Đoàn kết, năng động, sáng tạo, Hội cựu chiến binh huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên trong nhiều năm qua không ngừng đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thiết thực, động viên CCB nêu cao ý chí, tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đây là điểm sáng trong phong trào CCB giúp nhau nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Trong nhiệm kỳ 2007 - 2012, Hội CCB huyện Ân Thi luôn coi trọng thực hiện nhiệm vụ chăm lo, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho cán bộ, hội viên CCB. Hoạt động của hội không ngừng đổi mới, sáng tạo từ cách nghĩ, cách làm, từng bước tìm cách tháo gỡ những khó khăn, giúp CCB xóa nghèo hiệu quả.
Ông Trần Quang Chử, Chủ tịch Hội CCB huyện Ân Thi cho biết: "Trong hoạt động công tác của hội, chúng tôi luôn động viên hội viên là: Phát huy bản lĩnh người lính "Bộ đội cụ Hồ", trong thời chiến không ngại khó khăn, gian khổ, cựu chiến binh trong thời bình mạnh dạn chống đói nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Các hội viên vừa là ông, bà, cha, mẹ, mẫu mực đối với con, cháu, vừa là những "chiến sĩ" trên mặt trận kinh tế để tự tháo gỡ khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, phong trào đã thành công bước đầu, hội viên thêm tin yêu vào tổ chức Hội". Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời điểm đầu năm 2007, toàn huyện có 6.832 hội viên trong đó có 653 hộ CCB nghèo, chiếm 9,5%. Phong trào CCB làm kinh tế chưa được hội viên tham gia tích cực, nhiều hội viên lúng túng trong việc tìm hướng thoát nghèo, cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Toàn huyện mới có 227 hội viên CCB làm kinh tế trang trại. Trước tình hình đó, các cấp hội CCB trong huyện đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế gia đình, triển khai tới toàn thể cán bộ, hội viên. Đồng thời hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, động viên cựu chiến binh - cựu quân nhân (CCB - CQN) hăng hái lao động sản xuất, nâng cao đời sống, xoá nghèo làm giàu chính đáng.
Có thể nói, phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế, xoá nghèo, làm giàu hợp pháp có tác động thiết thực tới các cán bộ, hội viên. Cán bộ hội đã chủ động nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương để triển khai. Hội viên đoàn kết, gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm, giống vốn, giúp nhau phát triển sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động hỗ trợ hội viên CCB - CQN được các cấp hội CCB coi trọng và làm thường xuyên như: tích cực tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, chuyển giao KHKT, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, tổ chức tọa đàm, tham quan học tập các mô hình hay đã giúp hội viên CCB nâng cao kiến thức KHKT, kinh nghiệm thực tiễn để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. 5 năm qua, các cấp hội đã tổ chức trên 40 lớp chuyển giao KHKT cho 2.500 hội viên tham dự. Nội dung tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi lợn, nuôi trồng thuỷ sản, chiết ghép cây, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, sử dụng thuốc BVTV… Bên cạnh đó, Hội đã nhận ủy thác vốn vay từ ngân hàng CSXH huyện trên 23 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho trên 2.556 lượt hội viên vay phát triển sản xuất, đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn vay cho 463 tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm. Các tổ tiết kiệm và vay vốn đã tiến hành 105 cuộc kiểm tra với các cơ sở hội và 1.000 hộ vay vốn. Qua đó đã giúp hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Chúng tôi đến thăm mô hình trang trại chăn nuôi của ông Trần Văn Điển ở thôn Bảo Tàng, xã Quảng Lãng đúng lúc ông cho "xuất chuồng" đàn lợn thịt trên 100 con với sản lượng gần 10 tấn "thịt hơi". Trong trang phục bộ quần áo bộ đội bạc màu, trán lấm tấm mồ hôi, đôi mắt ông ánh lên niềm vui với thành quả lao động vừa được thu hoạch. Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi được biết, đây là mô hình VAC phát triển kinh tế khá bền vững, có được thành công là nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm, không nản chí, phát huy bản lĩnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời bình. Ông Điển cho biết, thời gian mới bắt tay vào chăn nuôi, do kinh nghiệm còn hạn chế và thông tin về thị trường chưa nắm vững nên chăn nuôi chưa cho hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Đang trong lúc nản chí thì ông gặp may mắn khi Hội CCB các cấp đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế gia đình. Hội CCB xã kết hợp với các đơn vị chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, tín chấp cho hội viên vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Với những kiến thức đã được tham gia các lớp tập huấn và nguồn vốn vay ưu đãi, ông mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi và từng bước thành công. Thời điểm chăn nuôi phát triển, trong trang trại thường xuyên nuôi 20 con lợn nái và 500 con lợn thịt, hàng năm xuất ra thị trường gần 100 tấn thịt hơi. Mô hình trang trại này mỗi năm cho gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng, nhờ đó đời sống gia đình được cải thiện nâng cao. Hiện nay chăn nuôi đang gặp khó khăn về vốn đầu tư và dịch bệnh luôn “rình rập” nên số lượng lợn nái và đàn lợn thịt của trang trại ông Điển đã giảm một chút, tuy nhiên ông Điển vẫn duy trì chăn nuôi ở mức ổn định.
Ở huyện Ân Thi, ngoài ông Lê Văn Điển còn nhiều tấm gương cựu chiến binh điển hình mạnh dạn đầu tư mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình VAC của ông Vũ Tuấn Hải, Chủ tịch Hội CCB xã Bãi Sậy, đầu tư nuôi cá, ba ba, hươu và trồng cây ăn quả, hàng năm thu lãi gần 200 triệu đồng. Mô hình VAC nuôi ba ba, cá, trồng các loại cây ăn quả của hội viên Hoàng Văn Đông xã Hạ Lễ hàng năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi của CCB Trần Xuân Hương xã Đặng Lễ thường xuyên nuôi lợn nái, lợn giống, thu lãi trên 200 triệu đồng. Hội viên Nguyễn Văn Lượt ở xã Đào Dương xây dựng mô hình trang trại VAC, trồng cây cảnh với diện tích hơn 1,5 ha, hàng năm thu lãi trên 180 triệu đồng…
Trước nhu cầu phát triển kinh tế, ngoài động viên CCB sản xuất nông nghiệp, hội đã động viên CCB xây dựng được 6 công ty, hợp tác xã, đồng thời duy trì hoạt động các làng nghề truyền thống, kinh doanh dịch vụ vận tải, dịch vụ xây dựng… Điển hình như Công ty TNHH Thịnh Hưng của hội viên Nguyễn Trọng Tú hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, giao thông với nguồn vốn cố định trên 15 tỷ đồng. Công ty đã thành lập chi bộ Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên hoạt động hiệu quả. Công ty thường xuyên tạo việc làm cho trên 30 lao động với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng/người. Hợp tác xã chạm bạc Phù Ủng với nhiều CCB tham gia đã tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất sang nước Lào. Hiện nay, HXT tạo việc làm ổn định cho 800 lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng…
Nhờ các hoạt động hỗ trợ thiết thực của Hội CCB các cấp, các hội viên đã tích cực hưởng ứng tham gia phong trào làm kinh tế ở địa phương. Đến nay, toàn huyện có 516 gia đình CCB làm kinh tế VAC. Mức thu lãi trung bình của mỗi trang trại, mô hình đạt từ 70-80 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình trang trại có mức thu từ 500-800 triệu đồng/năm. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp hội, phong trào CCB hỗ trợ nhau cũng được đẩy mạnh. Các gia đình kinh tế khá đã hỗ trợ vốn, giống, kinh nghiệm cho các CCB có nguyện vọng vươn lên thoát nghèo. 5 năm qua, các hội viên CCB đã giúp nhau tiền vốn hơn 200 triệu đồng và hàng nghìn cây giống, con giống vật nuôi… trị giá gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội đã chỉ đạo thành lập CLB CCB - CQN làm kinh tế với 32 thành viên. CLB đã hoạt động nền nếp, xây dựng quỹ hội được gần 20 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 320 lao động.
Từ phong trào CCB giúp nhau nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng đã nâng cao đời sống của CCB và CQN. Đến nay, trong số hội viên Hội CCB huyện Ân Thi, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6%, tỷ lệ hộ giàu và khá chiếm 75%. Với những thành tích đã đạt được, Hội CCB huyện Ân Thi đã được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Phát huy kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ 2012-2017, Hội CCB huyện đề ra chỉ tiêu đến năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1%, tỷ lệ hộ giàu và khá tăng 78%, trong đó hộ giàu chiếm 38% trở lên. Để hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đã đề ra, Hội CCB huyện tiếp tục động viên CCB - CQN nêu cao tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; các cấp hội triển khai các hoạt động hỗ trợ vốn, kiến thức KHKT cho CCB - CQN ; nhân rộng các mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế… Ông Trần Quang Chử, Chủ tịch Hội CCB huyện Ân Thi chia sẻ những điều tâm huyết: "Những cựu chiến binh từng kề vai sát cánh trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, nay trở về cuộc sống đời thường lại cùng bước tiếp để thoát cái nghèo, cái khó. Chúng tôi tin rằng, phát huy bản lĩnh "Bộ đội cụ Hồ", các cựu chiến binh sẽ thành công trong lĩnh vực phát triển kinh tế, vừa cải thiện đời sống gia đình, vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội".