Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình, năm 2009, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, Ban dân số xã Quang Hưng (Phù Cừ, Hưng Yên) đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền DS-KHHGĐ lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Theo đó mỗi thôn thành lập câu lạc bộ không sinh con thứ ba, gia đình phát triển bền vững.
Chúng tôi về Quang Hưng đúng dịp câu lạc bộ không sinh con thứ 3 thôn Thọ Lão đang tổ chức buổi sinh hoạt định kỳ. Mỗi quý một lần, dù bận rộn 30 thành viên của câu lạc bộ thu xếp công việc lại có mặt đông đủ ở nhà văn hóa thôn để dự buổi sinh hoạt. Trong không khí sôi nổi, các thành viên đang trao đổi, phổ biến những chính sách mới của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ, cách sử dụng các biện pháp tránh thai, những lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch, cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan và mô hình gia đình nhỏ... Ai cũng hào hứng đưa ra ý kiến phát biểu của mình để buổi sinh hoạt thêm phần ý nghĩa và đúng trọng tâm. Trò chuyện với chị Bùi Thị Hoa, chủ nhiệm câu lạc bộ thôn Thọ Lão, chị tâm sự: “Ở thôn Thọ Lão, sau khi được ban chủ nhiệm đến vận động, chị em đã tham gia câu lạc bộ không sinh con thứ ba, cùng nhau phát triển kinh tế, hạn chế có thai ngoài ý muốn bằng nhiều biện pháp khác nhau. Những đối tượng chúng tôi vận động vào câu lạc bộ đều là chị em trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt có tới gần một nửa là đã sinh hai con gái. Để câu lạc bộ duy trì hoạt động tốt, các buổi sinh hoạt được câu lạc bộ bố trí hợp lý để chị em thu xếp được công việc đồng áng, chăn nuôi”… Ngoài các nội dung tuyên truyền trong buổi sinh hoạt, chúng tôi phải lồng ghép tuyên truyền vào những buổi họp của thôn, buổi sinh hoạt của các đoàn thể thôn, để chính sách DS-KHHGĐ thực sự đến được mọi người dân".
Khi đã nhận thức đầy đủ chính sách DS-KHHGĐ, các thành viên trong câu lạc bộ cũng chính là những tuyên truyền viên tích cực cho những người xung quanh cùng thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, thực hiện mô hình gia đình ít con để phát triển kinh tế…
Sinh hoạt ở câu lạc bộ ngay từ những ngày đầu thành lập, chị Trần Thị Hoa – một nữ giáo dân tâm sự: "Những năm trước, tôi định sinh thêm con thứ ba khi đã có 2 con trai, với suy nghĩ thêm con thêm của. Nhưng các chị ở Hội phụ nữ và Ban dân số tới tận nhà giải thích cho tôi và gia đình hiểu về những lợi ích của việc sinh ít con, tôi thấy đúng nên làm theo. Các chị cũng vận động tôi tham gia câu lạc bộ không sinh con thứ ba. Từ khi tham gia câu lạc bộ, tôi thấy quyết định không sinh con thứ ba là đúng bởi có điều kiện nuôi nấng 2 con, chăm sóc gia đình. Các chị em ở câu lạc bộ cũng nhận thức được điều này, nhiều chị em có 2 con gái rồi nhưng cũng không sinh thêm mà quyết tâm nuôi dưỡng cho các con ăn học đầy đủ...”.
Chị Nguyễn Thị Ton - Chủ nhiệm câu lạc bộ không sinh con thứ 3 của thôn Quang Xá chia sẻ: "Tôi cùng một số chị em ở đây tham gia cả câu lạc bộ nữ doanh nhân. Một mặt chúng tôi lồng ghép những hoạt động tuyên truyền về DS-KHHGĐ đối với câu lạc bộ nữ doanh nhân. Mặt khác học hỏi cách làm ăn, buôn bán của chị em bên ấy rồi cùng chia sẻ và phổ biến cho chị em trong câu lạc bộ không sinh con thứ 3. Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 của thôn có 30 chị em tham gia. Phần lớn là những chị em sinh 2 con 1 bề. Cái khó chung của câu lạc bộ là nhiều gia đình có điều kiện, ngoài quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường thì nặng nề hơn họ quan niệm đông con nhiều cháu cho vui cửa vui nhà...". Để vận động chị em cùng thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, các thành viên câu lạc bộ không sinh con thứ ba và câu lạc bộ nữ doanh nhân có sự phối hợp để có thêm kinh phí hoạt động, tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, đồng thời học hỏi lẫn nhau cách làm giàu, kinh nghiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Có lẽ đây là cách làm sáng tạo của chị em trong thôn mà các địa phương khác cần quan tâm, học hỏi. Câu lạc bộ hoạt động có chủ đề chính, ngoài ra tổ chức tọa đàm về một nội dung nào đó, tổ chức văn hóa văn nghệ lồng ghép tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ. Trong quá trình hoạt động nếu như vấn đề nào chưa được thống nhất quan điểm trong các thành viên thì câu lạc bộ đưa ra làm chủ điểm để cùng trao đổi, tọa đàm.
Nhờ có sự hoạt động của các câu lạc bộ không sinh con thứ 3 đã góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã khá hiệu quả. Tuy nhiên quá trình hoạt động, mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3 vẫn gặp nhiều khó khăn như: Chi phí cho hoạt động của câu lạc bộ hạn chế; tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ăn sâu bám rễ vào tiềm thức của không ít người dân nên việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Hy vọng, trong thời gian tới, các câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3” sẽ được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa, mở rộng ra nhiều địa phương để góp phần ổn định tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.