Theo thống kê sơ bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hưng Yên, hiện nay toàn tỉnh có trên 240 bếp ăn tập thể, nhà hàng dịch vụ ăn uống, cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, trong đó tuyến tỉnh quản lý khoảng 80 cơ sở.
|
Đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra tình hình bảo đảm ATVSTP tại nhà hàng Thái Tử Gà. Ảnh: báo Hưng Yên |
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể làm 35 người phải đi cấp cứu do ăn phải cà muối nhiễm khuẩn của bà Tạ Thị Muội ở xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ). Mùa hè là thời điểm dễ xảy ra nguy cơ mất ATVSTP dẫn đến ngộ độc thực phẩm tập thể rất cao nên Chi cục ATVSTP đã phối hợp với Sở Công Thương, các Trung tâm y tế, phòng Giáo dục & Đào tạo các huyện, các công ty, doanh nghiệp tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận về kiến thức ATVSTP cho gần 2500 người. Đặc biệt, trong tháng “Hành động vì chất lượng, ATVSTP” năm nay, Chi cục ATVSTP đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành, mở đợt cao điểm kiểm tra, giám sát chất lượng ATVSTP đối với 68 bếp ăn tập thể, nhà hàng dịch vụ ăn uống, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Kết quả đợt kiểm tra chỉ có 13/68 cơ sở bảo đảm điều kiện ATVSTP, còn lại 55 cơ sở vi phạm. Trong đó, có 50 cơ sở vi phạm nhưng không xử lý (chỉ nhắc nhở), 5 cơ sở vi phạm bị xử lý, 4 cơ sở bị tạm dừng hoạt động, 1 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm và 2 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP. Qua đợt kiểm tra, đoàn ghi nhận phần lớn các cơ sở bếp ăn tập thể có quy mô trên 200 suất/ ngày đều có ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP như: tổ chức khám sức khỏe và tập huấn kiến thức ATVSTP định kỳ cho người trực tiếp chế biến; có hợp đồng, cam kết mua nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; thực hiện việc lưu nghiệm thức ăn theo quy định; trang thiết bị dụng cụ khá đầy đủ, khu vực bếp ăn được vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó nhiều cơ sở vẫn còn tồn tại các vi phạm như: trang thiết bị dụng cụ còn thiếu; nhiều cơ sở (66,67% cơ sở được kiểm tra) không có hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị y tế để cấp cứu kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra; không có hợp đồng mua nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; không có sổ ghi chép việc lưu mẫu thức ăn; không có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP… Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: "Để làm tốt công tác bảo đảm ATVSTP, với chức năng được giao, Chi cục ATVSTP tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, mở các lớp tập huấn kiến thức về ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cho đội ngũ nhân viên trong các bếp ăn tập thể... Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp trong việc bảo đảm ATVSTP. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra về ATVSTP được duy trì thường xuyên ở các tuyến tỉnh, huyện, xã đã kịp thời giám sát, phát hiện và xử lý các vi phạm về quy định ATVSTP ".
Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành, chúng tôi đã có mặt tại công ty TNHH Minh Hiếu đóng trên khu công nghiệp Tân Quang (Văn Lâm). Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi với hàng trăm lao động thường xuyên. Để bảo đảm bữa ăn cho đội ngũ công nhân lao động trực tiếp sản xuất, công ty có 3 nhân viên làm việc trong bộ phận nhà bếp. Hàng ngày bếp ăn phục vụ cho công nhân 2 bữa ăn chính là bữa trưa và bữa tối với gần 300 suất, mỗi suất là 14.000 đồng. Nói về công tác bảo đảm ATVSTP trong bếp ăn tập thể của công ty, cô Đoàn Thị Tứ, bếp trưởng bếp ăn cho biết: "Nhận thức rõ nguy cơ mất ATVSTP trong mỗi bữa ăn là nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm nên chúng tôi luôn cố gắng thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện ATVSTP đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống do Bộ Y tế ban hành. Để bảo đảm dinh dưỡng và ATVSTP cho từng suất ăn, hàng ngày chúng tôi phải xây dựng thực đơn bữa ăn đa dạng, phong phú, chế biến thức ăn bằng nguồn nguyên liệu được nhập của những cơ sở có uy tín và đặc biệt là phải thường xuyên vệ sinh khu vực chế biến, khu vực ăn uống của công nhân".
Ghi nhận ở công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vũ Gia, Nhà hàng Thái tử gà đóng trên địa bàn xã Nhân Hòa (Mỹ Hào). Nhà hàng có 10 nhân viên phục vụ, trong đó có 3 nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra kết luận cơ sở chưa cung cấp được các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc bảo đảm ATVSTP; khu vực giết mổ, nuôi nhốt gia cầm chưa ngăn cách với khu vực chế biến thực phẩm; khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm ẩm thấp, ứ đọng nước, chưa được vệ sinh thường xuyên; dụng cụ phục vụ ăn uống, chế biến thực phẩm chưa được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng; chưa có khu vực để nguyên liệu, phụ gia thực phẩm riêng biệt... Bà Vũ Mai Lan, Giám đốc công ty cho biết: "Mặc dù là nhà hàng chuyên phục vụ ăn uống nhưng do diện tích có hạn cũng như nhận thức của nhân viên chưa cao nên công tác bảo đảm ATVSTP còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên thời gian tới nhà hàng sẽ cố gắng khắc phục những tồn tại để nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm bữa ăn ngon miệng, hợp vệ sinh cho khách hàng.".
Vì vậy để nâng cao chất lượng ATVSTP, các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống cần nghiêm túc thực hiện Luật ATTP. Đối với người tiêu dùng thực phẩm phải kiên quyết không sử dụng các thực phẩm nghi ngờ và khi phát hiện nguy cơ mất ATTP cần kịp thời cung cấp thông tin cho chủ bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, chính quyền sở tại và các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết.