|
Ảnh minh họa. (Nguồn: báo Hưng Yên) |
Những năm qua, vượt qua nhiều khó khăn ngành điện tỉnh Hưng Yên rất nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp xây dựng hệ thống lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng, giảm thiểu tình trạng điện yếu ở khu vực nông thôn.
Hiện nay, tỉnh đã cơ bản chủ động về nguồn điện. Nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là khu vực nông thôn được thụ hưởng dự án và vốn đầu tư từ ngành điện đã cải tạo được lưới điện, nâng cao rõ rệt chất lượng điện phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân.
Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 1 trạm biến áp (TBA) 110kV Phố Cao công suất 2x25.000kVA; 6 TBA trung gian 35/10(6)kV với tổng công suất đặt 15,7 nghìn kVA; 631,6 km đường dây trung áp và 545 TBA phân phối với tổng công suất đặt hơn 141,5 nghìn kVA. Nguồn điện tỉnh Hưng Yên lúc đó còn phải phụ thuộc nhiều vào việc cấp điện từ các tỉnh Hải Dương, Thái Bình và thành phố Hà Nội. Đến nay, tỉnh đã có 8 TBA 110kVA với tổng công suất 598 nghìn kVA (tăng 6 trạm với công suất là 548 nghìn kVA so với năm 1997); 5 TBA trung gian 35/10kV với tổng công suất đạt 29,7 nghìn kVA (tăng 14 nghìn kVA so với năm 1997); hơn 1.183,5km đường dây trung áp (tăng 551,9 km so với năm 1997) và 1.775 TBA phân phối với tổng công suất là 819,7 nghìn kVA (tăng 1.230 TBA với công suất là 678,1 nghìn kVA so với năm 1997), hơn 2.336 km đường dây hạ áp. Tỉnh đã cơ bản chủ động về nguồn điện. Việc cấp điện từ Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội vào Hưng Yên và ngược lại chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp, có sự cố lớn về lưới điện xảy ra.
Lãnh đạo công ty Điện lực Hưng Yên cho biết: để tiếp tục nâng cao chất lượng điện năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, năm nay Công ty Điện lực Hưng Yên đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Trong đó nổi bật là thực hiện chuyển đổi một số phụ tải từ lưới điện 10 kV sau trạm biến áp trung gian Nhân Vinh, Kim Động, Khoái Châu, Hưng Long sang vận hành ở điện áp 22 kV và 35 kV để nâng cao chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện cho các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động, Ân Thi. Đồng thời công ty triển khai dự án IVO-Phần vốn dư, tổng mức đầu tư 165 tỷ đồng, quy mô xây dựng 79,7 km đường dây 35 kV, 10 (22) kV; 115 trạm biến áp với tổng công suất đặt hơn 29,1 nghìn kVA và cải tạo nâng công suất các trạm biến áp cho 95 xã trên địa bàn; Dự án năng lượng nông thôn II-Tài trợ bổ sung phần trung áp tỉnh Hưng Yên gồm 4 xã thuộc 3 huyện với quy mô xây dựng 2,02 km đường dây và 4 trạm biến áp cũng đang được triển khai. Công ty phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2012
Hiện nay, công ty đang triển khai thủ tục đấu thầu dự án năng lượng nông thôn II- bổ sung đợt 3 tỉnh Hưng Yên (do ngành điện làm chủ đầu tư cả lưới điện trung và hạ áp) với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng và quy mô xây dựng 39,01 km đường dây 35 kV và 22 kV; 89 trạm biến áp với tổng công suất đặt là 21.020 kVA; 313,4 km đường dây 0,4 kV cho 74 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các dự án đầu tư xây dựng trên, năm 2012 công ty tiếp tục thực hiện các dự án chống quá tải lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; thực hiện các nghiệp vụ kỹ thuật như: tăng cường tiết diện đường dây hạ thế, san tải giữa các trạm biến áp; lắp đặt tụ bù hạ thế, phát quang hành lang lưới điện, sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên các đường dây và trạm biến áp đến thời gian sửa chữa theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2012, công ty đã thực hiện 52 hạng mục sửa chữa lớn lưới điện với giá trị 23,8 tỷ đồng và 150 hạng mục sửa chữa thường xuyên lưới điện với tổng giá trị 2,7 tỷ đồng.
Tiếp tục chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn, từ năm 2008 đến năm nay, công ty đã tiếp nhận cấp điện trực tiếp đến hộ dân ở 79 xã, nâng tổng số địa phương do công ty cấp điện trực tiếp đến hộ dân là 105 xã, phường, thị trấn, bằng 65,2% tổng số xã phường, thị trấn của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn lại 59 xã chưa bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý gồm: 13 xã không tham gia dự án REII, 19 xã REII gốc đã hoàn thành cải tạo lưới điện và UBND tỉnh đã phê duyệt quyết toán và 27 xã tham gia dự án REII mở rộng. Thực hiện công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn năm 2012, Công ty đã làm việc với các xã để thống nhất kế hoạch bàn giao. Kết quả là 1 xã không tham gia dự án REII, 12 xã REII gốc và 19 xã REII mở rộng đã đồng ý bàn giao.
Sau khi nhận bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn, Công ty Điện lực tỉnh đầu tư 42 tỷ đồng cải tạo tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn cho 46 xã. Tổn thất điện năng ở các xã này đã giảm từ 30-35% xuống còn 15-20%. Điển hình như ở xã Nhân La (Kim Động), Phó chủ tịch UBND xã Trần Công Khái khẳng định: Từ khi bàn giao cho ngành điện quản lý (2008), lưới điện hạ áp của xã được ngành điện sớm đầu tư cải tạo thay mới 100% công tơ điện, 90% đường dây lưới điện hạ áp của xã là dây bọc thay cho dây trần, thay mới xà, sứ các cột điện ở vị trí xung yếu… Nhờ vậy lưới điện ở xã an toàn hơn, tổn thất điện năng giảm mạnh và quan trọng hơn cả là người dân trong xã thoát khỏi cảnh chịu đựng điện yếu “có như không”. Đón chúng tôi đến thăm gia đình, chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Mát phấn khởi cho biết: trước đây điện yếu, đèn đóm bật lên tù mù như đèn dầu, chẳng xem được ti vi, cũng chẳng dùng được nồi cơm điện. Bây giờ có điện nên nhiều gia đình ở xã mua máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt. Nhà chị cũng sắm thêm cái tủ lạnh để phục vụ sinh hoạt gia đình. Xã đầu tư kinh phí kéo dây, mắc bóng đèn chiếu sáng các tuyến đường làng ngõ xóm còn nhân dân đồng tình tự nguyện đóng góp trả tiền điện hàng tháng. Xóm làng bừng sáng, sôi động hơn và an ninh trật tự trên địa bàn xã cũng được củng cố. Mừng hơn cả là con em nhân dân trong xã có điều kiện tốt hơn để học tập.
Trong những năm tới, căn cứ vào quy hoạch phát triển lưới điện tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2010-2015, có xét đến năm 2020 và nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, Công ty Điện lực Hưng Yên sẽ phối hợp với các Ban quản lý lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục triển khai một số công trình điện đã có trong kế hoạch như: Trạm 500kV Phố Nối công suất 2x600MVA tại xã Việt Hưng (Văn Lâm) và nhánh rẽ 220kV; Trạm 220kV Kim Động công suất 2x250MVA; công trình cải tạo đường dây 110kV Phố Nối-Kim Động, mạch đơn AC-185 thành mạch kép dây ACO -300; Công trình đường dây 110kV Phố Nối-Hải Dương; lắp đặt máy biến áp T3 63MVA tại trạm 110kV Giai Phạm; xây dựng các trạm 110kV Minh Đức, Văn Giang; Các đường dây trung áp 35 kV, 22kV xuất tuyến sau các TBA 110kV; Cải tạo nâng điện áp vận hành các đường dây 10kV sau các TBA trung gian 35/10kV, sau trạm 110kV Phố Cao… lên điện áp 35 kV, 22kV theo quy hoạch; các công trình chống quá tải lưới điện hạ áp nông thôn, các dự án sửa chữa, cải tạo lưới điện nông thôn,...