Chợ nông thôn và nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ năm, 06/09/2012 16:30

Những năm qua, hệ thống chợ tại các vùng nông thôn đã được tỉnh Hưng Yên cũng như các địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ngay trên địa bàn của mình, góp phần thúc đẩy việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, đằng sau những đóng góp quan trọng đó, chợ nông thôn còn tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Theo thống kê, hiện Hưng Yên có 84 chợ nông thôn (chưa kể chợ cóc, chợ tạm) trong  số đó chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố chiếm khoảng 46%, số còn lại vẫn trong tình trạng lán tạm hoặc chưa được xây dựng, khiến người dân phải họp chợ trên nền đất không bảo đảm an toàn vệ sinh. Mặt khác, hàng hóa ở hầu hết các chợ nông thôn được bày bán một cách lộn xộn, thực phẩm sống được bày bán lẫn lộn với những đồ ăn chín, thậm chí những hộ kinh doanh đa ngành bán cả phân bón, thuốc trừ sâu và phở…khiến người tiêu dùng có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao.

 

Thịt lợn bày bán sát mặt đất tại chợ Trương Xá (Toàn Thắng, Kim Động).
 Ảnh: báo Hưng Yên


Chợ Trương Xá (xã Toàn Thắng, huyện Kim Động) không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của người dân trong xã mà còn thu hút đông đảo bà con từ các xã lân cận đến giao lưu, buôn bán. Chợ họp tất cả các ngày trong tháng. Có mặt tại chợ vào khoảng hơn 7 giờ sáng, ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy đó là một khu chợ nhếch nhác, lộn xộn. Dưới những mái che lụp xụp, cảnh kẻ mua người bán đang diễn ra tấp nập, nhưng khi quan sát kỹ thì không khó để nhận ra, tất cả trong số họ đều muốn mua thật nhanh để tránh ngửi phải mùi hôi thối, xú uế bốc ra từ “bãi rác” lưu cữu trong chợ. Ngay đầu cổng chợ chính là hai dãy hàng thịt, thịt được bày bán la liệt trên tấm bàn gỗ đã cáu bẩn, mục nát, ruồi nhặng thì tha hồ bay nhảy thưởng thức hết miếng thịt này đến miếng thịt khác mà vẫn không bị xua đuổi. Không chỉ vậy, thịt lợn còn được bày bán trên những tấm gỗ, tấm bìa cattông đặt ngay dưới nền đất ẩm ướt, dọc lối đi của khách hàng, nhìn qua cũng đủ biết không bảo đảm vệ sinh. Chị Đỗ Thị T (thôn An Xá, xã Toàn Thắng) vẫn thản nhiên mua hàng và coi việc thịt lợn bày bán sát mặt đất như vậy là chuyện rất đỗi bình thường. Chị T cho biết : “Tôi thấy việc bày bán thịt lợn như vậy chẳng ảnh hưởng gì, miễn sao khi chế biến mình xào nấu kỹ là được”.  Càng đi sâu vào trong chợ, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm càng đáng lo ngạị, đặc biệt là khu vực giữa chợ. Rác thải đổ ngổn ngang, phế phẩm của những mặt hàng tươi sống bị vứt bừa bãi, tràn lan tạo thành một “bãi rác” ngay giữa chợ, làm cho không khí quanh khu vực chợ bị ô nhiễm trầm trọng. Cách bãi rác chỉ có vài bước chân là mấy hàng bán đồ ăn sáng, người ăn cứ vô tư thưởng thức những sợi bún, những chiếc bánh rán béo ngậy trong bầu không khí ngột ngạt và khó chịu. Như vậy, chính người tiêu dùng đang coi nhẹ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại chợ Chùa ( xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ) tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng diễn ra nghiêm trọng. Trong chợ, các hàng rau, thịt, đồ tươi sống... được bày bán lung tung, không có quy củ, hàng bán đồ sống xen lẫn các hàng bán thức ăn chín. Những khoanh giò, miếng chả béo ngậy được đặt chung với thịt lợn sống mà không có bất cứ dụng cụ che đậy nào. Thường thì mỗi hộ kinh doanh thịt ở chợ sử dụng hai con dao, một dùng để thái thịt, một dùng để cắt giò, chả nhưng con dao đó bày ra để lấy hình thức, vì theo quan sát của chúng tôi, con dao vừa thái thịt hãy còn bám đầy mỡ được các chị hàng thịt tiện tay thái luôn giò cho khách. Khi được hỏi các chị có biết dùng dao lẫn lộn như vậy là rất mất vệ sinh không? Thì một chị bán hàng trả lời một cách hồn nhiên: bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn làm như vậy, nhưng có ai bị ảnh hưởng đâu! Tại khu vực bán thực phẩm tươi sống, sau khi mổ cá xong, hầu hết rác, nước thải từ cá đều được đổ trực tiếp tại đó. Mùi hôi tanh bay khắp nơi, nước chảy lênh láng, khiến không khí quanh khu vực chợ bị ô nhiễm trầm trọng.

Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang diễn ra tại các chợ quê như chợ Ché  (xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ), chợ Cời (xã Hùng Cường, huyện Kim Động), chợ Cầu Cáp ( xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ)… Các bà, các mẹ, các chị nội trợ ở nông thôn ít có điều kiện hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm, lại càng không biết về quy định bắt buộc để thực phẩm an toàn. Họ vẫn còn thờ ơ với vấn đề vệ sinh thực phẩm, có lẽ chỉ khi nào xảy ra những vụ ngộ độc nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mới được các bà nội trợ ở quê để ý tới. Với người tiêu dùng là vậy, còn với người bán họ cũng ít nắm được các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ buôn bán theo bản năng và chạy theo lợi nhuận, vì thế mới có chuyện thịt lợn bán không hết trong ngày thì hôm sau hoặc thậm chí 2 -3 hôm sau họ vẫn bày bán tiếp. Từ những điều ấy, đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng và làm cho tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ nông thôn đặt trong trạng thái báo động.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP, cho biết: Công tác bảo đảm VSATTP tại các chợ đặc biệt là các chợ nông thôn còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn phổ biến. Qua đợt kiểm tra, giám sát mới đây của Chi cục VSATTP ở 14 chợ thì 14/14 chợ được kiểm tra chưa bảo đảm các điều kiện về VSATTP. Hầu hết ban quản lý  và các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ chưa được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Hùng cho biết thêm, trong thời gian qua để giảm nỗi lo về  vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ nông thôn, Chi cục VSATTP đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa phải rõ ràng; thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức VSATTP đối với ban quản lý chợ và các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ... Tuy nhiên dù các cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương có tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giảm sát thì ý thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ vẫn mang tính chất quyết định. Chỉ khi nào các hộ kinh doanh nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành quy định về VSATTP thì mới có thể giảm nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ nông thôn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực