Ân Thi (Hưng Yên): Hứa hẹn vụ lúa xuân thắng lợi

Thứ tư, 13/06/2012 15:08

 

Chăm sóc lúa. Ảnh: báo Hưng Yên

Vụ xuân năm nay, huyện Ân Thi (Hưng Yên) gieo cấy 7.967 ha lúa, trong đó lúa gieo thẳng đạt 3.900 ha (chiếm gần 50% tổng diện tích). Diện tích tuy giảm so với vụ xuân năm 2011 (40 ha) nhưng diện tích lúa lai tăng hơn 924 ha. Thời điểm này, các trà lúa đang trỗ bông, vào mẩy.

Cùng chung tay với nông dân để giành vụ lúa xuân thắng lợi, các ngành phục vụ sản xuất tăng cường cán bộ kỹ thuật về các thôn, xã kiểm tra sản xuất, hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Có mặt trên cánh đồng nổi bật một màu xanh xen vàng non của những trà lúa xuân đang trỗ của thôn Lưu Xá, xã Hồ Tùng Mậu, chúng tôi thấy bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Chị Nguyễn Thị Vân đang phun thuốc phòng trừ rầy nâu cho 2 sào lúa SYN6 cho biết: Năm nay, gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu lúa, chủ yếu là giống lúa lai có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. So với vụ xuân trước, vụ này lúa trỗ bông sớm hơn từ 5 – 7 ngày. Trong quá trình sản xuất, tôi áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật đã được tập huấn vào khâu gieo mạ, làm đất, bón phân, cấy đúng thời vụ, cấy cùng trà, cùng cánh đồng.

Vụ xuân năm nay, xã Hồ Tùng Mậu gieo cấy trên 420 ha. Rút kinh nghiệm từ các vụ trước, trong vụ này xã đưa 70% diện tích gieo thẳng. Việc áp dụng biện pháp gieo thẳng vừa tiết kiệm giống, công lao động vừa hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đối với sản xuất và đạt năng suất cao. Các thôn có diện tích gieo thẳng nhiều là Lưu Xá và Gạo Nam. Trong vụ này, ngoài việc duy trì trên 60% diện tích cấy lúa chất lượng cao, xã Hồ Tùng Mậu còn đưa 30 ha sản xuất lúa giống theo các dự án của Trung tâm khuyến nông tỉnh và Viện sinh học nông nghiệp (Trường đại học nông nghiệp Hà Nội) nhằm từng bước chủ động nguồn giống tại chỗ. Hiện nay, xã đang chỉ đạo nông dân bám sát đồng ruộng theo dõi sát sự phát triển của lúa đồng thời chủ động phòng chống mưa úng nhằm bảo vệ 100% diện lúa đến khi thu hoạch.

Cũng như xã Hồ Tùng Mậu, vụ này, các địa phương trong huyện đã tích cực chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao với trên 65% diện tích. Do được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất nên lúa xuân phát triển tốt. Cùng với đó, diện tích gieo cấy lúa lai của huyện không ngừng được mở rộng. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện còn hỗ trợ nông dân 15.000 đồng/kg giống lúa lai. Toàn huyện gieo cấy được 1.546 ha lúa lai (chiếm 19,6% diện tích), gồm các giống SYN 6, Thục Hưng 6, Bio 404, GS 9, HYT 100… Đây là những giống lúa đã được gieo cấy ở những vụ trước cho năng suất cao từ 67-70 tạ/ha. Ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để vụ lúa xuân thắng lợi, đạt năng suất cao, ngay từ đầu vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên họp bàn, tìm biện pháp khắc phục khó khăn về thời tiết, nước đổ ải, chỉ đạo các xã, thị trấn phấn đấu gieo cấy 100% diện tích trà xuân muộn và gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Trong quá trình triển khai sản xuất vụ xuân, UBND huyện đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo sản xuất như: tập trung cày ải, bơm, trữ nước tưới đổ ải, công tác diệt chuột, chăm sóc lúa xuân. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên tham mưu kịp thời và đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong sản xuất. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị liên quan chủ động tu sửa, nạo vét các công trình thủy lợi, kênh mương; có kế hoạch tích nước ở các ao, đầm, điều tiết nước tưới luân phiên ở những nơi chủ động nguồn nước tưới. Do đó, vụ xuân này huyện bảo đảm đủ nước để gieo cấy và nguồn nước dưỡng. Huyện chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ giống, phân bón cho bà con nông dân. Toàn huyện đã tổ chức được hơn 50 lớp tập huấn cho hơn 4.000 nông dân về kỹ thuật ngâm ủ, gieo cấy giống lúa lai; kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Những cơn mưa rào vừa qua tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa phát triển tốt, tuy nhiên, cùng với đó sâu bệnh cũng phát triển nhanh, đặc biệt là bọ rầy, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn xuất hiện trên diện tích lúa cấy sớm. Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật cơ sở; các HTX làm dịch vụ cung ứng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm đúng chủng loại, chất lượng cho nông dân. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật “nằm vùng” ở các địa phương để hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp kỹ thuật đánh bắt, diệt chuột và theo dõi, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa. Cùng với khâu chăm bón, huyện chỉ đạo Xí nghiệp KTCTTL huyện và các HTX dịch vụ nông nghiệp tưới tiêu khoa học theo từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của lúa. Các xã, thị trấn, HTX dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn người dân điều tiết nguồn nước, bảo đảm duy trì mực nước từ 2-3 cm, hướng dẫn nông dân bón nuôi đòng đầy đủ trước khi lúa trỗ từ 20 - 25 ngày. Khi lúa bắt đầu trỗ bông tiếp tục đưa đủ nước để lúa trỗ nhanh vào đúng thời điểm thích hợp, đồng thời, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện, phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng và các loại sâu bệnh. Thời điểm này, lúa trên các cánh đồng đang trỗ bông, làm hạt, nhiều diện tích bắt đầu xuôi quả. Nhìn những đồng lúa xanh tốt, bông lúa to đều, hạt chắc mẩy hứa hẹn cho năng suất cao, cán bộ nông nghiệp và bà con nông dân đều phấn khởi. Theo đánh giá, nếu thời tiết diễn biến thuận lợi và làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh cuối vụ, vụ này, huyện sẽ tiếp tục được mùa.

Có thể nói, vụ này Ân Thi đã làm tốt việc gieo cấy và chuyển dịch cơ cấu giống hợp lý, từng bước hình thành những cánh đồng lúa hàng hoá chất lượng cao. Dù gặp những bất lợi do thời tiết đầu vụ song với sự vào cuộc, chỉ đạo chặt chẽ của huyện, của các ngành phục vụ sản xuất cùng cố gắng, công sức của người dân, Ân Thi đang hứa hẹn một vụ lúa xuân thắng lợi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực