|
Ảnh minh họa (Nguồn: báo Hưng Yên) |
Xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) gần như nằm trọn ngoài đê sông Hồng. Bảo vệ cho trên 8.200 người dân và trên 200 ha đất canh tác ngoài bãi của xã là hệ thống bối gần 4 km. Bởi vậy, công tác phòng chống lụt bão ở xã Quảng Châu luôn được chính quyền, nhân dân toàn xã đặc biệt quan tâm.
Để bảo đảm "chỉ huy tại chỗ", xã đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão với 24 thành viên là các cán bộ chủ chốt của xã, cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi, quân sự, đoàn thanh niên… đồng thời phân công các cụm theo địa bàn để bám sát tình hình. Ban chỉ huy của xã thường trực tại hội trường, 3 cụm trực tại các điểm dân cư, phân công vị trí chịu trách nhiệm cụ thể. Xã cũng thành lập tổ canh đê gác nước với 12 thành viên và lực lượng tiền phương, hậu phương, lực lượng xung kích ứng cứu hộ đê trên 200 người gồm những thanh niên, trai tráng khỏe mạnh, thường trực tại địa phương. Từ đó, các cụm, tổ chủ động phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, sẵn sàng huy động lực lượng, bảo đảm yêu cầu "nhân lực tại chỗ".
Trong tháng 5, xã Quảng Châu đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão úng, đưa ra các phương án hiệu quả cho việc bảo vệ đê bối, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Ông Dương Văn Sính, Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng ban Phòng chống lụt bão xã cho biết: “Ngay từ đầu năm chúng tôi đã tiến hành đánh giá hiện trạng đường bối, các cống trên địa bàn xã. Bối của xã vừa làm nhiệm vụ bảo vệ dân cư, vừa bảo vệ diện tích hoa màu, cây ăn quả trồng trên đồng bãi nên đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là 3 cống tiêu thoát địa bàn chúng tôi cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bảo đảm cống hoạt động tốt khi cần”. Hầu hết hệ thống bối của xã đã được các cấp đầu tư kiên cố hóa, một số đoạn nhỏ là bờ đất song cũng được tôn cao, giữ nước ở dưới báo động 3.
Ngoài những vật tư phương tiện phòng chống lụt bão được thành phố cấp phát hàng năm, xã Quảng Châu chủ động chuẩn bị vật tư dự trữ tại chỗ, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng. Trong đó, xã hợp đồng với các hộ dân trong khu vực các loại vật tư như tre, cát, đất, đá, phên nứa… có thể huy động được ngay khi cần sử dụng. Với đặc thù của địa phương ngoài đê, chính quyền xã đề nghị mỗi hộ dân chủ động chuẩn bị một chiếc thuyền nhỏ, bao tải và đất dự trữ để đề phòng tình huống xấu xảy ra. Phương án di dời cũng được xã lên kế hoạch, xã có khu trường tiểu học nằm trong đê nên có điểm di dời khi cần thiết với sức chứa khoảng 1.500 người. Trong đó, chuẩn bị tốt các phương tiện phục vụ di dời như xe cơ giới, xuồng máy… nhằm bảo vệ tốt cho tính mạng, tài sản của nhân dân.
Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, do ảnh hưởng của đợt xả lũ từ các hồ thuỷ điện và mưa lớn, mực nước sông Hồng lên cao đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống bối của xã. Ngày 2 và 3.8, khi một đoạn bối của xã Hoàng Hanh (Tiên Lữ) bị vỡ đã khiến nước trên đoạn kênh dẫn giữa 2 xã Hoàng Hanh và Quảng Châu dâng lên, chảy xiết làm xói lở cục bộ và gây sạt ở đoạn bối dài 20m của xã Quảng Châu. Xã đã phát hiện kịp thời sự cố sạt lở và khẩn cấp huy động nhân lực, vật tư, phương tiện tại chỗ để xử lý nhanh sự cố. Toàn xã huy động 50- 70 người tập trung đào đắp trong 2 ngày đã xử lý sự cố sạt lở an toàn, không để xảy ra vỡ bối, không gây thiệt hại cho người dân. Cũng chính từ sự cố sạt lở trên cho thấy hiệu quả của công tác chuẩn bị vật tư, nhân lực, sẵn sàng xử lý sự cố theo đúng phương châm tại chỗ và chủ động.
Tại đoạn bối được xử lý, hàng nghìn bao tải đất đã giúp gia cố lại đoạn bối sạt lở, tuy nhiên đây là một đoạn bối xung yếu cần địa phương hết sức lưu tâm. Nhất là khi khu vực này có đường máng bê-tông xây nổi nối giữa xã Hoàng Hanh và xã Quảng Châu do sạt lở đã bị sập, gây cản trở dòng chảy. Như chúng tôi nhận thấy, đoạn kênh dẫn nước khu vực bối còn có khá nhiều sen bèo, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến dòng chảy bị dồn ứ, khi nước chảy mạnh và nhiều bị dừng lại đột ngột dẫn tới xói lở bối. Đoạn bối này cần được ngành chức năng và các địa phương thực sự lưu tâm, giải toả thông thoáng trước mùa mưa bão. Theo báo cáo của xã Quảng Châu, hệ thống bối ngoài của xã có thể giữ được khi mực nước sông Hồng ở báo động số 2 và bối trong có thể giữ được khi báo động số 3.
Hàng chục năm nay, nhờ những nỗ lực trong công tác phòng chống lụt bão mà xã Quảng Châu không xảy ra sự cố lớn ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của nhân dân. Song trước những diễn biến bất thường của thời tiết, chính quyền và nhân dân xã Quảng Châu phải luôn cảnh giác, không chủ quan, tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện hợp lý để ứng phó tốt với thiên tai.