Các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên: Điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư

Thứ hai, 06/08/2012 15:15

Những năm qua, tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu tạo môi trường đầu tư thuận lợi, trong đó chú trọng phát triển các khu công nghiệp (KCN) tập trung tạo mặt bằng sẵn có với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Thực tế các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng và ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Sức lan toả của các KCN thúc đẩy tốc độ đô thị hoá nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại.

Thực hiện chủ trương “Quy hoạch KCN đi trước một bước”, qua gần 10 năm nỗ lực xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện có 13 KCN đã được Thủ tướng chính phủ chấp thuận đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN cả nước với quy mô hơn 3.684 ha. Trong đó, 10 KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích hơn 2.610 ha, 8 KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 3 KCN đã có quyết định thành lập. Trong số các KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư có 3 KCN đã đi vào hoạt động tiếp nhận các dự án đầu tư gồm: KCN Phố Nối A, KCN Phố Nối B (KCN Dệt may Phố Nối và KCN Thăng Long II) và KCN Minh Đức. Theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, các KCN này có tổng diện tích hơn 1.256 ha, trong đó diện tích đất có thể cho thuê hơn 911 ha.

Với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và vị trí đắc địa, các KCN có lợi thế và sức hấp dẫn lớn trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Số lượng dự án đầu tư vào các KCN tăng lên nhanh chóng. Đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 178 dự án đầu tư gồm: 91 dự án FDI với số vốn đăng ký kinh doanh 1.150 triệu đô la Mỹ và 87 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 8.223 tỷ đồng. Mặc dù kinh tế nhiều nước trên thế giới lâm vào khủng hoảng và kinh tế trong nước suy giảm nhưng 6 tháng đầu năm nay số lượng dự án mới đầu tư vào các KCN đạt 8 dự án, không giảm sút nhiều so với cùng kỳ năm 2011. Các KCN vẫn là nơi nhà đầu tư nước ngoài tin chọn để đầu tư các dự án phát triển công nghiệp vào tỉnh ta. Trong 8 dự án mới đầu tư vào các KCN 6 tháng qua có thêm 7 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký đầu tư là 87 triệu đô la Mỹ. Đồng thời 8 dự án FDI đang hoạt động trong các KCN xin tăng vốn với tổng số tiền 65 triệu đô la Mỹ.

Chất lượng và hiệu quả hoạt động và thu hút đầu tư tại các KCN ngày càng cao. Với hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất công nghiệp hiện đại phần lớn các KCN trên địa bàn tỉnh đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy cao như: KCN Phố Nối A thu hút được 111 dự án lấp đầy 80,5% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê; KCN Dệt may Phố Nối tiếp nhận 11 dự án lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê giai đoạn I và KCN Thăng Long II đã tiếp nhận 34 dự án lấp đầy hơn 71% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê. Các dự án đầu tư vào KCN nhìn chung đều triển khai nhanh, đúng mục tiêu, tiến độ đăng ký và sử dụng đất hiệu quả. Đến nay, trong các KCN có 139 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ lệ 78,1% tổng số dự án đầu tư vào các KCN. Tổng vốn đầu tư thực hiện các dự án ước hơn 897,5 triệu đô la Mỹ (59,4% vốn đăng ký đầu tư) và 6.410 tỷ đồng (77,9% vốn đăng ký đầu tư). Đây là tỷ lệ khá cao về vốn thực hiện trên vốn đầu tư đăng ký. Các dự án đầu tư trong các KCN tập trung chủ yếu trong những lĩnh vực: Sản xuất, gia công các sản phẩm điện, điện tử; sản xuất thép và các sản phẩm từ thép; cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác; sản xuất lắp ráp ô tô xe máy; sản xuất chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản; may mặc... Từ đó hình thành một số nhóm ngành mang tính động lực có kỹ thuật tiên tiến, sản phẩm đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đặc biệt là thực hiện nghiêm chủ trương, định hướng của tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh đã lựa chọn tiếp nhận những dự án có công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái, dự án có quy mô lớn, tiến độ triển khai nhanh và đóng góp nhiều cho ngân sách. Nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã có mặt và hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả ở các KCN nghiệp của tỉnh. Các doanh nghiệp này đã tạo sức bật, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khi đầu tư vào các KCN tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Phú Phùng Thế Dũng khẳng định: Công ty chọn đầu tư tại KCN Dệt may Phố Nối không chỉ bởi sự hấp dẫn về vị trí địa lý thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm mà quan trọng hơn là KCN có môi trường, hạ tầng cơ sở tốt, đồng bộ và sự quản lý điều hành chuyên nghiệp bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất của công ty. Hơn nữa khi triển khai dự án đầu tư công ty đó nhận được sự ủng hộ của các ngành, các cấp có thẩm quyền, nhất là Ban Quản lý các KCN Hưng Yên đó tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm hoàn thành và hoạt động hiệu quả. Khó khăn của chúng tôi là chưa thực sự yên tâm bởi khả năng biến động lao động ảnh hưởng đến ổn định sản xuất của công ty.

Các dự án trong KCN đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 22 nghìn lao động phần lớn là người địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011, tổng doanh thu của các dự án trong nước tại các KCN đạt hơn 12,7 nghìn tỷ đồng, của các dự án FDI hơn 433,8 triệu đô la Mỹ. Giá trị xuất khẩu của các dự án trong nước hơn 130 tỷ đồng và của các dự án FDI hơn 189 triệu đô la Mỹ. Các dự án trong nước nộp ngân sách nhà nước tỉnh hơn 449 tỷ đồng và FDI đạt hơn 11 triệu đô la Mỹ.

Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công này là để cụ thể hoá chính sách của tỉnh “Trải thảm đỏ” trong thu hút đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tích cực thực hiện tốt công tác cải cách các thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ. Trong đó, Ban quản lý các KCN tỉnh đã rà soát 59 thủ tục hành chính thuộc 8 lĩnh vực quản lý, qua đó kiến nghị giữ nguyên 13 thủ tục, đơn giản hoá 39 thủ tục và kiến nghị bãi bỏ 7 thủ tục hành chính. Do đó 100% các dự án đầu tư vào khu công nghiệp đều được làm đúng và sớm hơn thời gian quy định, trong đó trên 50% thủ tục hành chính được giải quyết bằng 50% thời gian quy định. Điển hình là việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI trước đây kéo dài 15 ngày thì nay chỉ còn gần 10 ngày. Các quy trình cơ bản như: Tìm hiểu môi trường đầu tư, thỏa thuận thuê mặt bằng, xin giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, các thủ tục về bảo vệ môi trường… đều được Ban quản lý các khu công nghiệp và các sở, ngành liên quan như: Công thương, Kế hoạch và đầu tư tạo điều kiện thuận lợi. Đồng thời để tạo môi trường thuận lợi nhất cho các dự án, doanh nghiệp hoạt động Ban quản lý các KCN tỉnh tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư vào trong các KCN, thực hiện tốt quản lý về quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường KCN; tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng KCN trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là công tác đền bù GPMB để chủ đầu tư hạ tầng KCN sớm đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, tạo mặt bằng có hạ tầng hoàn chỉnh, sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư vào trong KCN.

Song theo Trưởng ban quản lý các KCN Hưng Yên Phạm Thái Sơn , việc tiếp nhận đầu tư vào các KCN còn tồn tại một số khó khăn. Nhất là công tác đền bù GPMB tại một số KCN tiến hành chậm do chính sách đất đai của Nhà nước trong thời gian qua chưa ổn định, nên các KCN chưa chuẩn bị được mặt bằng sẵn có để thu hút và tiếp nhận các dự án đầu tư. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp còn thiếu, nhất là lĩnh vực nhà ở cho người lao động, gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư về tình trạng người lao động nhảy việc, bỏ việc”. Không ít nhà đầu tư vào KCN phản ánh trình độ người lao động trong tỉnh còn chưa đồng đều, nhiều hạn chế về tay nghề. Đây đang là những rào cản không nhỏ trong việc đẩy mạnh thu hút, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án của nhà đầu tư.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực