Bảo đảm nhu cầu điện cho phát triển công nghiệp ở Hưng Yên

Thứ sáu, 14/09/2012 16:47

Những năm qua với chính sách trải “thảm đỏ” thu hút đầu tư, tỉnh Hưng Yên đã thu hút được gần 990 dự án đầu tư, đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp cùng nhiều cụm công nghiệp. Để đáp ứng tốt nhu cầu điện gia tăng ngày càng nhanh, Công ty Điện lực Hưng Yên đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng, dịch vụ.

 

 Lưới điện ở Hưng Yên. Ảnh: báo Hưng Yên


Theo Công ty Điện lực Hưng Yên, hệ thống điện do công ty đang quản lý gồm: 8 trạm biến áp 110 kV với công suất 598 MWA; 67 đường dây trung áp, trong đó có 45 đường dây cấp điện chủ yếu cho các phụ tải thuộc các khu công nghiệp, các đường dây được thiết kế có khả năng phân đoạn, khép vòng, dự phòng nóng bảo đảm cung cấp điện độ ổn định. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, tăng trưởng phụ tải trên địa bàn tỉnh đặc biệt tại các khu công nghiệp, ngay từ khi các khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch, ngành điện tỉnh đã chủ động, thống nhất với các chủ đầu tư hạ tầng để có kế hoạch cung cấp điện nhanh và hiệu quả nhất. Những năm qua, ngành điện tỉnh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng thiết lập hệ thống cung cấp điện cho các KCN mới hình thành. Năm 2012 Công ty Điện lực Hưng Yên tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ các trạm biến áp (TBA) 110 kV, các đường dây trung áp cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện. Trong đó có nhiều công trình quan trọng như hoàn thành việc đóng điện, đưa vào vận hành TBA 110 kV Yên Mỹ  công suất 63MVA,  máy biến áp (MBA) T3 trạm 110 kV Lạc Đạo công suất 63 MVA; xây dựng mới 5 đường dây 22 kV và 2 đường dây 35 kV sau TBA 110 kV Yên Mỹ cấp điện cho khu công nghiệp Minh Đức và cụm công nghiệp Yên Mỹ; xây dựng mới 1 đường dây 22kV sau TBA 110kV Lạc Đạo cấp điện cho khu công nghiệp Phố Nối A. Công ty còn triển khai lắp đặt MBA T3 công suất 63MVA trạm 110kV Giai Phạm để cấp điện cho khu công nghiệp Phố Nối A, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong tháng 10.2012; Lắp đặt MBA T2 công suất 63MVA trạm 110 kV Kim Động cấp điện cho khu công nghiệp Lương Bằng (Kim Động) và các doanh nghiệp dọc quốc lộ 39A, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 11.2012; Xây dựng xuất tuyến 22kV sau TBA 220kV Phố Nối để cấp điện cho khu công nghiệp Phố Nối B, dự kiến hoàn thành trong năm 2012; Xây dựng đường dây và TBA  63MVA trạm 110kV Văn Giang cấp điện cho khu công nghiệp Tân Quang và khu đô thị Ecopark, dự kiến hoàn thành trong năm 2013; Lắp đặt mở rộng TBA 110 kV Thăng Long II (MBA-63MVA) để cấp điện cho khu công nghiệp Thăng Long II, dự kiến đưa vào vận hành tháng 11.2012. Đồng thời công ty đầu tư 23,8 tỷ đồng thực hiện các dự án sửa chữa, nâng cấp khả năng truyền tải các đường dây trung áp cấp điện cho các khu vực công nhiệp theo đúng tiến độ để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đáp ứng nhu cầu dùng điện cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay trong tình hình nguồn điện ổn định, Công ty Điện lực Hưng Yên đã cung ứng điện phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, không xảy ra trường hợp sa thải phụ tải do thiếu nguồn điện, quá tải lưới điện. Đến hết tháng 8.2012, sản lượng điện thương phẩm của công ty  cung cấp cho thành phần phụ tải công nghiệp là 627,6 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 63,6% tổng sản lượng điện của công ty,  tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong công tác cung ứng điện và dịch vụ khách hàng, công ty luôn chú trọng, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước và ngành điện về cung ứng và sử dụng điện; áp dụng cơ chế một cửa trong giao tiếp khách hàng, tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của khách hàng, thực hiện các thủ tục cấp điện đơn giản, thuận tiện, hỗ trợ khách hàng sớm đưa các dự án, công trình điện vào khai thác sử dụng.

Khi thực hiện ngừng và giảm mức cung cấp điện, công ty đã xây dựng phương án cung ứng điện tới các phụ tải trên địa bàn tỉnh, đồng thời căn cứ tình hình nguồn điện và kế hoạch đầu tư cải tạo, sửa chữa lưới điện, duy trì lập phương thức vận hành hàng tuần và thông báo tới khách hàng biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt. Đối với các khách hàng công nghiệp, ngoài việc tổ chức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (Đài PT&TH, Báo Hưng Yên, Đài phát thanh các địa phương), công ty còn thực hiện thông báo trên Website của công ty và gửi thông báo bằng văn bản tới từng khách hàng theo đúng Quyết định số 39/2005/QĐ-BCN ngày 23.12.2005 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) ban hành quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục giảm, ngừng mức cung cấp điện. Tất cả các trường hợp ngừng cấp điện trên địa bàn tỉnh (trừ trường hợp sự cố) đều được thực hiện có kế hoạch cụ thể và thường xuyên kiểm tra hiện trường, giám sát việc tổ chức ngừng cấp điện và khôi phục điện trở lại tại các điện lực huyện trực thuộc, không có trường hợp ngừng cấp điện không đúng quy định.

Hệ thống lưới điện công ty quản lý, vận hành bảo đảm cung cấp nguồn điện ổn định liên tục, an toàn với chất lượng điện năng cao đã góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp tổ chức sản xuất hợp lý, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Anh Nguyễn Tiến Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành (Yên Mỹ) khẳng định: Với sản phẩm chính là bồn chứa nước Inox, máy móc thiết bị của tập đoàn nhất là máy hàn lăn công suất 250kVA luôn cần nguồn điện lớn, chất lượng điện năng cao, ổn định nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng các mối hàn làm giảm độ bền của sản phẩm. Được ngành điện tỉnh hỗ trợ cải tạo đường dây điện, nguồn điện ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu điện cho sản xuất của tập đoàn. Tập đoàn không còn phải sử dụng các máy ổn áp loại lớn mà vẫn có thể sản xuất những bồn chứa nước cực đại dung tích 30 nghìn lít với chất lượng tốt. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi không chỉ giúp tập đoàn giảm thiểu nhân công, chi phí bảo hành sản phẩm mà còn làm tăng thêm uy tín thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm Tân Á trên thị trường.

Anh Phạm Triệu Lộc, Phó giám đốc Công ty cổ phần dệt kim Hanoximex (KCN Dệt may Phố Nối) phấn khởi cho biết: Hàng tháng công ty tiêu thụ sản lượng điện lớn với tiền điện khoảng 300 triệu đồng/tháng. Việc bảo đảm nguồn điện và chất lượng điện  ổn định, liên tục là vấn đề sống còn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển của công ty. Thời gian qua những đổi mới của ngành điện trong cung cấp điện, dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ khách hàng sử dụng điện đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho công ty đẩy mạnh sản xuất. Nổi bật hoạt động sửa chữa lưới điện được ngành điện tập trung thực hiện vào các ngày chủ nhật để cấp điện liên tục trong các ngày làm việc giúp công ty tổ chức sản xuất hiệu quả. Đồng thời ngành điện phối hợp chặt chẽ với công ty  thông báo sớm lịch cắt điện, xử lý kịp thời các sự cố điện. Bởi vậy hoạt động sản xuất của công ty không bị gián đoạn bảo đảm thực hiện tốt các hợp đồng với đối tác, nhất là các yêu cầu về thời hạn giao hàng. Công ty luôn giữ được chữ tín với bạn hàng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.    

Cùng hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh sớm trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, ngành điện tỉnh tiếp tục tạo dựng hạ tầng cơ sở, tính toán đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ giữa lưới và nguồn, tăng cường đầu tư vào việc cải tạo lưới điện cũ, xây dựng các trạm biến áp; Nghiên cứu áp dụng những công nghệ mới, đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi, đẩy nhanh các dự án lưới điện nhằm hoàn thành tốt  nhiệm vụ cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực