Hưng Yên: Báo động tình trạng xả bừa bãi rác thuốc bảo vệ thực vật

Thứ ba, 26/06/2012 17:45

 

Nông dân xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) xả rác thải thuốc BVTV bừa bãi.
 Ảnh: Báo Hưng Yên
 

Sau mỗi đợt phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng, trừ sâu bệnh gây hại cây trồng, tại các cánh đồng ở Hưng Yên, vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV lại được vứt tràn lan, bừa bãi trên mương máng. Tình trạng trên không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của con người mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước do dư lượng thuốc BVTV tồn đọng.

Xã Trung Nghĩa có vùng chuyên canh trồng rau vụ xuân hè lớn nhất thành phố Hưng Yên với trên 20 héc – ta. Đặc thù của các loại cây trồng này là sử dụng rất nhiều lần thuốc BVTV/1 vụ, trung bình một vụ rau, người nông dân phải phun thuốc từ 5 – 7 lần, còn khi thời tiết thất thường thì con số này lên tới trên 10 lần. Thuốc BVTV được sử dụng ngày càng nhiều thì lượng bao bì, chai lọ xả thải ra môi trường ngày càng lớn trong khi ý thức của người sử dụng còn hạn chế. Chị T.T.H, một người dân xã Trung Nghĩa cứ vô tư quẳng bao bì của những gói thuốc trừ sâu xuống máng nước ngay đầu ruộng nhà mình. Khi chúng tôi hỏi : "Chị có biết việc làm vừa rồi đã gây ô nhiễm môi trường không?, thì chị H điềm nhiên trả lời: “Chúng tôi quen rồi, lần nào phun thuốc xong tôi chẳng làm như vậy, có thấy bị làm sao đâu”. Chúng tôi thấy rất ái ngại trước thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của chị H. Chính sự thiếu hiểu biết cùng thói quen “làm đâu xả rác đó” của người nông dân đã tác động tiêu cực đến môi sinh và môi trường sống. 

Bao bì đựng thuốc BVTV rất lâu phân hủy, gây độc hại cho đồng ruộng. Một lượng thuốc BVTV dư thừa sau khi sử dụng đã ngấm vào đất, nước gây ô nhiễm ruộng đồng. Nếu trước đây, đồng ruộng lắm cua nhiều cá, bà con nông dân mỗi khi đi thăm đồng có thể dễ dàng bắt con cua, con cá về để cải thiện bữa ăn cho gia đình thì nay chúng ta có đi mỏi chân trên các cánh đồng cũng họa may mới tìm được vài con. Không thiếu ý thức như chị H nhưng bà Bùi Thị Chính ở thôn Sĩ Quý (xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ) lại rất lúng túng khi không biết xử lý rác thuốc BVTV như thế nào. Bà Chính chia sẻ: “Nhà tôi trồng 5 sào màu, mỗi vụ phải phun thuốc trừ sâu từ 5 – 7 lần mà mỗi lần phun thường kết hợp 2 – 3 loại thuốc nên vỏ bao bì thuốc trừ sâu là rất lớn. Được biết các vỏ bao bì đựng thuốc trừ sâu rất độc hại nên sau sử dụng tôi thường gói gọn vào túi nilon. Nhưng trên cánh đồng lại không có chỗ vứt rác tập trung thành ra cứ buộc chặt để ở đầu bờ, làm như vậy cũng chỉ được vài ngày, mưa gió, lại cuốn theo những túi đó trôi nổi khắp mương máng". Ông Lê Thanh Chiền, Phó chủ tịch UBND xã Nguyên Hòa cho biết, xã đã vận động bà con nông dân gói gọn các bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng vào túi nilon nhưng do chưa có kinh phí để xây dựng các bể thu gom rác nên cứ qua vài trận mưa to thì các bao bì đó lại theo dòng nước tràn lan trên đồng ruộng.

Việc xả rác bừa bãi hay lúng túng trong khâu xử lý rác thuốc BVTV không chỉ là câu chuyện riêng của người nông dân xã Trung Nghĩa và xã Nguyên Hòa mà nó còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Thói quen xả bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV ngoài đồng của nông dân đang trở thành vấn nạn gây ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư. Theo thống kê của ngành chức năng, hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng hơn 400 tấn thuốc BVTV được thải ra môi trường. Chưa kể 2% lượng thuốc BVTV còn sót lại trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc sau khi sử dụng. Do đó, việc nông dân vứt rác thải bừa bãi ra ngoài đồng đã vô tình thải thêm hàng chục tấn thuốc ra môi trường sống. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã khắc phục tồn dư thuốc BVTV trên đồng ruộng bằng cách xây dựng các bể thu gom rác thải nhưng nơi để rác BVTV ở đó cũng còn nhiều bất cập. Đa số địa phương sử dụng ống hình tròn làm bằng bê – tông. Các ống này không có đáy, không có nắp đậy. Do vậy, khi gặp mưa thì lượng thuốc tồn dư ở bao bì chảy ra ngoài. Bao bì thuốc BVTV vẫn được mang đi đổ lẫn với rác sinh hoạt, không được phân loại để xử lý riêng. Theo ông Nguyễn Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, rác BVTV cần được thu gom, phân loại và xử lý riêng bởi chúng rất độc hại. Mỗi cánh đồng nên có 3 -5  bể chứa bao bì thuốc BVTV được xây dựng đúng kỹ thuật (có đáy và có mái che) và sau đó phải tổ chức thu gom rác theo định kỳ để chuyển đến đơn vị có thẩm quyền tiêu hủy. Các cơ quan chức năng cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tích cực sử dụng biện pháp sinh học, vật lý, sử dụng thiên địch để phòng, trừ dịch hại, giảm sự lệ thuộc vào thuốc hóa học, đặc biệt khi sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc “4 đúng”. Đối với các vùng có nguy cơ ô nhiễm cao do sử dụng thuốc BVTV cần có nghiên cứu cụ thể, từ đó đề ra các giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực