Hưng Yên: Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm ở Phù Cừ

Thứ sáu, 14/09/2012 16:31

 

 Phòng bệnh cho gia cầm ở Phù Cừ. Ảnh: báo Hưng Yên

Hiện nay toàn huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đang chăn nuôi trên 700 nghìn con gia cầm các loại. Hoạt động chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện những năm gần đây phát triển khá mạnh ở hầu hết các xã, thị trấn.

Ngoài một số địa phương có hoạt động chăn nuôi gia cầm quy mô lớn như nuôi gà thịt công nghiệp tại xã Tống Phan, nuôi gà đẻ công nghiệp tại xã Quang Hưng, ở nhiều nơi trong huyện hoạt động chăn nuôi gia cầm mang tính nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu vực dân cư. Bên cạnh đó huyện lại là địa bàn thường xuyên có sự giao thương, vận chuyển gia cầm trong và ngoài tỉnh. Những yếu tố trên khiến hoạt động chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện dễ xảy ra nguy cơ dịch bệnh. Làm việc với Trạm thú y huyện Phù Cừ chúng tôi được biết, từ đầu năm huyện đã tích cực, chủ động để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm nói chung và dịch cúm gia cầm nói riêng. Nhất là khi một số tỉnh thành lân cận xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, cộng với thời tiết giao mùa, bất lợi cho sự phát triển của gia cầm, huyện nhanh chóng triển khai các hoạt động phòng chống dịch ở tất cả các địa phương. Trạm thú y huyện đã kịp thời cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu với UBND huyện liên tục có các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch, tăng cường chăm sóc và bảo vệ cho đàn gia cầm. Trong đó, thành lập 1 chốt kiểm dịch của huyện và 5 chốt kiểm dịch tại các xã giáp ranh với tỉnh lân cận để kiểm soát và phun thuốc khử trùng đối với các phương tiện chuyên chở gia cầm ra, vào địa bàn.

Bà Quách Thị Xim, Phó trưởng Trạm thú y huyện Phù Cừ cho biết: “Một số năm trước do hoạt động chăn nuôi gia cầm còn nhỏ lẻ, ý thức phòng bệnh cho gia cầm của người chăn nuôi chưa cao nên trên địa bàn huyện đã xảy ra dịch cúm gia cầm khiến hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Nhận thức đầy đủ về dịch bệnh nguy hiểm này nên nhiều năm trở lại đây công tác phòng chống dịch đã hiệu quả hơn rất nhiều. Khi trạm triển khai kế hoạch tiêm phòng hay tiêu độc khử trùng đều được người chăn nuôi hưởng ứng, đồng thời hỗ trợ người chăn nuôi chủ động phòng dịch và làm tốt công tác vệ sinh thú y, hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học”.

Kinh nghiệm của huyện trong phòng chống dịch bệnh là tại tất cả các địa phương trong huyện đồng loạt triển khai tuyên truyền kiến thức về vệ sinh phòng dịch cho người chăn nuôi, từng bước nâng cao ý thức và trách nhiệm của người chăn nuôi. Như việc phối hợp chặt chẽ với đài truyền thanh huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở, thường xuyên tuyên truyền các nội dung liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi an toàn, công tác phòng bệnh dịch cho vật nuôi, tác hại lớn với ngành chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh…

Tại xã Quang Hưng, một địa phương nổi tiếng của huyện về nuôi gà đẻ trứng theo hướng công nghiệp, hoạt động chăn nuôi này đang thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Quy mô chăn nuôi gia cầm tại đây khác nhau, có hộ vài trăm con, có hộ lên tới hàng nghìn con. Mặc dù vậy, ý thức phòng chống dịch của người chăn nuôi không hề có sự khác biệt, thực sự đã được nâng lên rất nhiều và đem lại hiệu quả to lớn. Gia đình ông Nguyễn Văn Bộ (thôn Quang Xá) thường xuyên nuôi 500 gà đẻ trứng. Ông Bộ cho biết gia đình ông nuôi loại gà này đã hơn 10 năm nay, nhưng ông khẳng định, dù nhiều năm các địa phương lân cận có dịch cúm gia cầm nhưng đàn gà của gia đình ông vẫn khỏe mạnh, đem lại nguồn thu chính. Đó là nhờ sự nghiêm ngặt trong áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh từ khi nhập con giống cho tới xuất bán sản phẩm. Ngay khi gà được 1 ngày tuổi nhập về nuôi, gia đình ông đã tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh. Sau đó là tiêm các loại vắc- xin khác theo đúng lứa tuổi của gà như: Phòng bệnh niu-cát-xơn, tụ huyết trùng, cúm… Kết hợp chế độ ăn uống phù hợp theo tuổi của gà, giữ vệ sinh chuồng trại và định kỳ tiêu độc, khử trùng ở mọi thời điểm trong năm. Không những vậy quy trình chăn nuôi sạch và an toàn này đã được phát triển rộng rãi trong toàn xã, được hầu hết người chăn nuôi gia cầm chuyên nghiệp  nghiêm túc thực hiện nên giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.

Trạm Thú y huyện hiện có một cửa hàng thuốc thú y do cán bộ trạm là bác sỹ thú y quản lý. Tại đây cung ứng tương đối đầy đủ cho người chăn nuôi các loại thuốc, vắc-xin bảo đảm chất lượng và giá cả. Bác sỹ thú y tại cửa hàng còn trực tiếp là người tư vấn, hỗ trợ người chăn nuôi trong quá trình sử dụng thuốc, vắc-xin cũng như ứng phó với dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay cửa hàng đã cung ứng được trên 150 nghìn liều vắc- xin các loại cho người chăn nuôi gia súc, gia cầm, trở thành một địa chỉ đỏ khi người chăn nuôi cần hỗ trợ về kỹ thuật, biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngay khi Cục Thú y hoàn thành thử nghiệm loại vắc-xin phòng cúm gia cầm mới của Công ty thuốc thú y Trung ương và có khuyến cáo cho người chăn nuôi gia cầm sử dụng, trạm đã thông báo rộng rãi tới người dân để tới trạm đăng ký mua thuốc tiêm phòng cho gia cầm trong diện tiêm. Bên cạnh đó huyện Phù Cừ đã phân công cán bộ thú y phụ trách từng cụm xã, thị trấn bám sát địa bàn, giao trách nhiệm cho cán bộ thú y cơ sở, kịp thời phát hiện tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm để chủ động có biện pháp xử lý.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực