Với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì đà phát triển rất tích cực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Phạm Sao Mai về những thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt - Trung thời gian qua.
Phóng viên (PV): Thưa Đại sứ, mặc dù thời gian qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, song về tổng thể, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển ổn định, có nhiều bước phát triển quan trọng, sâu sắc và toàn diện. Xin Đại sứ chia sẻ một số những thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt - Trung thời gian qua?
|
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai phát biểu tại Lễ kỷ niệm 74 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2024) diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 22/1/2024 (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc) |
Đại sứ Phạm Sao Mai: Năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ hai nước - kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì đà phát triển rất tích cực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện ở một số phương diện sau:
- Trao đổi cấp cao và các cấp được tăng cường. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại) và Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp) hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRI) lần thứ 3 do Trung Quốc tổ chức (10/2023); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (6/2023), dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại Nam Ninh (9/2023); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm trực tuyến với Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế (3/2023); đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thăm và làm việc tại Trung Quốc (4/2023).
Đặc biệt là vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam hết sức thành công. Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược; các Ban, bộ ngành, địa phương hai bên đã ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm 03 văn kiện về hợp tác giữa các ban của hai Đảng, 05 văn kiện trong lĩnh vực ngoại giao - quốc phòng - an ninh - tư pháp và 28 văn kiện về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, môi trường và truyền thông, tạo điều kiện tốt đẹp để hai bên mở rộng và tăng cường giao lưu hợp tác cùng có lợi trong thời gian tới.
- Hợp tác thực chất, nhất là kinh tế thương mại là điểm sáng, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga). Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD theo số liệu của hải quan Việt Nam; còn theo số liệu của hải quan Trung Quốc đạt 229,8 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng 17% so với năm 2022 và chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp của cả nước năm 2023, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được tiêu thụ rất mạnh, tiêu biểu như trái sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 1,4 triệu tấn, tăng 69% so với năm trước, với tổng giá trị là 2,1 tỷ USD, chiếm 25% thị phần loại trái cây này tại thị trường Trung Quốc. Về đầu tư, trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD, tăng 77,5%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, song dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây.
- Hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân đạt nhiều thành quả thiết thực, góp phần củng cố nền tảng xã hội của quan hệ hai nước. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Trung Quốc cơ bản khôi phục các chuyến bay thương mại với Việt Nam; hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước; Trung Quốc đã triển khai cấp lại visa cho lưu học sinh và người lao động Việt Nam quay trở lại Trung Quốc. Trong năm 2023, có hơn 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
- Hai bên đã đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới. Hai bên cũng nỗ lực duy trì trao đổi, kiểm soát bất đồng, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời tích cực triển khai các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
- Ngoài ra, hai bên cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn đa phương nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
PV: Thời gian qua, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều chuyến thăm trao đổi đoàn. Trong đó, điển hình là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 01/11/2022) và gần đây là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12 - 13/12/2023). Các chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào trong việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Sao Mai: Có thể nói, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 01/11/2022) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12 - 13/12/2023) là hai chuyến thăm mang tính lịch sử trong quan hệ hai Đảng, hai nước, đều diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa, thể hiện sự coi trọng cao độ đối với quan hệ song phương của hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước.
Trung Quốc là nước đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm sau Đại hội XIII và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên Trung Quốc đón tiếp ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là chuyến thăm lần thứ 3 của đồng chí Tập Cận Bình trên cương vị Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
|
Chiều 12/12/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (Ảnh: TTXVN) |
Hai chuyến thăm lẫn nhau của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện. Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, các đồng chí Lãnh đạo hai Đảng, hai nước đều khẳng định coi nước kia là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước mình. Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược, luôn mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, vì hạnh phúc của Nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Trung Quốc cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc, xây dựng nền kinh tế lớn mạnh, độc lập, tự chủ, thúc đẩy đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở, hữu nghị, phát huy vai trò ngày càng quan trọng hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đưa ra 6 phương hướng hợp tác lớn lớn thúc đẩy quan hệ Việt - Trung bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững, cụ thể: Tin cậy chính trị cao hơn, Hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn, Hợp tác thực chất sâu sắc hơn, Nền tảng xã hội vững chắc hơn, Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. Mục tiêu là vì hạnh phúc của Nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
PV: Trong những năm gần đây, hoạt động hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc không ngừng phát triển. Theo Đại sứ, sự hợp tác này có tác động như thế nào trong việc tăng cường sự hiểu biết, giao lưu giữa Nhân dân hai nước nói riêng, cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc nói chung?
Đại sứ Phạm Sao Mai: Trong năm 2023, giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các địa phương biên giới diễn ra sôi động, đạt nhiều kết quả tích cực, là điểm sáng tích cực của quan hệ song phương. Ngay sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch COVID-19, 03 đồng chí Bí thư của 03 địa phương có vị trí địa lý gần gũi với Việt Nam là Hải Nam, Vân Nam và Quảng Tây đã thăm Việt Nam. Các đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo nhiều địa phương của Việt Nam cũng đã thăm Trung Quốc. Các cơ chế giao lưu thường niên như Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh và Quảng Tây; Hội nghị giữa Bí thư các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên với Vân Nam; Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh Việt Nam - Trung Quốc… được duy trì, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước.
Có thể nói, với ưu thế khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi, hợp tác địa phương ngày càng trở thành một phần quan trọng trong tổng thể hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Đây là tiền đề để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và không gian hợp tác giữa hai bên, cũng như thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, củng cố vững chắc nền tảng xã hội của quan hệ hai nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn là một trong những phương hướng hợp tác cơ bản, quan trọng nhất trong quan hệ Việt - Trung”.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện để các địa phương Việt Nam tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác với các địa phương Trung Quốc, góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững.
PV: Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cộng đồng người Việt Nam và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc chuẩn bị những hoạt động gì để cùng nhau đón Tết một cách ý nghĩa và ấm áp nhất, thưa Đại sứ?
|
Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt thân thân mật đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc trước thềm Xuân mới Giáp Thìn (Ảnh: VOV.vn) |
Đại sứ Phạm Sao Mai: Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc luôn quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Vừa qua, nhân dịp trước thềm xuân mới Giáp Thìn, Đại sứ quán đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc.
Đây là dịp để Đại sứ quán thông báo đến kiều bào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước, những tiến triển mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là những thành quả thực chất và phong phú đạt được trong các chuyến thăm lẫn nhau của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước trong năm 2023; đồng thời, động viên bà con tiếp tục hội nhập tích cực, tuân thủ pháp luật và đóng góp cho phát triển ở nước sở tại; đồng thời, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau ngày càng phát triển, giữ gìn bản sắc dân tộc, luôn hướng về quê hương, cùng đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm cầu nối tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trong không khí đầm ấm, vui tươi, đậm đà bản sắc dân tộc, các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và bà con đã dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, cùng thưởng thức hương vị ẩm thực Tết cổ truyền để nhớ và hiểu thêm về phong tục truyền thống dân tộc Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ! Nhân dịp Năm mới, xin kính chúc Đại sứ cùng toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc sức khỏe, an khang, thịnh vượng!