Sự hiện diện của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế

Chủ nhật, 11/02/2024 23:08
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass đánh giá: Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, với sự hiện diện ngày càng tăng trên trường quốc tế.
 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass. (Ảnh: ĐSQ Thụy Sĩ tại Việt Nam)

Phóng viên (PV): Trải qua hơn 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2023), quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ đang phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương. Trên cương vị là Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, ông hãy điểm lại một số dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua?

Đại sứ Thomas Gass: Mối quan hệ giữa Thụy Sĩ và Việt Nam có truyền thống rất tốt đẹp, không ngừng được củng cố và làm sâu sắc hơn. Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào năm 1971. Quan hệ hai nước đã có những bước phát triển rất năng động, bắt đầu bằng hợp tác phát triển và chuyển sang hợp tác kinh tế tập trung vào các ưu tiên quốc gia như ngân hàng, chuỗi giá trị bền vững và khu công nghiệp sinh thái. Ngày nay, mối quan hệ giữa cả hai nước còn được còn được củng cố nhờ quan hệ đối tác mạnh mẽ trong khu vực tư nhân.

Những năm gần đây, lãnh đạo cấp cao của hai nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm lẫn nhau. Tháng 6/2023, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ khi đó là ông Martin Candinas đã đến thăm chính thức Việt Nam và khi kết thúc hội đàm chính thức với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam, ông đã mời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm Thụy Sĩ vào năm 2024.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức hàng năm tại Davos, Thụy Sĩ, mang lại cơ hội cho các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai nước. Nhiều cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam và Thụy Sĩ tại WEF cho thấy cam kết của chính phủ hai nước trong việc tiếp tục phát triển quan hệ song phương ngày càng bền chặt. Tôi rất vui mừng vì đầu năm nay Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các buổi gặp gỡ với Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd và Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ Guy Parmelin.

Ghi nhận những thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực, hòa nhập xã hội và giảm nghèo, Thụy Sĩ tiếp tục ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ cấu phức tạp, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Chúng tôi cố gắng hỗ trợ quá trình chuyển đổi này thông qua các dự án nhằm thúc đẩy chính sách tăng trưởng bền vững dựa trên thị trường; khắc phục mặt trái của tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, như suy thoái môi trường, đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu. Thụy Sĩ cũng hợp tác với Việt Nam để giải quyết một số thách thức trong nỗ lực trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, chẳng hạn như nâng cao năng suất lao động. Giống như ở các quốc gia khác, tình trạng già hóa dân số nhanh chóng tại Việt Nam có thể làm suy yếu khả năng tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cần thiết để xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức, có giá trị gia tăng cao. Những cải cách cơ cấu đầy tham vọng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích đầu tư tư nhân, nâng cao năng suất, tổ chức hợp lý lĩnh vực công và củng cố lĩnh vực tài chính.

PV: Hiện Việt Nam và Thụy Sĩ đang quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA - bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein). Theo ông, việc ký kết hiệp định sẽ mang lại bước phát triển vượt bậc nào trong quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước?

Đại sứ Thomas Gass: Các hiệp định bảo hộ thương mại và đầu tư tự do hiện đang được đàm phán có thể mang lại lợi ích đáng kể cho cả Việt Nam và Thụy Sĩ. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiếp cận thị trường và đầu tư, cũng như tạo ra một nền tảng hội nhập tốt hơn cho các chuỗi giá trị ở cả hai nước. Thương mại tự do cũng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở các nước ký kết bằng cách cho phép họ nhập khẩu hàng hóa với những điều kiện thuận lợi hơn mà trong nước không được hưởng. Tương tự, thương mại tự do có thể tăng năng suất bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận cho các công ty ở các nước ký kết với công nghệ và thiết bị tiên tiến, cho phép họ cải thiện chất lượng và độ tinh xảo của sản phẩm, từ đó nâng cao tiềm năng xuất khẩu tổng thể. Hơn nữa, tự do thương mại khuyến khích cạnh tranh, thúc đẩy các công ty cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.

Chương trình hợp tác đang diễn ra giữa Thụy Sĩ và Việt Nam bao gồm các lĩnh vực có thể giúp Việt Nam thực hiện FTA thành công mà không gây ra những quan ngại quá mức, vì chương trình này được thiết kế chính xác để tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực thu hẹp những khoảng trống về giáo dục, cơ sở hạ tầng và công nghệ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hệ thống kinh tế Việt Nam. Thụy Sĩ sẵn sàng trao đổi quan điểm với Việt Nam về những cách thức mà chúng ta có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này.

FTA đang đàm phán thực sự có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ để mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Thụy Sĩ và Việt Nam trong mọi lĩnh vực, từ đó đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chào đón Chủ tịch Quốc hội Liên bang Thụy Sĩ Martin Candinas vào tháng 6/2023. (Ảnh: ĐSQ Thụy Sĩ tại Việt Nam)

PV: Là một nước có thế mạnh trong các ngành công nghiệp xanh và có nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi năng lượng công bằng, trong thời gian tới, Thụy Sĩ sẽ đưa ra những khuyến nghị, hỗ trợ tài chính và công nghệ như thế nào cho Việt Nam để góp phần phát triển bền vững gắn với môi trường và thực hiện cam kết tại COP-26, thưa ông?

Đại sứ Thomas Gass: Thụy Sĩ cam kết mạnh mẽ với Thỏa thuận Paris và cam kết cắt giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Điều này đang thúc đẩy các ngành công nghiệp của chúng tôi thích ứng, đổi mới và phát triển các công nghệ cần thiết để đạt được mục tiêu này. Đó thực sự là lý do tại sao Thụy Sĩ đã trở thành một trong các nước dẫn đầu thế giới về công nghiệp xanh và phát triển bền vững. Đất nước tôi cũng tiên phong về năng lượng tái tạo: chẳng hạn như thủy điện mà Thụy Sĩ đã phát triển cách đây nhiều thập kỷ vẫn là nguồn cung cấp điện chính của đất nước, trong khi quang điện cũng đang chứng kiến sự bùng nổ nhanh chóng.

Thụy Sĩ là thành viên tích cực tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), đã cam kết tăng mức đóng góp tài chính cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm thông qua Quỹ thích ứng và Quỹ Khí hậu xanh. Về hỗ trợ tài chính và công nghệ trực tiếp, Thụy Sĩ cũng đã hỗ trợ cho một số nước đối tác thông qua một số công cụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các chính sách phát triển và công nghiệp bền vững. Đáng chú ý, Thụy Sĩ đang hỗ trợ một số dự án ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như thông qua việc chống lũ lụt ở thành phố Cần Thơ và tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước ở cấp địa phương. Thụy Sĩ và Việt Nam cũng đang hợp tác để thúc đẩy sử dụng công nghệ năng lượng sạch và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh như một phần của chương trình hợp tác đang diễn ra.

Việc đưa mức phát thải ròng về 0 là một mục tiêu khó khăn đối với tất cả các quốc gia. Việt Nam sẽ cần nhanh chóng xây dựng và huy động các nguồn lực cũng như năng lực để hiện thực hóa các cam kết đã đưa ra. Tại COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra Kế hoạch huy động tài nguyên (RMP) - một cột mốc quan trọng hướng tới việc thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Kế hoạch bao gồm các khoản đầu tư ưu tiên, hành động chính sách ưu tiên và cải cách quy định nhằm phát triển môi trường thuận lợi cho đầu tư, thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Các mục tiêu quan trọng bao gồm: (i) Dự kiến tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2030; (ii) đạt mức phát thải ngành điện hàng năm cao nhất là 170 megaton CO2 vào năm 2030; (iii) hạn chế công suất phát điện đốt than cao nhất của Việt Nam ở mức 30,2 gigawatt; và (iv) đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng tái tạo để năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 47% sản lượng điện vào năm 2030.

Thụy Sĩ có bí quyết và công nghệ trong các lĩnh vực nói trên, và điều này cũng có thể mang lại cơ hội đầu tư, hợp tác mới giữa Thụy Sĩ và Việt Nam.

PV: Việc Thụy Sĩ đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024 mang lại những tiềm năng và cơ hội nào trong thúc đẩy hợp tác với Việt Nam theo hướng tăng cường vai trò chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế, thưa ngài Đại sứ?

Đại sứ Thomas Gass: Với vai trò là một nước thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và phương châm “Điểm cộng vì hòa bình”, Thụy Sĩ đã không mệt mỏi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tìm cách thu hút sự ủng hộ cho những nỗ lực đang diễn ra nhằm đề cao và đảm bảo việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong những năm qua, Thụy Sĩ đã tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải để thúc đẩy giải quyết hòa bình một số xung đột, đồng thời thực hiện hoặc hỗ trợ các sáng kiến nhằm tăng cường vai trò của Liên hợp quốc trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Thụy Sĩ cũng thúc đẩy các hoạt động song phương nhằm góp phần củng cố hòa bình, bao gồm thông qua hợp tác về các vấn đề phát triển bền vững và tìm cách thu hút các đối tác thông qua các kênh song phương trong nỗ lực nâng cao vai trò của chủ nghĩa đa phương, chẳng hạn như bằng việc đưa ra các sáng kiến nhằm nâng cao vai trò kiến tạo hòa bình của Liên hợp quốc.

Về phía Việt Nam, các bạn cũng có nhiều đóng góp được đánh giá cao cho hòa bình và an ninh quốc tế, chẳng hạn như việc tham gia các nhiệm vụ đa phương tại các khu vực xung đột và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở nước ngoài như ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Cũng như Thụy Sĩ, Việt Nam đóng vai trò rất tích cực trong nỗ lực giải trừ quân bị và là nước tham gia được đánh giá cao trong Hội nghị giải trừ quân bị.

Cam kết của Việt Nam trong việc duy trì và tăng cường luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật biển, đã đưa các bạn trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng cho hòa bình và an ninh. Cùng với cam kết đối thoại và hợp tác về các vấn đề an ninh nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam cũng là thành viên chủ chốt trong Diễn đàn khu vực ASEAN.

Việc cả Thụy Sĩ và Việt Nam đều coi trọng thúc đẩy hòa bình và an ninh, đặc biệt thông qua chủ nghĩa đa phương, đã phần nào tạo tiền đề cho hai nước tăng cường sự gắn kết lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ hơn để hỗ trợ nhau trong các sáng kiến tương ứng, thông qua các kênh đa phương và đối thoại song phương được tổ chức thường xuyên. Đây là lĩnh vực mà tôi chắc chắn có thể mang lại tiềm năng mở rộng mối quan hệ hợp tác vốn đã rất hiệu quả giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Có lẽ chúng ta có thể tận dụng Lễ kỷ niệm 70 năm Hội nghị Geneva 1954 như một cơ hội để thực hiện công việc đó.

PV: Trong các ngày 16-19/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ. Theo ông, sự kiện này mang lại cơ hội nào cho Việt Nam để thể hiện tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu cũng như thu hút sự ủng hộ của cộng đồng các nhà đầu tư trước mục tiêu phát triển kinh tế bền vững?

Đại sứ Thomas Gass: Mặc dù Thụy Sĩ đăng cai Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos nhưng chúng tôi không thiết lập chương trình nghị sự cho cuộc họp. Tuy nhiên, bằng cách thu hút khu vực tư nhân và tạo cơ hội rõ ràng để tương tác với các nhà lãnh đạo thế giới, WEF có thể đóng góp quan trọng vào việc giải quyết những thách thức phức tạp mà thế giới đang phải đối mặt, vì Diễn đàn mang lại một nền tảng rất cần thiết cho đối thoại – mà ở đó, những mối quan hệ đối tác mang tính trọng tâm, phù hợp với lợi ích của nhau có thể hình thành. Những vấn đề đặt ra bởi vô số những thay đổi mang tính đột phá đang diễn ra trên khắp thế giới và những thách thức cấp bách mà chúng ta phải vượt qua để đảm bảo một hành tinh đáng sống cho tất cả mọi người, đặc biệt là cuộc chạy đua nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu, không thể chỉ do các chính phủ giải quyết. Tất cả các giải pháp thực sự hiệu quả chắc chắn sẽ cần sự đầu tư đáng kể, điều này chỉ có thể thực hiện được khi có sự tham gia tích cực của xã hội dân sự và khu vực doanh nghiệp.

Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, với sự hiện diện ngày càng tăng trên trường quốc tế, Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng, không chỉ trong khu vực mà còn xa hơn nữa. Trong bối cảnh này, điều quan trọng hơn hết là Việt Nam phải duy trì và đẩy mạnh quyết tâm tham gia đối thoại liên tục với cộng đồng quốc tế và chia sẻ với các nước khác về cách tiếp cận, quan điểm và kinh nghiệm của mình.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu một đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tới dự các cuộc họp của WEF ở Davos là một sự kiện quan trọng. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Trung Quốc vào tháng 6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc nhở những người tham gia về sự cần thiết của “tinh thần đoàn kết toàn cầu, chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm khi đối mặt với những cơn gió ngược”. Việt Nam có thể tự tin phát biểu vì đã có những đóng góp đáng kể trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu và những nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thể hiện qua số lượng ngày càng tăng các quốc gia thiết lập quan hệ đối tác với Việt Nam.

Cũng cần lưu ý rằng WEF năm nay tập trung mạnh vào trí tuệ nhân tạo, mang lại vô số hy vọng nhưng cũng kèm theo thách thức và thậm chí là các mối đe dọa rõ ràng, vì không thể loại trừ nguy cơ nó có thể dẫn đến việc lan truyền hoặc sử dụng thông tin sai lệch có thể kéo theo những hậu quả tai hại tiềm tàng. Ghi nhận những nỗ lực không ngừng nhằm chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế dựa trên tri thức, tôi rất quan tâm đến việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp một số nhà lãnh đạo công nghệ thông tin trong chương trình nghị sự của ông bên lề WEF.

Đại sứ Thomas Gass làm việc cùng Quỹ phát triển khoa học công nghệ Việt Nam (NAFOSTED). (Ảnh: ĐSQ thụy Sĩ tại Việt Nam) 

PV: Trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ sẽ phát huy vai trò cầu nối như thế nào để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Thụy Sĩ tiếp tục phát triển, nhất là trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu… từ đó, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác bền vững và năng động giữa hai nước?

Đại sứ Thomas Gass: Chính sách đối ngoại năng động và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam đang thúc đẩy nhiều nước mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với Việt Nam hoặc nâng cấp những quan hệ đã có. Tất nhiên tôi muốn Thụy Sĩ cũng làm như vậy, và đó là lý do tại sao tôi đang dõi theo vấn đề này rất chặt chẽ.

Khi bắt đầu nhiệm kỳ từ một năm về trước, tôi đã nỗ lực hết sức để tạo động lực mới cho đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA) và Việt Nam. Tôi rất vui mừng khi thấy các cuộc đàm phán này đang tiếp tục đạt được tiến triển. Khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo cơ sở mạnh mẽ hơn nhiều cho việc nâng cao mối quan hệ giữa hai nước, vì nó sẽ mở đường cho việc tăng cường đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam, đồng thời thúc đẩy và đa dạng hóa hơn nữa các hoạt động thương mại song phương. Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương được cập nhật giữa Thụy Sĩ và Việt Nam sẽ là một công cụ bổ sung, quan trọng không kém để giúp chúng ta đạt được kết quả này.

Việc một khoản tín dụng khung mới có hiệu lực gần đây cũng tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế hiện có của Thụy Sĩ với Việt Nam, vốn từ năm 2008 đã tập trung vào cải thiện tài chính công, củng cố khu vực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), quy hoạch đô thị và phục hồi khí hậu, đồng thời thúc đẩy các dự án tăng trưởng bền vững. Cá nhân tôi cam kết chủ động tương tác với tất cả các đối tác của chúng tôi trên khắp đất nước Việt Nam cũng như phát triển mối quan hệ cá nhân của tôi với họ.

Trong lĩnh vực hợp tác khoa học, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) và Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sĩ (SNSF) đã thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ, cùng hỗ trợ cho sự thành công của các dự án nghiên cứu chung giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Trong bối cảnh này, tôi đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ hợp tác chung trong lĩnh vực đầy hứa hẹn này bằng cách mở rộng mạng lưới của mình trong nước.

Tôi mong muốn mạnh mẽ trong việc tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Thụy Sĩ – Việt Nam và sẽ hành động không mệt mỏi theo chiều hướng này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Thu Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực