(ĐCSVN) - Theo đơn kêu cứu của người thân, 12 lao động thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng (Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) sau khi được đưa sang làm việc ở Liên Bang Nga đang lâm vào tình cảnh hết sức bi đát. Những lao động này đã bị chủ sử dụng lao động tịch thu hộ chiếu. 4 tháng nay, họ không được trả lương, bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Làm việc quần quật liên tục 14h/ngày, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt âm 30-40 độ C. Cuộc sống thiếu thốn, ăn đói, uống khát. Tinh thần hoang mang, hoảng sợ. Vụ việc có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động.
Tiếp xúc với chúng tôi, người thân của các lao động cho biết, cuối năm 2011, 12 phụ nữ, thanh niên trong thôn được bà Trần Thị Miền (quê quán xã Tân Hưng, Tiên Lữ) môi giới đi XKLĐ với ông Nguyễn Văn Dũng, đang tìm người đi làm may và giày da ở Liên Bang Nga với mức lương 400 USD/tháng, bao ăn ở. Thời gian đầu học việc được hưởng mức lương 250 USD/tháng. Mọi thủ tục xuất cảnh Miền và Dũng sẽ lo... Thông tin này hấp dẫn các lao động nghèo. Nhưng khi đến nơi làm việc, họ mới biết bị lừa.
Người thân của 12 lao động cho biết, qua những lần lén lút liên lạc với người nhà tại Việt Nam, những người lao động kể đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng khổ cực. Ngay khi xuống sân bay, 12 lao động đã bị tịch thu ngay hộ chiếu và bị tách ra làm việc ở các tổ khác nhau. Đã 4 tháng từ khi sang làm việc, họ bị bóc lột sức lao động trong điều kiện làm việc hà khắc, cực nhọc. Cuộc sống thiếu thốn, ăn uống đói khát. Tinh thần hoang mang, hoảng sợ, tính mạng bị đe dọa. Cụ thể, các lao động bị ép làm việc quần quật từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm mỗi ngày suốt 4 tháng qua trong điều kiện thời tiết rét âm 30-400C. Khi bị bệnh, dù đau bụng, đau răng, sốt, ho… cũng chỉ được cho uống cùng một loại thuốc giống nhau. Bữa ăn chỉ có cơm và khoai tây. Nếu ăn thêm phải trả tiền. Ốm đau không được nghỉ, không được khám chữa, thậm chí không được ăn uống. 4 tháng liên tục, họ làm việc không có ngày nghỉ, chủ nhật. Gia đình của 12 lao động còn cho biết, 4 tháng qua, người lao không nhận được bất kì đồng lương nào, trừ ít tiền tiêu vặt. Xưởng may nằm cách xa hẳn khu dân cư, tất cả số lao động tại xưởng không có cơ hội và không được tiếp xúc với bất cứ người lạ nào, cùng không có người phiên dịch để kêu cứu...
Theo hợp đồng tuyển dụng lao động do Nguyễn Thị Miền đưa cho 12 lao động ký, họ sẽ làm việc tại Công ty Hoa - Việt, thuộc thành phố EKATEBUBYPT - Liên bang nga. Người lao động được bảo đảm nơi ăn, chốn ở, sinh hoạt, trả lương đúng hạn. Lương khởi điểm là 250 USD/người/tháng, từ tháng thứ 4 làm đủ quy định mức sản phẩm của công ty được trả từ 400-500 USD/người/tháng. Nếu làm thêm giờ, công ty trả một khoản tiền nhất định. Công nhân được nghỉ chủ nhật, ốm đau được chạy chữa. Thời gian làm việc 12 giờ/ngày. Cũng theo bản hợp đồng này, Nguyễn Văn Dũng, quốc tịch Việt Nam đại diện cho Công ty Hoa - Việt ủy quyền cho Trần Thị Miền là thím ruột của Dũng, đứng lên tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng với người lao động, toàn bộ hợp đồng đã bị Miền thu lại. Các bản hợp đồng này đều không có dấu của công ty Hoa-Việt.
Trao đổi với phóng viên, anh Trần Văn Mí, chồng của Trần Thị Oánh, một trong số 12 lao động, kêu cứu: "Tôi rất lo lắng khi vợ phải lén lút điện thoại về kêu cứu, mọi người đi bằng hộ chiếu du lịch có thời hạn 3 tháng và đã bị tịch thu. ốm không được nghỉ, không được khám chữa bệnh. Ai tự ý nghỉ bị phạt 800 rúp.” Anh Trần Văn Pháp, có con đi cùng số lao động nói trên, lo lắng: “Mỗi lần cháu điện về đều khóc kể, họ bắt làm việc 14 giờ/ngày. Ăn uống đói khát, ở chật như trong tù. Nếu không về sớm thì chết mất. Cũng như nhà tôi, hiện nay các gia đình khác đều hết sức lo lắng. Việc để cho vợ, con đi xuất khẩu lao động là do chúng tôi tin tưởng bà Miền, vốn là người cùng quê. Trong số 12 lao động nói trên có cả cháu họ của Miền.”
Thấy người thân liên tục cầu cứu và có dấu hiệu lừa đảo, những gia đình của 12 lao động đã yêu cầu bà Trần Thị Miền, người được "ủy quyền" tuyển dụng lao động như trong hợp đồng, làm sáng tỏ việc đưa người sang làm việc không đúng theo cam kết. Bà Miền lúc đầu còn quanh co, sau đã trắng trợn trả lời: “Tôi không giải quyết được việc ở công ty và không có trách nhiệm gì". Thậm chí còn hăm dọa: "Nếu đưa ra pháp luật mọi người đều sai, việc đi lao động như vậy cũng sai". Khi các gia đình yêu cầu đưa người về, bà Miền thẳng thừng trả lời: “Tôi cho đi đâu mà cho về, tôi làm gì có tiền để đưa người đi du lịch rồi lại đưa về.”.
Giờ đây, gia đình của 12 lao động nói trên đang hết sức lo lắng và cầu cứu khắp nơi để đưa được người thân trở về nhà. Được biết, đi sang Nga cùng đợt với 12 lao động ở Tân Hưng còn có hàng chục lao động tại Bắc Giang, Hà Nam. Hiện tại, người thân của 12 lao động đã gửi đơn tố cáo Trần Thị Miền, Nguyễn Văn Dũng đến qua quan công an, cũng như gửi đơn đến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam nhờ giúp đỡ.