Chế biến long nhãn là nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con xứ nhãn lồng. Đã thành thông lệ, cứ vào trung tuần tháng 6 (âm lịch), khi vụ nhãn bắt đầu, các lò chế biến long nhãn lại “nổi lửa”, những tiếng cười nói của các bác, các chị ngồi xoáy long, tiếng xe máy, ô tô tấp nập vào ra lấy hàng... khiến không khí làng nghề thêm nhộn nhịp.
Thế nhưng, khác với không khí những năm trước, năm nay việc chế biến long nhãn ở các làng nghề lại trở nên khá trầm lắng.
Từ nhiều năm nay, nghề chế biến long nhãn đã trở nên quen thuộc với nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong đó tập trung nhiều nhất là ở huyện Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên… Hiện riêng huyện Tiên Lữ có khoảng gần 500 hộ làm nghề chế biến long nhãn. Chế biến long nhãn ở Phương Chiểu (Tiên Lữ) đã có từ lâu năm, nó trở thành nghề truyền thống, giúp nhiều hộ dân trong xã làm giàu, góp phần giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động nông nhàn trong và ngoài xã. Thế nhưng, về Phương Chiểu năm nay, chúng tôi cảm nhận được không khí làng nghề im ắng, vắng vẻ hơn so với mọi năm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Phương Chiểu cho biết: “Vào thời “huy hoàng” khắp xã đều làm nghề, mùi mật ngọt của long nhãn mới ra lò tỏa khắp làng. Tiếng người cười nói rộn rã khắp nơi. Không khí lao động trở nên sôi động. Lúc cao điểm, cả xã có gần 300 hộ tham gia chế biến long nhãn. Doanh thu từ nghề chế biến long nhãn lên đến vài tỷ đồng. Song vài năm trở lại đây, do đầu ra khó khăn nên người dân Phương Chiểu đã “vơi bớt” sự gắn bó với nghề. Năm 2011, cả xã có trên 100 hộ làm nghề thì năm nay con số đó đã sụt giảm còn chưa đến 100 hộ tham gia chế biến.”
Theo đánh giá chung của các hộ làm nghề, vụ này giá nhãn nguyên liệu dao động từ 10 – 13 nghìn đồng/1kg, cao gấp đôi so với năm 2011. Bác Lều Văn Dân (thôn Phương Thượng, Phương Chiểu), một người làm long nhãn lâu năm chia sẻ: Năm nay, tuy nguồn nhãn nguyên liệu không dồi dào nhưng cũng không khó mua do số hộ tham gia chế biến ít. Thế nhưng giá nguyên liệu lại cao, giá thuê nhân công lao động cao, giá long nhãn lại bấp bênh... Nhẩm tính để có 1kg long nhãn thành phẩm phải chi phí cho tiền nguyên liệu, nhiên liệu, công lao động… tới 170 - 180 nghìn đồng, trong khi đó giá bán long nhãn hiện nay chỉ khoảng 160 nghìn đồng/1kg. Vì vậy, không chỉ gia đình tôi mà đa phần các hộ chỉ sản xuất cầm chừng để chờ giá long lên chứ bán với mức giá như hiện nay thì trung bình mỗi tạ long nhãn thành phẩm lỗ từ 1 - 1,5 triệu đồng. Còn nếu không bán để hàng tồn lớn thì “chết” vốn, khổ nhất là những hộ vay vốn ngân hàng để sản xuất. Đã làm nghề thì phải theo nghề chứ cứ đà này thì nhiều gia đình sẽ phải “dập lò”…
Cùng chung nỗi niềm với bác Dân, anh Đào Văn Yên (thôn Ba Hàng, xã Thủ Sỹ, Tiên Lữ) cho biết: “Chế biến long nhãn đòi hỏi phải có nguồn vốn dồi dào vì chi phí đầu vào tốn kém. Vụ này “nhà lò” chúng tôi lại phải gồng mình “gánh” thêm giá than đốt cao hơn 20% so với vụ trước. Những năm về trước, long nhãn được giá nên các hộ vừa sản xuất vừa bán để lấy vốn đầu tư tiếp. Năm nay, những hộ vốn ít, không có “gan” đành phải ngậm ngùi tắt lửa lò. Công suất hoạt động tối đa của dãy lò sấy nhà tôi khoảng 8 – 10 tạ nhãn tươi/ngày. Đến thời điểm hiện tại gia đình tôi cũng chỉ chế biến ở mức “khiêm tốn” từ 3 – 4 tạ/ngày để đợi giá.”
Hiện nay, long nhãn Hưng Yên vẫn chủ yếu được các thương lái thu mua rồi xuất sang Trung Quốc, lượng sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước không đáng kể, chủ yếu được bán làm quà tặng khi không còn nhãn tươi. Vì vậy, khi các thương lái Trung Quốc không thu mua nữa hoặc mua với số lượng ít đi thì thị trường trở nên ế ẩm. Vào lúc cao điểm giá long nhãn năm 2011 lên tới 180 nghìn đồng/1kg, nhưng năm 2012 từ đầu vụ đến giờ giá long vẫn “giậm chân” ở mức 160 nghìn đồng/1 kg. Chị Bùi Thị Thoan (thôn Phương Trung, Phương Chiểu) cho biết: “Mỗi năm gia đình tôi thu mua từ 100 – 200 tấn long nhãn từ khắp các địa phương trong tỉnh. Nhưng năm nay việc tiêu thụ hàng khá chậm, giá cả không ổn định. Hiện gia đình tôi cũng như các hộ thu mua khác đều nhập hàng về với số lượng cầm chừng, chủ yếu thu mua nguồn hàng được chế biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có giá “mềm” hơn so với giá long được chế biến từ nhãn trồng trong tỉnh, may chăng mới có lãi. Còn một số hộ kinh doanh có vốn thì thu mua hàng sản xuất trong tỉnh rồi “ủ hàng” chờ giá lên mới bán.”
Chế biến long nhãn là nghề truyền thống mang tính chất thời vụ, giải quyết việc làm đem lại thu nhập cao cho hàng nghìn lao động lúc nông nhàn.. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn mang tính chất tự phát, tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường nên người sản xuất không thể làm chủ được tình hình giá cả. Hiệu quả kinh tế từ nghề chế biến long nhãn đã thấy rõ nhưng làm thế nào để duy trì đầu ra, tạo thị trường ổn định cho sản phẩm này vẫn là một bài toán cần tìm lời giải…