Hiệu quả từ chương trình nuôi bò thịt vỗ béo và bò nhốt thâm canh ở Văn Giang

Thứ tư, 11/04/2012 17:02

Sau gần 3 năm triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt giống Brahman đỏ lai sind có năng suất, chất lượng cao cho nhân dân vùng bãi” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện tại địa bàn 2 xã của huyện Văn Giang là Thắng Lợi và Xuân Quan, đến nay bước đầu đã cho hiệu quả khả quan.

Khi bắt đầu triển khai có 31 hộ dân ở 2 xã tham gia với tổng số bò trong dự án là 227 con. Qua gần 3 năm thực hiện cho thấy, giống bò Brahman đỏ lai sind sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện vùng đất bãi, qua các giai đoạn đều tăng trọng nhanh hơn bò bình thường. Đến nay, tổng đàn bò lai sind của huyện là khoảng 1300 con (có thời điểm lên đến 1500- 1600 con) và khoảng trên 200 con bò sữa. Ngoài hai xã Xuân Quan và Thắng Lợi có đàn bò lai sind lớn nhất huyện thì các xã: Phụng Công, Mễ Sở, thị trấn Văn Giang cũng có số lượng bò tương đối nhiều.

 

Đàn bò Brahman đỏ lai sind của gia đình anh Nguyễn Văn Huân ở
 xã Xuân Quan (Hưng Yên). Ảnh: báo Hưng Yên
 


Xã Xuân Quan có trên 50 hộ nuôi với gần 500 con, chiếm 1/3 tổng đàn bò toàn huyện. Trong những năm gần đây, người dân đã chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò, đưa giống bò lai vào nuôi thay thế đàn bò truyền thống và bước đầu đã đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Từ giống bò lai sind trước khi xuất bán, một số hộ nông dân đã áp dụng phương thức vỗ béo trước khi xuất chuồng để nâng cao chất lượng sản phẩm thịt, nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn. Nếu nuôi thông thường từ khi bê 6 tháng tuổi có trọng lượng khoảng 100 kg, đến khi 18 tháng tuổi trung bình trọng lượng đạt khoảng trên dưới 300 kg. Nếu nuôi ở chế độ chăm sóc vỗ béo, tăng cường dinh dưỡng có thể đạt tới 320kg/con, trong khi đó thức ăn chi phí như nhau.

Anh Nguyễn Văn Huân, thôn 12, xã Xuân Quan thực hiện mô hình nuôi bò thịt vỗ béo đem lại giá trị thu nhập cao. Từ nhiều năm nay, mỗi năm gia đình anh Huân nuôi được 3 lứa bò lai sind, mỗi lứa từ 8- 10 con bò thịt, thời gian từ khi nuôi đến khi xuất chuồng khoảng 4 tháng. Mỗi con bò khi mua về nuôi có trọng lượng là 70 kg thịt với giá từ 9- 10 triệu đồng/con, khi bán ra được 20- 21 triệu đồng/ con. Như vậy, trừ mọi khoản chi phí tính ra mỗi năm gia đình anh Huân thu về 50- 60 triệu đồng tiền lãi từ đàn bò. Để lấy thức ăn cho đàn bò, gia đình anh Huân trồng thêm 4 sào cỏ voi và tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp như: rơm, cây ngô, cây chuối làm thức ăn cho bò. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò thịt đem lại hiệu quả, anh Huân cho biết: “Nuôi bò thịt nhốt, trước hết chuồng trại phải kiên cố, nền láng xi măng, máng ăn sạch sẽ bảo đảm vệ sinh, bò phải được xổ sán, tiêm phòng đầy đủ, trồng cỏ mỗi con từ 300 - 400 mét vuông, kết hợp với cho ăn thức ăn bột, mỗi con 1kg/ngày là khi nuôi bình thường, còn thời gian vỗ béo trước khi xuất chuồng khỏang hai tháng thì cho ăn 3-4 kg/ngày”.

Cũng nuôi theo mô hình vỗ béo bò thịt trước khi xuất chuồng, anh Đàm Ngọc Lương ở xã Xuân Quan nuôi 5- 7 con bò thịt và trồng 3 sào cỏ voi lấy thức ăn cho bò. Tâm sự với chúng tôi, anh Lương nói: “Trong quá trình nuôi vỗ béo từ 2 - 2,5 tháng, các chủ vật nuôi thường tập trung đầu tư thức ăn tinh nhiều hơn và thường xuyên vệ sinh chuồng trại và chăm sóc bò kỹ hơn để bò chóng lớn. Ở giai đoạn này, đối với những con bò có bộ khung lớn thì tăng trọng rất nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao. Nuôi bò nhốt thâm canh kết hợp với vỗ béo đem lại nhiều cái lợi, đó là cho thu nhập cao lại không tốn thời gian chăn dắt, các thành viên trong gia đình ai cũng chăm sóc được cho đàn bò, nuôi bò vỗ béo dễ bán, lại được giá cao và được người tiêu dùng ưa chuộng”. Từ nguồn thu nhập nuôi bò kết hợp với nuôi lợn, gà, trồng trọt nên kinh tế của gia đình anh Huân, anh Lương và nhiều hộ dân đã ổn định, nhờ đó, các gia đình có điều kiện lo cho con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang, cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể.

Với điều kiện của địa phương và hiệu quả từ chương trình cải tạo đàn bò đem lại, để hỗ trợ cho người dân chăn nuôi bò Brahman đỏ lai sind, hàng năm, Phòng Nông nghiệp huyện Văn Giang đều tổ chức 4- 5 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch bệnh cho đàn bò. Ngoài ra phòng còn phối hợp với các ngành, các cấp đến từng xã, từng hộ dân tập huấn cho bà con phương pháp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Chương, Phó phòng Nông nghiệp huyện Văn Giang cho biết: “Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tập trung phát triển tăng số lượng đàn bò lai sind, đồng thời tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân, nhân rộng các mô hình nuôi bò nhốt thâm canh và nuôi bò vỗ béo nhằm đưa chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, việc chăn nuôi bò lai sind của nông dân còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu vốn trong khi chi phí để đầu tư xây dựng chuồng trại, thuê đất nông nghiệp lại cao, tỉnh không có chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên người dân không thể mở rộng diện tích trồng cỏ voi lấy thức ăn cho bò, những ngành nghề phụ khác phát triển hơn… là những nguyên nhân khiến số lượng bò hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng của huyện”.

Dự án chăn nuôi bò lai sind trên địa bàn huyện Văn Giang bước đầu đã được người dân đánh giá cao và mong muốn được tiếp tục duy trì, mở rộng, đồng thời giúp cho nông dân có thêm sự lựa chọn. Thành công của mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt nói riêng và hiệu quả kinh tế vùng bãi của tỉnh nói chung.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực