(ĐCSVN) - Chất thải nguy hại là loại chất thải có ít nhất một trong các yếu tố như: dễ nổ, dễ cháy, ăn mòn, ôxi hóa, gây nhiễm trùng, có độc tính, có độc tính sinh thái.
Mặc dù lượng chất thải nguy hại thải ra trong quá trình sản xuất, sinh hoạt không nhiều so với tổng lượng chất thải phát sinh nhưng do tính chất đặc biệt nguy hại của chúng mà việc quản lý, kiểm soát cần được quan tâm chú ý trong suốt quá trình phát sinh, lưu hành tới quá trình thu gom, xử lý.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải nguy hại hoặc tiếp nhận quản lý chất thải nguy hại phải lập hồ sơ, đăng ký với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Việc làm này nhằm theo dõi về khối lượng, chủng loại chất thải nguy hại có mặt trong môi trường cũng như dự báo được các nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể xảy ra trong quá trình quản lý, xử lý chất thải nguy hại. Tuy vậy, thực tế cho thấy công tác quản lý chất thải nguy hại của các cơ sở sản xuất nhìn chung còn rất hạn chế. Hiện mới có trên 200 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thực hiện việc đăng ký xin cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Cũng theo qui định thì chất thải nguy hại trước khi xử lý phải được lưu giữ tạm thời trong các thiết bị chuyên dụng bảo đảm không rò rỉ, rơi vãi, phát tán ra môi trường và khi vận chuyển phải sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, phù hợp… Đặc biệt không được để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường và việc xử lý chất thải nguy hại đòi hỏi phải có công nghệ phù hợp. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện phân loại chất thải nên chất thải nguy hại và chất thải thông thường đều được thải chung, thậm chí điểm đổ thải còn nằm lộ thiên, không có tường rào bao quanh nên khả năng phát tán chất thải nguy hại vào môi trường rất cao. Anh Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Chất thải nguy hại phát sinh thường xuyên trong các hoạt động hàng ngày, thậm chí ngay trong rác thải sinh hoạt cũng chứa các loại chất thải nguy hại như: Đèn huỳnh quang, dẻ dính dầu, pin... Tuy nhiên, do việc nhận biết chất thải nguy hại còn chưa đầy đủ nên nhiều doanh nghiệp, người dân còn chưa phân biệt được chính xác đâu là chất thải thông thường, đâu là chất thải nguy hại. Đồng thời nhiều người cũng chưa nhận thức đầy đủ mức độ nguy hại khi tiến hành thu gom, xử lý chất thải nguy hại như chất thải thông thường. Chính điều này đã khiến chất thải nguy hại bị thải bừa bãi, lẫn lộn với chất thải thông thường gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Tại nhiều bãi chứa rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp các loại chất thải nguy hại lẫn trong đống rác như: vật chất dính dầu mỡ, pin, ắc qui, mực in, bóng đèn huỳnh quang, thuốc tân dược hết hạn, bao bì thuốc BVTV...
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động gồm: Khu công nghiệp Phố Nối A, Khu công nghiệp dệt may Phố Nối, Khu công nghiệp Thăng Long II và Khu công nghiệp Minh Đức. Ngoài nước thải, khí thải thì tại các khu công nghiệp này hàng ngày còn thải ra một lượng chất thải rắn tương đối lớn, trong đó đặc biệt là các loại chất thải nguy hại. Tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh tại gần 180 doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp này là trên 2.450 tấn/năm. Trong đó Khu công nghiệp Phố Nối A có tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh vào khoảng 2.300 tấn/năm, Khu công nghiệp dệt may Phố Nối khoảng 26 tấn/năm, Khu công nghiệp Thăng Long II khoảng 109 tấn/năm và Khu công nghiệp Minh Đức khoảng 19 tấn/năm. Biện pháp quản lý, xử lý chủ yếu mà các doanh nghiệp áp dụng đối với lượng chất thải nguy hại này là tự thu gom vào một vị trí riêng biệt. Sau khoảng 3 – 6 tháng doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho cơ quan, đơn vị đủ điều kiện theo qui định của pháp luật để vận chuyển đi xử lý. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp do phát sinh ít chất thải nguy hại nên có khi phải tới cả năm đơn vị được ký hợp đồng vận chuyển, xử lý mới tiến hành thu gom đưa đi xử lý. Điều này tạo nguy cơ rất lớn gây ô nhiễm môi trường do chất thải trong quá trình tồn lưu trong kho chứa, trong đó nhiều khu vực chứa chưa bảo đảm về kỹ thuật, công nghệ, nên bị phân hủy tạo ra các vật chất nguy hại rò rỉ, phát tán vào môi trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 1 đơn vị đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại là Công ty URENCO 11. Để bảo đảm xử lý hiệu quả chất thải nói chung và chất thải nguy hại nói riêng, công ty đã quan tâm đầu tư, áp dụng nhiều biện pháp, công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải như: chôn lấp, hóa rắn, đồng bộ xử lý… Toàn bộ chất thải sau khi được vận chuyển về khu xử lý được phân loại theo thể trạng, loại rác thải và được chuyển tới các khu vực xử lý thích hợp. Hiện công ty đang ký hợp đồng đảm nhận công tác thu gom, xử lý chất thải gồm cả chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn thì tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh sẽ tương đương khoảng 20% tổng lượng chất thải phát sinh. Dự báo đến năm 2020, tổng lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ ở mức trên 145 tấn/ngày đêm và chất thải y tế nguy hại sẽ ở mức trên 1900 tấn/ngày đêm. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Hưng Yên là đến năm 2015, sẽ có 60% chất thải công nghiệp nguy hại và 100% chất thải y tế được thu gom xử lý và đến năm 2020, 100% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo đúng quy trình công nghệ thích hợp. Để đạt được mục tiêu này thì ngay từ bây giờ công tác tuyên truyền của các cấp, ngành về bảo vệ môi trường nói chung và cách nhận biết phân loại chất thải, trong đó đặc biệt là chất thải nguy hại cần được tăng cường. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Khi phát hiện các đơn vị, cá nhân vi phạm trong việc quản lý, sử dụng chất thải nguy hại cần được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.