Đồng Tiến: Khi người dân làm chủ

Thứ sáu, 14/09/2012 16:29

 

Một số đoạn đường ra đồng của xã Đồng Tiến đã được bê tông hóa.
 Ảnh: báo Hưng Yên
 

Những năm trở lại đây, xã Đồng Tiến không ngừng vươn lên trở thành điểm sáng của huyện Khoái Châu (Hưng Yên) trên các mặt công tác, nhất là công tác vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cuộc vận động cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Công Thắng kể lại: Trước năm 1990, đảng bộ xã Đồng Tiến nhiều năm là đảng bộ yếu kém, nội bộ mất đoàn kết, tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Một trong những nguyên nhân cơ bản là quyền được biết, được bàn, được quyết định của người dân chưa được coi trọng. Trước thực trạng trên, được sự giúp đỡ của cấp trên, xã đã tập trung củng cố tổ chức đảng, sắp xếp cán bộ thôn, cán bộ xã, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể, từng bước tháo gỡ vướng mắc, làm cho tình hình ở địa phương trở nên ổn định. Cùng với việc củng cố, sắp xếp về tổ chức, công tác vận động quần chúng được tăng cường, xã chỉ đạo tất cả các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tham gia tuyên truyền vận động để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng phong trào địa phương, đồng thời tập trung giải quyết đơn thư. Bên cạnh đó, các tổ hòa giải từng bước củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Các tổ hòa giải đã chủ động giải quyết mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở. Vì vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn tình hình ở xã đã ổn định, nhiều kiến nghị chính đáng của người dân được giải quyết thỏa đáng.

Nếu quyền lợi hợp pháp của người dân không được coi trọng thì việc tuyên truyền vận động sẽ không mang lại hiệu quả. Chính vì thế, những việc gì dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát theo quy định được xã công khai. Nhất là từ khi có Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tại các điểm hội họp của xã và các thôn được niêm yết công khai những nội dung dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát. Theo đó, các vấn đề công khai để người dân được biết bao gồm các nghị quyết của HĐND, UBND, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, thu chi ngân sách hàng năm, kết quả hoạt động của HĐND, kết quả triển khai xây dựng các công trình phúc lợi, hoạt động đầu tư xây dựng cộng đồng ở địa phương. Quy ước, hương ước làng, những khoản đóng góp xây dựng công trình của thôn, các khoản thu phí, lệ phí của xã, của thôn cũng được đưa ra bàn bạc, thảo luận trước nhân dân. Từ xã tới thôn thành lập ban kiến thiết, xây dựng là những người có hiểu biết về lĩnh vực xây dựng, đại diện cho nhân dân giám sát thi công các công trình do thôn, xã đầu tư. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã còn được gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tất cả các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cũng xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của tổ chức mình. Trong các cuộc họp, mọi thành viên nêu cao tinh thần dân chủ trong phát biểu ý kiến thảo luận, khi đã thống nhất cao thì lấy đó làm cơ sở để triển khai thực hiện. Hàng năm các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND và các trưởng thôn phải kiểm điểm về thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình trước nhân dân.

Bí thư đảng ủy Hoàng Công Thắng cho biết thêm: Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Do đó tất cả các cuộc vận động xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng hoặc đóng góp ủng hộ các loại quỹ đều được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, 100% đường giao thông trong xã đã được lát gạch hoặc trải bê tông. Một số đoạn ra đồng cũng mới được bê tông hóa. Trường tiểu học và THCS được xây dựng kiên cố cao tầng. 3/3 thôn được công nhận danh hiệu làng văn hóa và có nhà văn hóa làm nơi hội họp, sinh hoạt của nhân dân… Tất cả các công trình trên có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân địa phương và những người con của quê hương Đồng Tiến đang làm ăn, sinh sống tại khắp mọi miền Tổ quốc. Và mới đây, một số công trình lớn được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã được sự ủng hộ lớn của nhân dân, điển hình là nhà tập luyện thể thao với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng nhưng đã huy động được 30% từ nguồn xã hội hóa. Thôn Kim Tháp nâng cấp chỉnh trang nghĩa trang nhân dân với tổng kinh phí 762 triệu đồng, trong đó huyện và xã hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp và những người con quê hương ủng hộ. Vừa qua, kỷ niệm 67 năm ngày thương binh, liệt sĩ, xã nhận được trên 120 triệu đồng từ quỹ đền ơn đáp nghĩa.

Khi quyền làm chủ của người dân được phát huy, nhân dân tự nguyện tham gia hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động của địa phương. Điều đó đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao. Năm 2011, cơ cấu kinh tế nông nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và xây dựng - thương mại, dịch vụ tương ứng là 17% - 13,5% - 69,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm. Tổng sản phẩm xã hội đạt 120 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 7%. Sự nghiệp văn hóa, giáo duc, y tế được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhiều năm liền Đảng bộ, chính quyền xã được công nhận trong sạch vững mạnh. Đây cũng chính là tiền đề, động lực để Đảng bộ và nhân dân xã Đồng Tiến vững tin phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực