Phát huy nội lực, tạo đà bứt phá tăng trưởng năm 2024

Thứ sáu, 09/02/2024 09:07
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Với quyết tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, kiên cường trên đà phục hồi và tăng trưởng khá; quy mô nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cao hơn năm 2022, tạo tiền đề để tăng tốc, bứt phá trong năm 2024.
Phát huy nội lực, tạo đà bứt phá tăng trưởng năm 2024 (Ảnh: S.T) 

Tạo được dấu ấn quan trọng

Đánh giá tình hình và kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, chúng ta vẫn đạt được các kết quả tích cực, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đã tạo được dấu ấn quan trọng.

Đó là dấu ấn trong việc thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đầu tư, trong thực hiện các giải pháp cấp bách để hỗ trợ nền kinh tế - trong đó có Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trong giải quyết các vấn đề tồn đọng của nền kinh tế, bao gồm gỡ vướng cho các dự án kém hiệu quả, cũng như xử lý các ngân hàng cần tái cơ cấu…

Cũng nhờ vậy, nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực. Ví dụ như thương mại hàng hóa, mặc dù xuất nhập khẩu giảm sút, nhưng chúng ta lại xuất siêu ở mức cao, lên tới 28 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài cũng là một điểm sáng của bức tranh kinh tế 2023. Với số vốn thu hút được 36,61 tỷ USD và mức vốn giải ngân 23,18 tỷ USD, kết quả này được coi là rất ấn tượng trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu vẫn đang trong xu hướng chậm lại.

Các hoạt động ngoại giao cấp cao và những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã phát huy hiệu quả. Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là gần đây, đã trở thành tâm điểm chú ý của ngành bán dẫn, các ngành công nghiệp công nghệ cao…

Năm 2023 cũng ghi nhận những nỗ lực rất lớn trong giải ngân vốn đầu tư công. Đây là năm có một nguồn lực đầu tư khổng lồ, nhưng ước tính thì tới hết tháng 12/2023, chúng ta đã giải ngân được gần 580.000 tỷ đồng, đạt 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với năm 2022 cả về số tuyệt đối và tương đối, và cũng là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Tháng 12/2023 là tháng có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhảy vọt. Nếu duy trì được tốc độ này trong việc thanh quyết toán phần đã thực hiện còn lại trong tháng 1/2024, thì mục tiêu giải ngân 95% đã đề ra là có thể đạt được. Đây là điều hết sức quý báu. Nhờ giải ngân lớn, nên năm 2023, chúng ta đã khởi công và hoàn thành nhiều công trình, dự án hạ tầng cơ sở quan trọng của đất nước, trong đó có việc đưa gần 700 km đường bộ cao tốc vào sử dụng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đánh giá, dấu hiệu phục hồi kinh tế thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm đạt 5,05%; sản xuất công nghiệp phục hồi, tăng trưởng dương trở lại; xuất khẩu dần phục hồi; đầu tư công đạt kỷ lục, tăng 21,2% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm giải ngân 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 32%, giải ngân tăng 3,5%; du lịch phục hồi khá tốt; nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó, lạm phát giảm bền vững; tỷ giá cơ bản ổn định (cả năm tăng 2,6%); thị trường tài chính tiền tệ cơ bản ổn định, trong tầm kiểm soát; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ luôn nằm trong giới hạn cho phép và ở mức thấp so với các nước tương đồng…

“Năm 2023 là năm chúng ta ghi được rất nhiều dấu ấn, đặc biệt trong điều hành kinh tế - xã hội. Ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những dấu ấn quan trọng. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt, gắn với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Năm 2023, áp lực ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn, nhưng kết quả cuối cùng, bằng rất nhiều nỗ lực, bằng sự nhịp nhàng trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, chúng ta đã giữ được mức tăng bình quân của Chỉ số Giá tiêu dùng là 3,25%; lạm phát cơ bản là 4,16%. Kinh tế vĩ mô ổn định chính là nền tảng quan trọng để nền kinh tế tiếp tục phục hồi” - Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2021-2025). (Ảnh: A.N)

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, ngay trong những ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với sáu nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; cùng với đó là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chíp và chất bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.

Đáng lưu ý, trong các nhóm giải pháp điều hành, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2021-2025). Với việc đề ra mục tiêu tăng trưởng cao trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực dự báo đều thấp hơn mức tăng trưởng đạt được năm 2023, Việt Nam lại một lần nữa quyết tâm “vượt những cơn gió ngược”, đưa nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và phát triển bền vững.

Các chuyên gia đánh giá, triển vọng 2024 có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, kết quả đạt được phần nhiều lại phụ thuộc vào năng lực của nền kinh tế cũng như tính tuân thủ và đáp ứng các quy định mới của thị trường nhập khẩu đối với sản phẩm, hàng hóa của các ngành và doanh nghiệp từ Việt Nam. Đặc biệt, với những bài học quý báu của năm 2023, chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, tận dụng được thời cơ để tiếp tục tăng tốc phát triển. Năm 2024, trong mục tiêu điều hành, chúng ta sẽ dành ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng, bên cạnh vẫn nhất quán ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, nếu chúng ta tận dụng được cơ hội của động lực tăng trưởng mới, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn, như cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh các đột phá chiến lược, chúng ta sẽ “bứt phá để về đích”.

 

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực