(ĐCSVN) - Những năm qua, đặc biệt là năm 2012, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được Đài PTTH Hưng Yên tuyên truyền có hiệu quả thiết thực.
|
Một cuộc tọa đàm về bảo vệ môi trường do Đài PT- TH Hưng Yên tổ chức. |
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công ngiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đài PTTH Hưng Yên đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó có kênh tuyên truyền rất hiệu quả là báo nói và báo hình để nhân dân hiểu, tự giác làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Hằng năm, Đài đã cùng với Sở Tài nguyên & Môi trường cùng các ngành có liên quan họp bàn và đề ra kế hoạch tuyên truyền cụ thể. Ngay từ đầu năm Đài PT-TH cùng Sở Tài nguyên & Môi trường đã kí kết một văn bản hợp đồng, quy định rõ trách nhiệm của hai bên về nội dung và phương thức phối hợp tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Hằng quý có bàn bạc, đánh giá hiệu quả của quý trước rồi đề ra biện pháp cho quý sau, năm sau.
Tuy nhiên, bản hợp đồng chỉ nêu những đề cương chính về nội dung tuyên truyền và thể loại thể hiện, vấn đề chính là triển khai trong thực tế về số lượng và chất lượng của các tin bài, phóng sự, phim tài liệu, tọa đàm để sát cuộc sống. Từ tinh thần chỉ đạo đó Đài đã cử nhóm phóng viên chuyên trách theo dõi và tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, trong đó giao cho Phòng Thời sự - Chuyên đề làm nòng cốt và có trách nhiệm liên lạc thường xuyên với Chi cục Bảo vệ môi trường và thanh tra của Sở. Ngoài ra, những vấn đề nóng cần điều tra, xử lý thì hai bên phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh và các ngành y tế, nông nghiệp, công thương, ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và UBND cũng như Phòng Tài nguyên và môi trường các huyện, thành phố.
Kết quả, chỉ tính riêng năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012, Đài PT TH Hưng Yên đã có gần 500 tin bài trên sóng phát thanh, sóng truyền hình và trang thông tin điện tử đề cập đến đề tài môi trường. Trong đó phân ra các loại hình gồm có:
- Tin bài về chủ trương, đường lối bảo vệ môi trường qua các văn bản của Trung ương và của tỉnh được phát trong các chương trình thời sự và chuyên mục “ Môi trường với cuộc sống”
- Hướng dẫn các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường trong chuyên mục “Phổ biến pháp luật” hàng tuần trên sóng phát thanh và sóng truyền hình
- Tin, bài về biểu dương các nhân tố điển hình hay phê phán các biểu hiện tiêu cực vi phạm luật bảo vệ môi trường phát trong các chương trình thời sự và chuyên mục
- Tọa đàm chuyên đề về môi trường trong chuyên mục “ Cùng bàn luận” trên sóng truyền hình
Những điểm nổi bật trong tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường thời gian qua là Đài đã có một số phóng sự gây chú ý như: Biểu dương gương người tốt, việc tốt có phóng sự “Bà Sang” nêu tấm gương một cụ già ở xã Đào Dương, huyện Ân Thi hàng năm làm không công, tận tụy nhặt từng chiếc vỏ chai, vỏ bao bì thuốc sâu còn sót lại trên đồng ruộng đem về chất hàng đống ở vườn rồi cho hủy. Phóng sự này đã đạt Huy chương bạc tại Liên hoan phim truyền hình Toàn quốc. Phóng sự về một ông lão ở xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ nhiều năm nay tự bỏ tiền mua cây giống, trồng hàng trăm cây bóng mát bên hồ và trên đường ra đồng đem lại màu xanh cho thôn xóm và nơi nghỉ ngơi của người dân sau những giờ làm việc vất vả. Phóng sự nói về tình trạng các ao làng đang ngày bị lấp đi, số ao làng hiện có thì ô nhiễm bởi nước thải chăn nuôi và rác rưởi thì có một thôn ở xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào đề ra quy chế bảo vệ ao hồ, kè bờ và trồng cây bóng mát, kê ghế đá như một công viên cho dân làng nghỉ ngơi và các cháu thiếu nhi vui chơi, đọc sách. Phóng sự về một số doanh nghiệp thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường như LG, Hamico, Bia rượu tại khu công nghiệp Phố Nối B, khu công nghiệp Thăng Long 2. Tin bài về các tổ tự quản thu gom rác ở nông thôn do người dân bảo nhau đóng tiền để duy trì tổ vệ sinh làng xóm, về hội phụ nữ phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên hàng tuần dọn vệ sinh đường phố, về các câu lạc bộ không dùng túi nilon đựng hàng khi đi chợ ở thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, xã Song Mai, huyện Kim Động, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ ; về các xã Hạ Lễ, huyện Ân Thi, Phú Thịnh, huyện Kim Động, Minh Đức, huyện Mỹ Hào xây bể trên các cánh đồng cho người dân vứt bao bì thuốc trừ sâu; về nhiều điạ phương làm hầm khí bioga, vừa không thải chất bẩn chăn nuôi ra ngoài, vừa có khí đốt cho đun bếp…
Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội cũng đi liền với sự lo ngại về gia tăng ô nhiễm môi trường, Đài PT-TH Hưng Yên đã dành thời lượng đáng kể để tuyên truyền thực hiện công nghiệp hóa đi đôi với bảo vệ môi trường. Phê phán mạnh mẽ các hành vi vi phạm. Đáng chú ý là đã có các tin bài nói về ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt là các làng nghề như làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, làng nghề tái chế chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm và chế biến miến dong ở thôn Lại Trạch, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ; các doanh nghiệp đưa nước thải, khí thải độc hại ra ngoài như giặt mài, nhuộm Phố Nối; làm giấy ở Yên Mỹ, mạ thép ở Văn Lâm, Mỹ Hào, kính Việt Hưng, thép Việt Ý, thép Hòa Phát; các lò gạch thủ công không chỉ thải khói bụi ra không khí mà còn làm táp lúa, táp chuối ở một số địa phương thuộc các huyện Khoái Châu, Kim Động, Văn Giang; các sông bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp như sông Bần- Vũ Xá ở huyện Văn Lâm, kênh Trần Thành Ngọ ở huyện Mỹ Hào; đống rác đổ bừa bãi trên quốc lộ ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ; các khu chợ mất vệ sinh ở nhiều địa phương, không xử lý tốt rác thải y tế ở Bệnh viện đa khoa tỉnh… Về sử dụng và khai thác nước ngầm bừa bãi cũng được Đài phản ánh; một số nhà máy nước sinh hoạt thuộc dự án của chương trình, mục tiêu ở các huyện Ân Thi, Phù Cừ kém hiệu quả cũng được Đài phê bình…
Đặc biệt, Đài đã tổ chức một số buổi tọa đàm trong chương trình “Cùng bàn luận” có thời lượng 45 phút phát sóng trên truyền hình, tiêu biểu là tọa đàm: “Làm thế nào để hạn chế thuốc trừ sâu trên đồng ruộng”, tọa đàm về "Ô nhiễm các khu công nghiệp, nguyên nhân và giải pháp”, các cuộc tọa đàm có mời lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, lãnh đạo một số xã, huyện và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường cùng dự, nêu thẳng thắn các vấn đề mà không né tránh.
Đầu năm 2012, Đài PT-TH Hưng Yên cùng với Hội Nhà báo tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã phối hợp phát động cuộc thi viết về đề tài bảo vệ môi trường, trong đó một số tác phẩm phát thanh và truyền hình của Đài Hưng Yên đã được giải cao.
Để có được kết quả tuyên truyền như trên, ngoài nguyên nhân do sự tìm tòi, phát hiện của các phóng viên, nhà báo; sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đài, phải nói đến sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của Sở Tài nguyên và môi trường trong việc cung cấp thông tin về địa chỉ, số liệu, tư liệu để phóng viên khai thác. Nhiều lần đi cơ sở, Chi cục còn cử cán bộ đi cùng phóng viên, khi phê bình các điểm nóng thì hai bên phối hợp xử lý thông tin; khi đã phê bình rồi thì tiếp tục theo dõi, nếu cơ sở bị phê bình mà chậm hoặc không khắc phục thì lại có biện pháp phê bình tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình.
Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là lãnh đạo các đơn vị vi phạm bảo vệ môi trường thường trốn tránh báo chí, tìm cách không hợp tác. Có trường hợp phóng viên mặc dù có thẻ nhà báo đến làm việc, bảo vệ doanh nghiệp không cho vào nhà máy và gây khó khăn khi ghi hình, chụp ảnh. Việc thực thi luật bảo vệ môi trường ở các địa phương chưa nghiêm, một số lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp còn coi nhẹ việc bảo vệ môi trường. Việc phối hợp giữa cảnh sát môi trường với báo chí chưa chặt chẽ. Kinh phí cho tuyên truyền về bảo vệ môi trường, trong đó có Đài PT-TH còn ít. Năm 2012, Đài PT-TH Hưng Yên phải chi hàng trăm triệu đồng cho nhuận bút, công tác phí, phương tiện đi lại và các chi phí cho giao lưu tọa đàm về đề tài môi trường, nhưng tỉnh không có nguồn hỗ trợ dành riêng tuyên truyền bảo vệ môi trường cấp thẳng cho Đài. Kinh phí hỗ trợ từ Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ có 60 triệu đồng/ năm, quá nhỏ so với nhu cầu mà Đài đã chi.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường, trong thời gian tới: Cần có sự chỉ đạo sát sao, đồng bộ của ngành chủ quản từ Bộ Tài nguyên và môi trường , Tổng cục Môi trường đến Sở Tài nguyên và môi trường các địa phương; có cơ chế riêng cho lĩnh vực tuyên truyền
Cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi trường, trong đó có công tác tuyên truyền và phối hợp giữa các ngành chức năng, đặc biệt ngành chủ quản là ngành tài nguyên, môi trường và cảnh sát môi trường của ngành công an về bảo đảm pháp luật thì báo chí mới có điều kiện dễ dàng trong việc phối hợp xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường.
Các cơ quan báo chí thuộc các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử cần có sự phối hợp đồng bộ và thống nhất từ báo trung ương tới báo địa phương, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm về bảo vệ môi trường
Cần bố trí một nguồn kinh phí cần thiết hỗ trợ các cơ quan báo chí tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Hàng năm, nên tổ chức các cuộc thi quy mô cấp địa phương và toàn quốc viết về đề tài môi trường, trong đó tổ chức riêng liên hoan phim truyền hình về đề tài môi trường từ cấp tỉnh tới toàn quốc bằng các thể loại phóng sự, phim tài liệu, phim khoa giáo.
Nên tổ chức các cuộc liên hoan sáng tác văn nghệ về đề tài môi trường như thơ, tiểu phẩm…
Bảo vệ môi trường là một vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cơ quan thông tin đại chúng. Muốn tuyên truyền có hiệu quả rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chủ quan với các cơ quan báo chí, truyền thông. /.