vật liệu phục vụ các dự án trọng điểm, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập 2 Tổ công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt, xử lý theo thẩm quyền, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp cung cấp đủ vật liệu cho các dự án, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá.

Với vai trò là bộ quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT đã phối hợp, hỗ trợ hiệu quả các địa phương là cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc trong quá trình chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án. Đến nay, các dự án đã khởi công và triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông nền nếp, bài bản

Cao tốc Mai Sơn - QL45 khánh thành, đưa vào khai thác ngày 29/4/2023 

Song hành với việc khởi công, khánh thành các dự án mới, ngành GTVT luôn coi việc đảm bảo duy trì sự ổn định của kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo ông Uông Việt Dũng, để phục vụ an toàn, hiệu quả cho vận tải hành khách, hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân, bên cạnh việc quản lý tốt hoạt động vận tải, bảo đảm ATGT thì công tác bảo trì, sửa chữa KCHTGT, nhất là đường bộ được Bộ GTVT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Năm 2023, Bộ GTVT được giao nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 nghìn tỷ đồng để phục vụ công tác bảo trì KCHTGT các lĩnh vực. Riêng lĩnh vực đường bộ, kinh phí được cấp 11,9 nghìn tỷ đồng chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu 29 nghìn tỷ đồng.

“Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để vừa tiết kiệm vừa đảm bảo duy trì sự ổn định của kết cấu công trình”, ông Dũng khẳng định.

Trong đó, Bộ GTVT tập trung xây dựng kế hoạch bảo trì có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường ứng dụng công nghệ, vật liệu mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm dự báo, kịp thời phát hiện hư hỏng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm.

Trong năm qua, xảy ra 3 áp thấp nhiệt đới và 5 cơn bão, 16 đợt mưa tại các địa phương. Trong đó, nặng nề nhất là địa bàn các địa phương Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa bàn khác gây ngập lụt, sạt lở đất trên nhiều tuyến quốc lộ và tuyến đường sắt Bắc - Nam khu vực miền Trung.

Bám sát dự báo tình hình mưa bão diễn biến bất thường, ngay từ trước mùa mưa, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Cục, sở GTVT địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị vật tư dự phòng sẵn sàng khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố; đồng thời ban hành Thông tư 22/2023/TT-BGTVT phân cấp cho các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ chủ động khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngay sau khi xảy ra hậu quả mưa bão, Bộ GTVT đã kịp thời ban hành 15 Công điện, 25 quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và nhiều văn bản liên quan khác để khắc phục hư hỏng. Công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam được thực hiện hiệu quả, kịp thời, năm 2023 đã xử lý 264 vụ việc báo nạn, điều động 35 lần phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn trực tiếp tại hiện trường; cứu và hỗ trợ 849 người bị nạn và 51 phương tiện.

Đến nay, hoạt động quản lý, bảo trì KCHTGT đã cơ bản đi vào nền nếp, bài bản và ngày càng được nâng cao về chất lượng phục vụ, nguồn vốn bảo trì được giải ngân theo đúng kế hoạch./.

Bài, ảnh: Kim Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực