Xuân về trên bản mường vùng cao Hòa Bình

Chủ nhật, 11/02/2024 16:18
(ĐCSVN) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Một mùa Xuân mới đang về trên các bản mường vùng cao Hòa Bình. Hòa giữa sắc hoa đào, hoa mận dường như có cả niềm vui, sự phấn khởi của Nhân dân các dân tộc trước sự vươn mình phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương trong thời gian vừa qua… Cùng với đó là niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền các cấp.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 6 dân tộc chính cùng sinh sống, đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3%; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc Dao chiếm 1,7%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%; các dân tộc khác chiếm 1,18%. Với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp và sự chung tay góp sức của Nhân dân, đời sống trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình đã không ngừng được nâng lên.

Năm 2023 vừa qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đã có những bước phát triển rõ nét, đời sống người dân được nâng lên về mọi mặt. Theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, trong năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 32.984,08 tỷ đồng, tăng 0,68% so với năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 18.500 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 69,77 triệu đồng, so với năm 2022 tăng 5,63% (tăng 3,72 triệu đồng/người).

 Phụ nữ Dao ở xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đan váy thổ cẩm. (Ảnh: Hồng Hạnh).

Điểm đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội ở Hòa Bình trong năm qua đó là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nó thực sự trở thành “cú hích” cho sự phát triển vùng nông thôn trong tỉnh. Nhờ tận dụng tối đa nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nâng cao tính chủ động trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình, đến nay, diện mạo thôn, bản vùng dân tộc thiểu số có nhiều đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn tỉnh là 80 xã, bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2023; có thêm 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và thêm 02 sản phẩm OCOP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước Anh.

Song song với đó, trong thời gian qua, ngành du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Hòa Bình. Các điểm du lịch cộng đồng ngày càng được quan tâm, hỗ trợ và phát triển thông qua các đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh.

Thực tế, Hòa Bình là một trong những tỉnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng sớm nhất so với các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngay từ thập niên 90, mô hình du lịch cộng đồng ở bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu) đã được du khách biết đến, đặc biệt là khách quốc tế. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh cũng nắm giữ nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều hang động đẹp cùng các khu bảo tồn thiên nhiên rất đa dạng, phong phú về hệ sinh thái và động, thực vật…

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu du lịch cộng đồng bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. (Ảnh: QĐ). 

Đặc biệt, Hồ Hòa Bình có phong cảnh non nước hữu tình, có tiềm năng gồm 47 hòn đảo lớn nhỏ tạo ra một không gian như Vịnh Hạ Long trên núi tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Hòa Bình phát triển. Địa hình đồi núi đá vôi trùng điệp đã tạo nên nhiều hang động đẹp như: Quần thể hang động Núi đầu Rồng (huyện Cao Phong); Quần thể hang động Chùa Tiên (huyện Lạc Thủy); động Ngòi Hoa, Nam Sơn (huyện Tân Lạc); động Trung Sơn (huyện Lương Sơn)… Đồng thời, Hòa Bình còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú. Nơi đây có nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng văn hóa Hòa Bình - được coi là cái nôi của nền văn hóa Việt - Mường, quê hương của sử thi Đẻ đất, Đẻ nước.

Nhờ lấy văn hóa bản địa làm gốc, du lịch cộng đồng đã phát triển mạnh mẽ ở Hòa Bình và lan tỏa sang các địa phương lân cận, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hòa Bình ngày càng tăng. Điển hình là năm 2023 vừa qua, du lịch Hòa Bình đã đón khoảng trên 3.8 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khách quốc tế 450.000 lượt, so với cùng kỳ năm trước tăng 227,2%, khách nội địa đạt 3,35 triệu lượt, so với cùng kỳ năm trước tăng 12%. Tổng thu từ khách du lịch đạt khảng hơn 4.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,7%.

Chị Lò Thị Thơm, dân tộc Thái ở bản Cha Lang Lác, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Từ khi tham gia phát triển mô hình du lịch cộng đồng, đời sống bà con trong bản đã được cải thiện nhiều. Thu nhập nâng lên, các gia đình có thêm điều kiện lo cho con học hành. Mọi người đều tin tưởng và tự giác thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước”.

Một mùa Xuân mới đang về trên các bản mường vùng cao của tỉnh Hòa Bình. Để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, quy hoạch có tính chiến lược của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, phát triển các lĩnh vực thế mạnh như du lịch, nông nghiệp,… Đồng thời, chủ động, tích cực trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo của Nhân dân, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực