Hiệu quả từ tiêm phòng gia súc, gia cầm ở Hưng Yên

Thứ sáu, 04/05/2012 11:25

Từ đầu năm đến nay, công tác tiêm vắc-xin, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được triển khai đồng bộ và nhanh chóng nên không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc, tai xanh ở lợn. Chỉ rải rác có một số bệnh thông thường như: tiêu chảy, viêm phổi…

Một số ít gia súc, gia cầm mắc bệnh tụ huyết trùng, niu-cát-xơn, dịch tả, song số lượng không nhiều và được xử lý kịp thời. Ngành chăn nuôi tỉnh đánh giá, từ đầu năm đến nay công tác phòng chống dịch bệnh đã được triển khai thực sự có hiệu quả, thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng đồng thời tuyên truyền vận động để người chăn nuôi nâng cao hiểu biết, ý thức phòng dịch hơn chống dịch, chăn nuôi bền vững và an toàn hơn. Vụ xuân năm nay, Chi cục Thú y đã cấp phát số lượng vắc-xin đầy đủ theo số lượng đăng ký, đồng thời các địa phương cũng tích cực triển khai tiêm phòng theo đúng thời gian, cơ bản đạt 100% kế hoạch. Trong đó, đã cấp trên 20.400 liều vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu bò, trên 367.000 liều vắc-xin tổng hợp 3 bệnh đỏ ở lợn (bệnh tụ huyết trùng, đóng dấu và dịch tả), cấp trên 68.000 liều vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc (trâu, bò, lợn, dê, cừu). Đến giữa tháng 4, các địa phương đã tiến hành tiêm phòng xong 100% kế hoạch, tiêm đúng, đủ liều lượng và đối tượng.

Ông Hoàng Văn An, phó chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: “Ngoài tuyên truyền cho người chăn nuôi, cán bộ chuyên môn và cán bộ phụ trách đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm phòng, bảo đảm công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đúng kỹ thuật, an toàn cho người và vật nuôi”.

Tại khu vực đã từng xảy ra dịch bệnh nguy hiểm những năm trước như: lở mồm long móng trên gia súc, tai xanh ở lợn, dịch cúm ở gia cầm, công tác tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại được đặc biệt quan tâm. Một số địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn, chăn nuôi tập trung như các huyện: Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động, Văn Lâm… cán bộ của trạm thú y các huyện đã tích cực trong việc rà soát, thống kê đối tượng gia súc, gia cầm trong diện tiêm, đăng ký đầy đủ số lượng vắc-xin và triển khai tiêm phòng tập trung, khẩn trương nhất có thể. Sở dĩ các địa phương đều tiêm phòng đạt kết quả tốt bởi một phần hiệu quả từ việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng dịch, một phần người chăn nuôi hiểu rõ hơn ai hết những thiệt hại khủng khiếp mà dịch bệnh gây ra. Ông Nguyễn Văn Trung, chủ hộ chăn nuôi xã Lạc Đạo (Văn Lâm) cho biết: "Thời gian trước kia chỉ vì lơ là trong phòng dịch, chủ quan không tiêm phòng cho đàn lợn mà hầu hết số lợn của gia đình tôi nhiễm bệnh tai xanh, thiệt hại tới vài trăm triệu đồng. Công tác phòng dịch thực sự là số một với người chăn nuôi, để chăn nuôi an toàn, chúng tôi đã triển khai tiêm phòng đầu đủ cho đàn gia súc, gia cầm đồng thời kết hợp chế độ ăn uống, vệ sinh chuồng trại phù hợp để vật nuôi luôn khỏe mạnh”.

Thành phố Hưng Yên là nơi có nhiều hoạt động trung gian, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm nên ngay khi có vắc-xin và lịch tiêm phòng, trạm thú y thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động tới toàn bộ người chăn nuôi, triển khai tiêm nhanh, đủ, đúng quy định. Kết quả đã tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh dịch theo kế hoạch chung của tỉnh cho đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm với trên 12.500 con lợn được tiêm 3 bệnh đỏ, gần 2.500 gia súc được tiêm phòng lở mồm long móng, gần 1.400 con chó mèo được tiêm phòng bệnh dại…

Các chủ trang trại, hộ chăn nuôi cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng dịch, góp phần hình thành ý thức chăn nuôi an toàn thường trực. Ông Trần Hữu Thanh (xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên) hiện nuôi khoảng 100 lợn nái và vài chục lợn thịt. Chăn nuôi đã gần 10 năm nay và nhiều năm trở lại đây trang trại của gia đình ông không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Ông Thanh cho biết đã đầu tư chuồng trại quy mô hướng công nghiệp, khép kín, có hệ thống làm mát, thông gió và hầm khí bi-ô-ga. Tuy đầu tư cao nhưng hiệu quả kinh tế và hiệu quả phòng dịch lại rất tốt và lâu dài. Mỗi dãy chuồng trại đều có bể nước vệ sinh, sát khuẩn trước khi ra, vào, rắc vôi bột trên lối đi và định kỳ phun thuốc tiêu độc, khử trùng vào chủ nhật hàng tuần. Những việc làm vệ sinh phòng dịch được áp dụng với tất cả mọi người, từ khách tham quan, mua hàng, tới công nhân vệ sinh, chủ trang trại… khi ra vào chuồng trại. Đặc biệt là tiêm phòng, luôn tiến hành đầy đủ, đúng đối tượng, từ lợn nái, lợn con tới lợn thịt. “Gia đình tôi đã chủ động mua vắc-xin phòng bệnh tai xanh cho đàn lợn từ hơn 1 tuần nay, tiêm cho 100% lợn nái. Nhờ phòng dịch tốt nên ngay cả những bệnh thông thường cũng rất ít xảy ra. Đàn lợn khỏe mạnh, luôn được thương lái đánh giá cao, yên tâm cho người chăn nuôi khi họ mua con giống của trang trại”, ông Thanh cho biết. Trang trại của ông Thanh đang đề nghị ngành chức năng thẩm định để đạt tiêu chuẩn cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chí của Cục thú y. Thời gian tới, việc cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh do Cục thú y chứng nhận, sẽ là điều kiện tốt để người chăn nuôi khẳng định chất lượng gia súc, gia cầm, là tiền đề cho phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong toàn tỉnh.

Hiện nay, người chăn nuôi các địa phương vẫn tiếp tục đề cao cảnh giác, phòng chống các loại dịch bệnh dễ gặp vào mùa hè cho gia súc, gia cầm. Công tác phòng chống dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn đang được toàn tỉnh tập trung, tăng cường theo dõi, các hộ chăn nuôi chủ động trong mua thuốc và tiêm phòng cho gia súc của mình. Được biết, Chi cục Thú y chuẩn bị triển khai việc tiêm phòng bệnh lở mồm long móng nhắc lại mũi 2 cho gia súc trong tháng 5, thống kê đầy đủ đối tượng gia súc trong diện tiêm để triển khai đúng tiến độ, số lượng với quyết tâm không để dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng tới hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực