Giải quyết cơ sở yếu kém ở Phù Cừ (Hưng Yên): Bài 2 - Đồng lòng vượt khó

Thứ hai, 30/07/2012 09:08

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Tiến Thuyết cho biết: Ngay buổi đầu tái lập, Huyện ủy Phù Cừ xác định để huyện phát triển mạnh thì từng cơ sở phải mạnh. Muốn cơ sở mạnh thì hệ thống chính trị ở cơ sở, trước hết là tổ chức cơ sở đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh.

Do đó, huyện quyết tâm tập trung xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, trước hết từ chi bộ, giải quyết cơ sở yếu kém, nâng cao năng lực, uy tín đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 

Địa bàn Phù Cừ đang thu hút nhiều dự án công nghiệp. Ảnh: báo Hưng Yên 


Từ nhận thức đó, mọi chủ trương của huyện luôn hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi, theo dõi giúp đỡ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Trước tiên, Ban Thường vụ Huyện uỷ kiên quyết chỉ đạo bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ ở những cơ sở mà cán bộ có vi phạm hoặc năng lực hạn chế. Điểm mấu chốt là lựa chọn người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở có năng lực, tâm huyết, uy tín với đảng bộ và nhân dân. Sau khi bố trí đội ngũ cán bộ chủ chốt, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện trực tiếp phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở kiện toàn các tổ chức của hệ thống chính trị; bồi dưỡng, hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ cấp dưới về nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động, hạn chế sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo huyện dành thời gian sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng, chia sẻ khó khăn cùng người dân, từ đó có chủ trương đúng, chỉ đạo sát với thực tiễn. Huyện ủy quy định các đồng chí huyện ủy viên phụ trách cơ sở phải gắn bó, chịu trách nhiệm toàn diện về phong trào của địa phương, hàng tháng có báo cáo bằng văn bản tình hình cơ sở mình phụ trách, coi đó là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cấp ủy viên.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên được đổi mới. Nhận thấy nhiều trường hợp cán bộ cơ sở do không chịu học tập, không nắm vững nghị quyết, sự chỉ đạo của cấp trên nên triển khai thực hiện không tốt dẫn tới vi phạm. Do vậy, huyện coi trọng tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ các binh chủng tư tưởng, thông tin nhiều chiều, có định hướng. Cùng với đó, kiên quyết chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ từ huyện đến cơ sở. Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc từ cơ sở, ngăn chặn điểm nóng phát sinh, huyện đã thành lập nhiều tổ công tác liên ngành trực tiếp xuống cơ sở giải quyết vướng mắc; tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra tại các địa phương, xử lý kịp thời, kiên quyết những vụ việc vi phạm của cán bộ, đảng viên; giúp cơ sở giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu tố của công dân góp phần ổn định tình hình. Cùng với chỉ đạo xử lý vi phạm, huyện thường xuyên động viên, biểu dương những đơn vị làm tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến, lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để tạo sự đồng thuận, khơi dậy và phát huy tiềm năng trong dân.

Xác định vấn đề phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là nền tảng bền vững của phong trào ở mỗi địa phương, huyện luôn quán triệt quan điểm coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Huyện chỉ đạo phát triển, mở rộng ngành nghề, thu hút đầu tư, tận dụng thế mạnh của địa phương, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn trồng trọt với chăn nuôi, phát huy tiềm năng đất đai, nhân lực đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả gieo trồng cây vụ đông ở các xã, thị trấn; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Cùng với việc chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo và thực hiện các giải pháp của huyện, tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, mỗi xã lại tìm ra "điểm nút" cần tháo gỡ để có những bước đi, cách làm giải quyết yếu kém khá đa dạng, hiệu quả. Bí thư Đảng ủy xã Tam Đa Trương Xuân Yêm cho rằng “Có thực mới vực được đạo”. Khi đời sống nâng lên rõ nét, dân mới tin. Do vậy, bước đi đầu tiên của xã là đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Phát hiện cây vải lai u có ưu thế ở vùng trũng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên xã khuyến khích nhân dân đưa vào trồng. Vải lai u trở thành cây xóa nghèo, làm giàu. Cùng với đó, Đảng bộ xã chú trọng củng cố các chi bộ thôn, xóm, duy trì lề lối sinh hoạt, làm việc từ cấp ủy, chi bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng.

Đảng bộ xã Đình Cao trước hết tập trung củng cố đoàn kết, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ, phát huy năng lực, sở trường từng người. Mặt khác, xã tiến hành rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, gây dựng lòng tin với nhân dân, trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế. Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Chuốc cho rằng: Nếu tự tin, quyết tâm làm thì việc gì cũng làm được. Đầu tiên xã cố gắng xây dựng chợ, tạo điều kiện chợ Đình Cao trở thành điểm thu hút, mở rộng buôn bán, trao đổi hàng hóa, tiêu thụ nông sản trong vùng, qua đó thúc đẩy kinh tế dịch vụ của xã phát triển. Đồng ruộng được quy hoạch lại hình thành mô hình trang trại tập trung, huy động sức dân làm thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương phục vụ sản xuất.

Xã Minh Hoàng cũng bắt đầu từ việc bố trí lại đội ngũ cán bộ để có sự đoàn kết nhất trí cao, thực sự gương mẫu, củng cố niềm tin của nhân dân. Đảng viên luôn là người đi đầu, vận động, lôi cuốn quần chúng thực hiện các nghị quyết của Đảng. Đảng bộ xã và các chi bộ có nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Đảng bộ xã Minh Tiến xác định: Trước hết phải chăm lo cuộc sống của dân. Xã vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, phá tre, dứa dại để trồng vải lai, cải tạo ao hồ nuôi thủy sản hàng hóa. Xã vừa vận động nhân dân phát huy nội lực, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của trên trong xây dựng kiến thiết. Đảng bộ xã củng cố đội ngũ cán bộ từ xã tới thôn, phân công đảng viên phụ trách hộ dân, cụm dân cư; chỉ đạo các chi bộ duy trì lề lối làm việc, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Hàng tháng, đảng ủy viên phụ trách địa bàn phải báo cáo bằng văn bản những việc đã làm được, chưa làm được với Đảng ủy theo chức trách nhiệm vụ.

Xã Quang Hưng bắt đầu từ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Xuân Thảo mộc mạc giãi bầy: Cán bộ miệng nói tay làm, dân mới nghe, mới theo. Các công trình trước khi xây dựng đều được thông báo, bàn bạc công khai với dân nên được dân ủng hộ nhiệt tình. Dân được biết, được bàn, được kiểm tra nên phấn khởi, tin tưởng vào cán bộ, đảng viên, những hiềm khích, nghi kỵ được xóa bỏ, lòng dân ý Đảng đồng thuận. Các tổ chức chính trị-xã hội được củng cố phát huy vai trò nòng cốt vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong phát triển kinh tế, xã đưa những giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy, khuyến khích mở mang dịch vụ, ngành nghề như xây dựng, sản xuất vật liệu, buôn bán nhỏ nhờ đó kinh tế của xã phát triển khá nhanh, nâng cao đời sống nhân dân.

Bằng sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, nhân dân, việc giải quyết cơ sở yếu kém, nổi cộm ở Phù Cừ bước đầu có hiệu quả, nhiều địa phương dần ổn định, đơn thư khiếu kiện giảm, kinh tế - xã hội chuyển biến rõ nét.

(Còn nữa)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực