Thu hút và phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn kiều hối trong xây dựng đất nước

Thứ ba, 03/01/2023 15:18
(ĐCSVN) - Năm 2022 khép lại, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam tăng 4,4% so với năm 2021. Làm thế nào để phát huy hiệu quả nguồn kiều hối đầu tư về Việt Nam là một bài toán đặt ra cho đất nước những năm tới?
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. (Ảnh:Hồng Hải)

Kiều hối là sự dịch chuyển của dòng tiền từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. Các loại tài sản được xem là kiều hối gồm: tiền hoặc các loại giấy tờ có giá, có đơn vị ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế. Đối với các nước, nhất là quốc gia đang phát triển, kiều hối mang lại những lợi ích tích cực và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Những năm gần đây, kiều hối đổ về nước ta ngày càng nhiều, mang đến những lợi ích thiết thực: (1) Bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại, nâng cao chất lượng cuộc sống của những người nhận kiều hối từ nước ngoài; (2) Tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, tạo thêm nguồn lực kinh tế cho nước nhà, góp phần làm giảm sự mất cân đối trong cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hối, giảm sức ép tăng tỷ giá của đồng đô la Mỹ; (3) Tăng nguồn vốn đầu tư, kinh doanh thúc đẩy kinh tế, chuyển giao công nghệ, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn từ nước ngoài và lãi suất cao. Hiện nay các quy định luật pháp của ta tạo điều kiện cho kiều bào có thể lựa chọn đầu tư như nhà đầu tư FDI hoặc nhà đầu tư trong nước, cho nên nhiều kiều bào đã lựa chọn hình thức nhà đầu tư trong nước để đầu tư sản xuất kinh doanh, do vậy, kiều hối chính là kênh để bà con chuyển vốn về trong nước làm ăn. Thực tế nghiên cứu kiều dân của các nước đã chứng minh, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp kiều bào thường có hiệu quả hơn các doanh nghiệp FDI, thậm chí hơn cả các doanh nghiệp đa quốc gia; (4) thông qua đầu tư, kinh doanh của kiều bào, góp phần tăng nguồn vốn làm ăn, thúc đẩy kinh tế, ổn định đời sống; (5) giúp cải thiện ngân sách đầu tư cho y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội và nhà ở…

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, bất chấp những khó khăn về kinh tế vĩ mô trên phạm vi toàn cầu, lượng kiều hối đổ về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2022 sẽ tăng 5% so với năm ngoái, lên 626 tỷ USD (năm 2021 tăng khoảng 9%, đạt mức 589 tỷ USD). Kiều hối toàn cầu, bao gồm ở các nước phát triển, dự kiến đạt 794 tỷ USD. 5 quốc gia có dòng kiều hối về nhiều nhất lần lượt là Ấn Độ (hơn 100 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021), Mexico (62 tỷ USD),Trung Quốc, Philippines và Ai Cập. Việc mở cửa trở lại các nền kinh tế khi đại dịch COVID-19 dần lắng dịu đã hỗ trợ người di cư có việc làm và tạo điều kiện cho họ tiếp tục giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Tuy nhiên, giá cả tăng cao cũng đã ảnh hưởng xấu đến thu nhập thực tế của người di cư. Dòng kiều hối năm 2022 ở Mỹ Latinh và Caribe tăng 9,3%, ở Nam Á 3,5% , Trung Đông - Bắc Phi 2,5% và Đông Á và Thái Bình Dương 0,7% . Mức tăng trưởng kiều hối của Trung Đông - Bắc Phi năm 2022 chậm hơn so với năm 2021 và ở mức dự kiến 63 tỷ USD, chủ yếu do thu nhập từ tiền lương thực tế của người di cư tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sụt giảm. Dòng kiều hối chuyển về khu vực châu Phi phía Nam Sahara tăng 5,2% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 16,4% của năm 2021. Kiều hối gửi về Trung Quốc trong năm 2022 giảm gần 4%, xuống còn 51 tỉ đô la Mỹ do người lao động nước này bị hạn chế đi ra nước ngoài trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt các hạn chế biên giới để kiểm soát đại dịch COVID-19. Tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực dịch vụ khách hàng và y tế của các nền kinh tế có thu nhập cao và giá dầu cao hơn vốn đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho các quốc gia vùng Vịnh đã thúc đẩy nhu cầu về lao động trong năm 2022, qua đó làm gia tăng nguồn kiều hối đổ về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của kiều hối như là một “cứu cánh quan trọng” cho các quốc gia để bổ sung vào nguồn ngân sách hạn chế trong nước, góp phần duy trì nền kinh tế và hệ thống bảo trợ xã hội.

Năm 2023, tình hình chiến sự ở Ukraine chưa thể đoán định, giá dầu và tỷ giá biến động mạnh, đà tăng trưởng suy yếu nhanh hơn dự kiến ở những nước có thu nhập cao. WB dự báo năm 2023, lượng kiều hối chuyển về các nước có thu nhập thấp và trung bình chỉ  tăng 2%, lên mức 639 tỉ đô la Mỹ. Đó là tin xấu đối với các nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào kiều hối: Trung Mỹ, Caribe, châu Phi và một số khu vực của Châu Á. El Salvador, Nepal và Lebanon nằm trong số các nước có lượng kiều hối hàng năm chiếm hơn hơn 20% GDP. Lạm phát thực phẩm và nhiên liệu đang khiến chi phí sinh hoạt của người nhập cư ở các nước giàu trở nên nhiều hơn. Điều này sẽ hạn chế khả năng gửi tiền về quê nhà của họ.

Ở nước ta, kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích kiều bào, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về trong nước, qua hai kênh, chính thức và phi chính thức. Lượng kiều hối chuyển qua kênh phi chính thức gần bằng lượng kiều hối chuyển qua kênh chính thức. Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hằng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Úc, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm 2022, nguồn kiều hối đến từ các nước Mỹ, Anh, Úc, Canada có chiều hướng giảm so với các năm trước.

WB và KNOMAD đưa ra dự báo, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm vừa qua, cùng với sự ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước. Tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2022 tăng trưởng 4,4% so với năm 2021 và từ 3,6 - 4,5% trong năm 2023. Có thể thấy đây là một nguồn thu ngoại tệ, nhằm đảm bảo cung - cầu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc phát huy chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá, một tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính cho Việt Nam để bù đắp, giảm thiểu sự ảnh hưởng của của suy thoái kinh tế đất nước. 

Tại Việt Nam, nếu so với nguồn thu từ xuất khẩu thì kiều hối là khá nhỏ; tuy nhiên, nếu so với xuất khẩu ròng thì nguồn thu kiều hối lại lớn hơn rất nhiều lần, thậm chí nguồn thu kiều hối hiện đã tương đương và gần đây cao hơn so với nguồn vốn giải ngân FDI: Tổng kiều hối từ năm 1993 (năm đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 29-11-1993, về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài), đến nay đạt hơn 200 tỷ USD so với khoảng 190 tỷ USD FDI được giải ngân từ năm 1986 đến nay. Trong giai đoạn hơn 10 năm (2011 - 2022), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 7%/năm. Có thể thấy, kết quả đóng góp vào nền kinh tế những năm qua, phản ánh được vai trò rất quan trọng của kiều hối cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. Thời gian gần đây, việc mở rộng dịch vụ chuyển tiền 24/7 tại một số quốc gia cũng góp phần vào tăng trưởng kiều hối chi trả qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, chi phí cao hơn so với các dịch vụ chuyển tiền khác cũng tạo rào cản để dòng kiều hối về nước kém minh bạch và đầy đủ hơn. Theo KNOMAD, hiện nay chi phí gửi đô la qua biên giới quốc tế tiếp tục duy trì ở mức quá cao, trung bình là 6% số tiền được chuyển - con số này cao hơn gấp đôi so với mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 đưa ra là 3%. Đặc biệt, dữ liệu ghi nhận chi phí có xu hướng cao hơn khi gửi tiền qua ngân hàng nếu so với các kênh chuyển tiền kỹ thuật số hoặc dịch vụ chuyển tiền mặt. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí tuân thủ các quy định về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố tiếp tục hạn chế khả năng tiếp cận của các nhà cung cấp dịch vụ mới đối với các ngân hàng đại lý. Các quy định này cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dịch vụ chuyển tiền kỹ thuật số của người nhập cư.

Hiện nay, lượng người Việt sang lao động và học tập tại nước ngoài có số lượng tương đối đông đã tạo nhu cầu khá lớn cho hoạt động gửi tiền về Việt Nam với các mục đích khác nhau, như: Trả nợ vay ngân hàng; hỗ trợ cuộc sống người thân, đầu tư bất động sản, các hoạt động kinh doanh…Bên cạnh đó, khảo sát trong cộng đồng kiều bào của đại diện các Hội doanh nhân người Việt Nam tại các nước, “Thế hệ thứ 2” người Việt Nam ở nước ngoài đang có nhu cầu rất lớn được trở về Việt Nam đầu tư, đặc biệt là nhu cầu trợ giúp pháp lý xin giấy phép đầu tư, chuyển nguồn tiền, giao thương… Với khoảng hơn 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, số liệu thống kê ghi nhận kiều hối chuyển về nhiều nhất là ở khu vực Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), Châu Á, Châu Úc và Châu Âu. Thị trường Mỹ - nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc - chiếm tới 50% tổng lượng kiều hối về Việt Nam, góp phần lớn trong việc giữ Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận tiền kiều hối lớn nhất thế giới những năm qua. Tuy nhiên, tại khu vực Châu Âu và Châu Úc vẫn còn hạn chế nhất định trong triển khai các chính sách của các quốc gia về hoạt động kiều hối nên dòng tiền kiều hối từ khu vực này về Việt Nam mặc dù có tiềm năng lớn nhưng chưa có sự tăng trưởng vượt bậc trong các năm vừa qua. Ngoài ra, hiện nay, dịch vụ chi trả kiều hối tại các tỉnh nhỏ và vùng nông thôn vẫn còn hạn chế làm giảm tổng lượng kiều hối chuyển về nước.

Vấn đề đang phổ biến hiện nay, lượng kiều hối về Việt Nam chủ yếu đổ vào lĩnh vực đầu tư bất động sản (chiếm 22-25%) và số còn lại là hỗ trợ người thân và vào các lĩnh vực khác. Ngoài giao dịch trực tiếp, đa phần kiều bào nhờ người thân mua nhà đất hoặc đầu tư tại các dự án bất động sản với hình thức đầu tư chủ yếu là “lướt sóng”. Có thể thấy, vẫn còn những “lo ngại” của kiều bào về sự an toàn khi đầu tư trong nước.

Thu hút và phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn kiều hối trong xây dựng đất nước. 
(Ảnh minh họa. Nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn) 

Năm 2023, bối cảnh quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm 2022 và sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 (8,02%). Đây là mục tiêu đầy thách thức. Làm sao để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, tạo ra được nhiều giá trị gia tăng, trở thành “lực đẩy” quan trọng đóng góp vào kinh tế Việt Nam, cần thực hiện tốt các giải pháp sau.

Một là, Chính phủ cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho kiều bào; tạo ra những đột phá về chính sách đối với kiều bào và kiều hối. Theo đó, Luật đất đai sửa đổi nên cởi mở để Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn, tạo điều kiện để kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương.

Hai là, cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực, đặc biệt là hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư, nới lỏng các quy định, điều khoản đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư ở tất cả các cấp, nhất là khâu thực thi ở các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước. Bên cạnh đó, cần xóa bỏ những rào cản “vô hình” đối với các lĩnh vực đầu tư mới như năng lượng, y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao.

Ba là, các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối (Trung Quốc, Ấn độ, Philippines…) để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối, như: quỹ kiều hối bất động sản; quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa… để hỗ trợ khởi nghiệp.

Bốn là, phát huy hiệu quả vai trò các bộ, ban, ngành trung ương trong “nắn dòng” kiều hối đầu tư về Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu, xác định những lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên cần xây dựng danh mục các công việc người Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp cho đất nước và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, để kiều bào biết và đóng góp, đồng thời mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mới, đem lại giá trị gia tăng cao cho xã hội. 

Năm là, các tổ chức tài chính Việt Nam tăng cường các hoạt động thỏa thuận ký kết về dịch vụ tài chính, đa dạng hình thức chuyển tiền tại các thị trường tiềm năng lớn, trong đó có Châu Âu, Châu Úc để “kéo” nguồn kiều hối tiếp tục về đầu tư trong nước. Kết hợp việc mở rộng kênh dịch vụ đồng đều khắp cả nước tạo điều kiện để kiều bào, người lao động thuận lợi chuyển kiều hối về Việt Nam.

Sáu là, phát huy vai trò là cầu nối của Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước để phổ biến đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách về thu hút đầu tư cho kiều bào; những tiềm năng, lợi ích kinh tế trong hoạt động đầu tư trong nước để kiều bào tiếp tục mạnh dạn về hợp tác, đầu tư, nghiên cứu trong nước. Trên cơ sở mạng lưới trí thức kiều bào trên thế giới, thúc đẩy xây dựng hình thành các hiệp hội chuyên ngành, mở rộng hợp tác trong cộng đồng kiều bào các tổ chức, hiệp hội kinh doanh và khoa học trong nước theo tinh thần “ích nước lợi nhà”. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng các câu lạc bộ trí thức, doanh nhân kiều bào để huy động trí tuệ tập thể vào tham mưu cho Chính phủ Việt Nam xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi và thu hút những chuyên gia, trí thức Việt kiều có trình độ chuyên môn cao về hợp tác, kinh doanh, nghiên cứu cống hiến cho đất nước. Mỗi kiều bào nên xác định là đầu mối để phối hợp các bộ, ngành, đơn vị trong nước để tiếp cận trong thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn nước ngoài lớn và xây dựng những mạng lưới, kết nối về xuất nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Thành lập “Quỹ đầu tư kiều bào” để hỗ trợ các nhà đầu tư người Việt tại nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh. 

Bảy là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; cần xây dựng khuôn khổ pháp lý khoa học, rộng mở, hiệu quả nhằm bảo hộ phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước làm việc, thu hút nguồn kiều hối từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài đầu tư kinh doanh ổn định, lâu dài theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, phục vụ hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tám là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác thông tin, tuyên truyền đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, bảo đảm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách đối ngoại, chính sách thu hút đầu tư được người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận nhanh nhất, kịp thời và chính xác nhất. Từ đó để họ hiểu sâu và an tâm khi về nước đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, để phát huy hiệu quả nguồn kiều hối trong phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức kinh tế - tài chính, các hiệp hội doanh nghiệp, địa phương cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp. Có như vậy mới kỳ vọng nguồn kiều hối được đưa về Việt Nam đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất trong bối cảnh quốc gia đang cần nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế, góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước trong những năm tới./.                                                                                                                                           

 

 Peter Hồng
Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực
kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

                                                                                                                                                              

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực