|
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken. (Ảnh: KT) |
Phóng viên (PV): Quan hệ song phương Việt Nam-Na Uy đã có những bước phát triển nào trong năm qua, nhất là sau khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021), thưa Đại sứ?
Đại sứ Hilde Solbakken: Trong hơn 52 năm qua, mối quan hệ hợp tác Na Uy - Việt Nam luôn tốt đẹp và phát triển ổn định trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm từ chính trị, ngoại giao, đến thương mại và đầu tư v.v..
Năm 2023, chúng ta đã kỷ niệm 52 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (25/11/1971 – 25/11/2023) một cách vô cùng đặc biệt. Trong thời gian này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đang có chuyến thăm chính thức Na Uy. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất đầu tiên giữa hai nước sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và cũng là chuyến thăm Na Uy đầu tiên của Phó Chủ tịch nước. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gặp và hội đàm với nhiều lãnh đạo cấp cao của Na Uy trong đó có Thái tử kế vị Na Uy Haakon Magnus, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store, Chủ tịch Quốc hội Na Uy Masud Gharahkhani, Bộ trưởng Văn hóa và Bình đẳng Lubna Jaffery.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Jonas Gahr Støre và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã thảo luận về khả năng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh và kinh tế đại dương bền vững. Hy vọng rằng thỏa thuận hợp tác chiến lược này sẽ tạo ra những cơ hội mới và khuôn khổ để hai nước chúng ta tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ ngoại giao giữa hai nước cũng như quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp của chúng ta qua đó góp phần đẩy mạnh kinh doanh và thương mại. Đây là tầm nhìn cho năm 2024 và thời gian tới. Tôi rất lạc quan về điều này.
PV: Trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ sẽ phát huy vai trò cầu nối như thế nào để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Na Uy tiếp tục phát triển, nhất là trên các lĩnh vực hai bên cùng chú trọng bao gồm thủy sản, giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới cũng như quốc phòng, an ninh…?
Đại sứ Hilde Solbakken: Đây là những lĩnh vực mà hai nước chúng ta cùng quan tâm. Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể và trở thành nước có thu nhập trung bình. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản viện trợ không hoàn lại từ Na Uy sang Việt Nam cũng giảm bớt, tuy nhiên, thay vào đó là các kênh hợp tác mới thông qua các diễn đàn đa phương và khu vực như Liên hiệp quốc và ASEAN.
Như tôi đã nói, kinh tế đại dương bền vững sẽ tiếp tục là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước với nhiều cơ hội mới đã mở ra từ quy hoạch không gian biển với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam kể cả phát triển điện gió ngoài khơi, nuôi biển bền vững đến bảo vệ môi trường biển trong đó có chống rác thải nhựa trên biển.
Thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và an ninh quốc phòng trong đó có chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh là những lĩnh vực ưu tiên của Na Uy. Chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Liên hiệp quốc tại Việt Nam và trong khu vực trong đó có Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Quỹ Dân số của Liên hiệp quốc (UNFPA), UNWomen v.v... để hỗ trợ Chính phủ và các cơ quan đối tác của Việt Nam đạt được những mục tiêu đặt ra trong các lĩnh vực này.
Trong thời gian tới, Na Uy và các doanh nghiệp của chúng tôi sẽ cùng các nước tài trợ khác tham gia hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường kể cả thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
PV: Là một nước đi đầu và có thế mạnh trong các ngành công nghiệp xanh, đồng thời cũng là nước đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện hành động vì khí hậu của Liên hợp quốc, Na Uy muốn đưa ra những khuyến nghị, hỗ trợ gì cho Việt Nam trong thực hiện thành công các mục tiêu này, thưa bà Đại sứ?
Đại sứ Hilde Solbakken: Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu. Nhiều nước trên thế giới trong đó có Na Uy đang thực hiện những lộ trình chuyển đổi xanh của riêng mình. Mỗi quốc gia sẽ biết rõ nhất mục tiêu của mình là gì và những gì là quan trọng trong bối cảnh trong nước.
Với những thuận lợi về vị trí địa lý, Việt Nam rất có tiềm năng trong việc phát triển và sản xuất năng lượng tái tạo. Đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào, là những tiền đề tốt cho phát triển điện gió xa bờ tại Việt Nam cũng như biến Việt Nam thành quốc gia đi đầu khu vực về năng lượng tái tạo.
Là một trong những quốc gia tiên phong thế giới về năng lượng tái tạo, Na Uy xin chia sẻ một bài học có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo tính thành công của chúng tôi đó là Đối thoại cởi mở và xây dựng giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan trong đó có cả các tổ chức phi chính phủ. Việc lắng nghe ý kiến của người dân cũng như của các tổ chức liên quan có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo tính bền vững và lâu dài của các chính sách, quy định cũng như bất cứ khoản đầu tư nào cho năng lượng tái tạo. Hy vọng, kinh nghiệm này có thể hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. Bên cạnh những kinh nghiệm trong chương trình nghị sự xanh và xây dựng khung thể chế cho điện gió ngoài khơi, các công ty Na Uy cũng sẽ tham gia đóng góp thông qua các khoản đầu tư và công nghệ cao.
PV: Năm 2023 đánh dấu nhiều hoạt động quan trọng trong quan hệ song phương Na Uy Việt Nam. Bắt đầu là chuyến thăm Việt Nam của Quốc vụ khanh Na Uy Erling Rimestad, phiên Tham vấn chính trị cấp thứ trưởng lần thứ 9 giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam-Na Uy, tiếp đến là chuyến thăm chính thức Na Uy của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vào tháng 11/2023. Theo bà, những sự kiện này có đóng góp như thế nào trong thúc đẩy quan hệ hữu nghị lâu dài và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước?
Đại sứ Hilde Solbakken: Ngoài chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, trong năm 2023 chúng ta cũng trao đổi nhiều đoàn trong đó có chuyến thăm của Quốc vụ khanh Bộ ngoại giao Na Uy Erling Rimestad vào tháng 2/2023. Tại COP28 diễn ra tại Dubai vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre đã gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hai bên đánh giá cao những chuyến thăm này và coi đó là một xung lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hai Thủ tướng của chúng ta đã trao đổi một số vấn đề và nhất trí tăng cường quan hệ giữa hai nước trong một số lĩnh vực như phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, kinh tế xanh và thúc đẩy thương mại.
Việt Nam và Na Uy đều có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế xanh. Theo tôi các giải pháp khí hậu gắn với đại dương sẽ là một nội dung quan trọng chiếm ưu thế trong quan hệ hợp tác song phương của chúng ta. Với việc Việt Nam công bố Kế hoạch Huy động Nguồn lực cho JETP tại COP28, năm 2024 sẽ đánh dấu việc chúng ta bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn để thực hiện các cam kết của mình.
Để thực hiện những mục tiêu này, việc huy động sự tham gia của khối tư nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Na Uy là Equinor đã và đang hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PetroVietnam (PVN) trong các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, thu giữ, lưu trữ các bon, và các giải pháp phát thải thấp. Tổng giám đốc Điều hành của Equinor Ông Anders Opedal cùng Tổng giám đốc PVN cũng đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ COP28. Ông Anders Opedal đã khẳng định với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng Equinor sẵn sàng và quyết tâm đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với PetroVietnam để phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế của mình.
PV: Trước khi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam, bà đã từng đảm nhiệm vị trí đại diện ngoại giao của Na Uy tại nhiều nước trên thế giới. Vậy những ấn tượng đặc biệt của bà về con người, đất nước Việt Nam là gì, thưa bà Đại sứ?
Đại sứ Hilde Solbakken: Mỗi quốc gia có một nét đặc thù riêng. Việt Nam là một quốc gia năng động. Con người Việt Nam thân thiện, dễ mến và chăm chỉ. Tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp và văn hóa Việt và rất mong muốn được tiếp tục tìm hiểu thêm về lịch sử cũng như truyền thống của đất nước và con người các bạn. Sau hơn một năm ở Việt Nam tôi đã tới thăm được 28 tỉnh, thành của các bạn và kế hoạch của tôi trong năm 2024 là nâng con số này lên 40.
PV: Nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn, Đại sứ muốn nhắn gửi thông điệp gì tới bạn đọc Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam?
Đại sứ Hilde Solbakken: Nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, tôi chúc độc giả của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như mỗi người dân Việt Nam đón Tết hạnh phúc và đầm ấm. Tôi mong năm Giáp Thìn sẽ đem lại cho tất cả chúng ta sức khỏe và cơ hội để phát triển và đạt được những thành tựu mới. Đây cũng là mong muốn của tôi cho mối quan hệ hợp tác Na Uy và Việt Nam trong năm 2024.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!