Đổi thay vùng đất bãi Phú Cường

Thứ sáu, 31/08/2012 11:15

Về xã Phú Cường (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) những điều tai nghe, mắt thấy về cuộc sống mới ở đây đã chứng tỏ vùng bãi Giữa sông Hồng nghèo khó ngày nào giờ đây đang thay da đổi thịt từng ngày.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chủ tịch UBND xã Phú Cường Đào Khánh Toàn chia sẻ, từ năm 1985 trở lại đây, người dân xã Phú Cường có 3 dấu mốc quan trọng đã làm thay đổi căn bản vùng đất nghèo khó năm xưa đó là: vào khoảng những năm 1985, khi sông Hồng được nắn chỉnh dòng chảy, dòng sông chính dần dần được phù sa bồi lắng, tạo nên những cánh đồng màu mỡ. Sau đó khoảng 10 năm tức là năm 1995, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đường điện được kéo ra bãi Giữa, kể từ đó người dân “ốc đảo” này có điện phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên phải đến khi tỉnh Hưng Yên được tái lập, con đường nối từ đê sông Hồng đoạn ngang xã Ngọc Thanh chạy thẳng vào trung tâm xã được đổ bê tông xi măng, việc giao thương hàng hóa, dịch vụ giữa vùng bãi với đất liền mới chính thức được khai thông, không còn cách trở, mở ra cơ hội mới, thuận lợi để vùng bãi phát triển, chuyển mình sang trang mới.

Ngược dòng thời gian, cách đây vài chục năm, bãi Giữa sông Hồng như một cô đảo, bốn bề sông nước vây quanh, phương tiện nối vùng bãi với đất liền là những chiếc thuyền, đi lại vừa nguy hiểm vừa mất thời gian. Ngày ấy cuộc sống người dân nơi đây lam lũ, vất vả quanh năm, trẻ em ít được học hành, người ốm không được chữa bệnh kịp thời, sản xuất nông nghiệp bấp bênh theo mùa nước, thu nhập thấp với việc; trồng đay, trồng mía, ngô, chăn nuôi lợn, gà. Đã thế sản phẩm làm ra như sợi đay, mật mía hay con bò, muốn bán đi cũng hết sức khó khăn vì phải đi đò mới vào được đất liền.

Còn bây giờ mọi thứ ở bãi Giữa sông Hồng đều đã đổi thay, cuộc sống tốt đẹp lên rất nhiều, trẻ em từ bậc học mầm non đến bậc THCS đều được học tập, vui chơi ở những phòng học khang trang, kiên cố cao tầng. Trạm y tế được xây dựng ngay trung tâm xã kịp thời chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Xã không còn nhà tranh vách đất, hơn 6000 nhân khẩu trên địa bàn đều được ở nhà xây, nhà mái bằng to đẹp, vững chắc. Nhà làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, nhà văn hóa xã vừa được đầu tư xây dựng mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu làm việc, hội họp của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Cùng với đó hệ thống giao thông trên địa bàn được thay đổi căn bản. Nếu như từ năm 2000 trở về trước, trên địa bàn xã chưa có 1 m đường bê tông nào thì nay trên địa bàn xã đã có 90% đường làng ngõ xóm được đổ bê tông xi măng, đi lại thuận tiện. Riêng kinh phí xây dựng đường làng, ngõ xóm chủ yếu do nhân dân trên địa bàn đóng góp. Khoảng 5 năm trở lại đây, năm nào xã Phú Cường cũng có trên 10 học sinh đỗ vào các trường đại học, đây được coi là "kỳ tích" mới ở vùng đất bãi. Kinh tế ở vùng bãi Phú Cường phát triển khá tốt, nhân dân đã chuyển đổi cây trồng từ cây đay, cây mía sang trồng ngô, đỗ. Trước đây vùng bãi, mỗi năm chỉ sản xuất được 2 vụ, trong đó có 1 vụ bấp bênh vì ngập nước thì nay trên đồng đất ấy nhân dân sản xuất 3 vụ/năm bao gồm 2 vụ ngô và một vụ đỗ. Các giống ngô được nhân dân đưa vào sử dụng là những giống ngô mới, cho năng suất chất lượng cao như CP6326, CP 4300, nhờ đó thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác của xã đạt 70 triệu đồng/ha. Phát huy lợi thế của vùng bãi có nhiều nguồn thức ăn, nên giờ đây đàn bò ở Phú Cường phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Ông Toàn cũng cho biết,  trước đây ở Phú Cường gia đình nào chăn bò, thường chăn thả từ 1 đến 2 con ở ngoài bãi, bờ đê, chủ yếu dùng làm sức kéo, nay nhận thức của người dân đã thay đổi, họ nuôi bò chứ không chăn bò, bò trở thành hàng hóa để người dân Phú Cường làm giàu. Theo đó bò được chăm sóc chu đáo tại chuồng, ít khi thả rông, có nhiều gia đình ở thôn Kệ Châu đã nuôi đến 15 con bò. Vì thế tổng đàn bò của xã luôn ổn định khoảng 3500 con, chiếm khoảng ¼ tổng đàn bò của huyện Kim Động. Xã Phú Cường có hàng trăm lao động trẻ đi làm tại các doanh nghiệp, và nhiều nghề tự do khác...góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã đạt gần 14 triệu đồng/người/năm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực