Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng làm việc tại tỉnh Hưng Yên

Thứ sáu, 03/08/2012 11:18

 

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: báo Hưng Yên

Ngày 2/8, ông Vũ Huy Hoàng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Công Thương dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương về thăm và làm việc tại tỉnh Hưng Yên.

Tiếp và làm việc với Bộ trưởng và đoàn có các ông: Nguyễn Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thông, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Doãn Thế Cường, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Nguyễn Khắc Hào, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch Thường trực UBND; Đặng Minh Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng các vị lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp-PTNT.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã trao đổi, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn tỉnh, cùng những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ để có thêm thông tin, thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng và trình Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình kinh tế suy giảm hiện nay. Mặc dù gặp nhiều khó khăn những kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển với nhiều chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu chung của cả nước. 6 tháng đầu năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 9,34%; Chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 10,54%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 7.049,714 triệu đồng, tăng 21,98% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 444,9 triệu USD, tăng 24,30% so với cùng kỳ năm trước và đạt 52,34% kế hoạch. Tuy nhiên, tỉnh cũng phản ánh và kiến nghị có giải pháp tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc trong phát triển sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư và thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tập trung vào các vấn đề chính như: Những quy định trong Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý đất trồng lúa đang nảy sinh nhiều bất cập khiến tỉnh gặp nhiều khó khăn về đất đai phục vụ xây dựng, phát triển các cụm công nghiệp; Hạ tầng kỹ thuật điện cần được tăng cường đầu tư để đáp ứng kịp nhu cầu điện năng phục vụ phát triển công nghiệp tăng mạnh, hạn chế tình trạng cung cấp điện thiếu ổn định cho các doanh nghiệp; hỗ trợ đẩy mạnh phát triển hệ thống thương mại tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển; ngành công thương ở tỉnh và huyện khó khăn trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, hoạt động công nghiệp trên địa bàn do thiếu điều kiện, cơ chế để nắm bắt thông tin, tình hình của các doanh nghiệp và hướng dẫn thêm về việc thành lập Trung tâm phát triển cụm công nghiệp đề nghị có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ, kịp thời giữa 2 ngành công thương và thống kê; đơn giản hóa thủ tục trong quá trình thực hiện các hoạt động khuyến công; chỉ đạo ngành điện tích cực hơn trong việc tiếp tục giao nhận lưới điện hạ áp nông thôn sang ngành điện quản lý; tạo điều kiện thuận lợi về đất đai cho hoạt động và phát triển các doanh nghiệp dệt may ở địa bàn nông thôn và các dự án xây nhà ở cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Sau khi đại diện lãnh đạo các cục, vụ trực thuộc Bộ Công Thương trao đổi, giải đáp và gợi mở hướng giải quyết những vấn đề mà tỉnh quan tâm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo năng động, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền tỉnh và sự nỗ lực của các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn trong phát triển ổn định kinh tế - xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Thực tiễn phát triển kinh tế, công nghiệp của tỉnh là những căn cứ quý báu góp phần giúp Bộ Công Thương hoàn thiện các giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tiếp thu, cơ bản nhất trí với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh về những vấn đề quan tâm và sẽ phản ảnh với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho tỉnh. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua khó khăn, nhất là giảm tỷ lệ hàng tồn kho xuống mức 10-15%; Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động; giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ có trình độ cao trong phát triển công nghiệp; sớm có chiến lược về xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu; quan tâm hơn nữa đến quy hoạch phát triển thương mại và công tác quản lý thị trường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực